ĐẶNG HỒNG
Lời tòa soạn:
Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27 tháng 7, ông Đặng Hồng Khuê (Đặng Hồng), nguyên Trưởng ty Thông tin Văn hóa Cần Thơ (1975-1976), Phó ty Văn hóa Thông tin Hậu Giang (1976-1983), tham gia cách mạng từ năm 1945, gởi đến Báo Cần Thơ bài viết "Dũng khí người tù binh", kể về cuộc đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù tại Cần Thơ giai đoạn 1946-1954. Bản thân ông cũng bị bắt giam tại đây trong những năm 1950-1954.
Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu bài viết của ông Đặng Hồng Khuê.
Cuối năm 1946, sau khi tái chiếm tỉnh lỵ Cần Thơ và các tỉnh miền Hậu
Giang, cùng với việc xây dựng bộ máy cai trị, đóng đồn bót trên các tuyến chiến lược và xua quân đánh phá vùng giải phóng hòng tiêu diệt quân ta, Pháp ở tiểu khu Cần Thơ đã thành lập một trại giam tù binh (tọa lạc cạnh nhà việc Tân An cũ) để giam cầm cán bộ, chiến sĩ của ta bị chúng bắt. Từ ngày thành lập cho đến tháng 8-1954, ngày trao trả tù binh theo hiệp định Genève, nhà cầm quyền Pháp đã giam cầm tại trại tù binh này từ 400 đến 500 người.
Mặc dù hằng ngày phải đối mặt với chế độ nhà tù hà khắc của giặc, các cán bộ chiến sĩ ta luôn đoàn kết đùm bọc nhau nêu cao dũng khí và danh tiết của người cán bộ cách mạng trong đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, buộc chúng phải cải thiện đời sống vật chất- tinh thần cũng như sinh hoạt cách mạng trong nhà tù.
Trong những ngày đầu xây cất, hằng ngày địch đưa từ 100 anh em tù chính trị bị giam ở khám đường Cần Thơ sang đào đất lấp nền và cất trại. Công việc nặng nhọc, còn bị bọn coi tù đánh đập, hành hạ. Cơm không đủ no. Trước tình hình cấp bách, anh em đấu tranh đòi không được ngược đãi đánh đập tù nhân, cơm ngày ba bữa
Khi vài trại nhỏ được xây cất xong, tiểu khu đưa hai sĩ quan Pháp đến trực tiếp cai quản, chỉ huy công việc, không cần người đại diện của tù binh. Anh em ta nêu khẩu hiệu đòi thực hiện chế độ tù binh theo công ước quốc tế Genève.
Khi việc xây trại hoàn thành, tiểu khu đưa đến trại 300 tù binh. Anh em ta đoàn kết tiếp tục đấu tranh, tiểu khu phải chấp nhận những đòi hỏi của ta. Như trại tù binh cử một đại diện của toàn trại và từng trại nhỏ có ban trại. Toàn bộ việc quản trị nội bộ do đại diện phụ trách. Trước đấu tranh của anh em ta, Pháp buộc phải lập ra trạm y tế, có y sĩ chăm sóc sức khỏe và trị bệnh cho anh em. Trong trại có sân bóng chuyền, bóng bàn, lập căn-tin, hằng ngày có báo, có radio để nghe tin tức. Ban trại còn mở lớp dạy chữ cho anh em. Đặc biệt trại tù binh lập Đoàn ca kịch Hòa Bình trình diễn kịch và cải lương nhân dịp kỷ niệm cách mạng, chiến thắng Phát-xít Đức, Tết
không chỉ phục vụ tù nhân mà một số sĩ quan Pháp, vợ con lính Pháp, lính gác
cũng bắc ghế ngồi vòng ngoài hàng kẽm gai để xem.
Trong nội bộ người tù có những kỷ luật nghiêm khắc, bắt buộc người tù chính trị phải tuân thủ, nhất là trong quan hệ với binh lính sĩ quan Pháp và đồng bọn. Khi đi lao động bên ngoài bất cứ trường hợp nào cũng không được xin bất cứ thứ gì của đồng bào. Sĩ quan, lính mời thuốc, bia, những thứ chúng ăn thừa đem cho là kiên quyết từ chối. Nếu người nào vi phạm tùy trường hợp nặng nhẹ phải nhận kỷ luật trước anh em trong trại.
Dũng khí của người tù binh còn thể hiện trong bất cứ tình huống nào, phải nêu cao tinh thần đoàn kết đấu tranh chống lại dù bị địch hành hạ. Có lần tại sở mới (đối diện chợ Xuân Khánh ngày nay), cứ mỗi ngày chúng bắt tù binh đập gạch làm nền xây cất trại lính. Tên quan ba "xách" (chuyên xách lỗ tai) và quan hai "đá" (vừa đá vừa chửi), từ tiểu khu đến kiểm tra công việc. Thấy anh Xuyến lơi tay đập gạch, tên quan hai nhào tới đá anh Xuyến. Anh Xuyến nhanh chân đứng lên gài thế làm tên quan hai ngã nằm dài trên đống gạch vụn, không đứng dậy nổi; bọn lính xúm lại khiêng hắn đưa lên xe vọt về tiểu khu. Anh Xuyến bị tên quan ba "xách" đánh khá nặng và phạt 50 lần hít đất, nhưng cú đánh trả của anh làm ngã tên quan hai làm cho các sĩ quan Pháp từ đó đến sở mới đều kiêng dè tù binh.
Bằng mọi cách vượt trại, hoặc khi lao động tại các sở bên ngoài thì tổ chức giật súng, giết lính giữ tù binh để thoát khỏi nhà tù - đó cũng là những hành động thể hiện dũng khí của người tù binh. Trận vượt ngục thứ nhứt- dù chỉ có một người- diễn ra trong tình huống gay go của anh Nguyễn Văn Vĩnh, tên tù binh là Mẹo (anh ruột anh hùng liệt sĩ Nguyễn Việt Dũng). Trời vừa chạng vạng, hệ thống đèn điện chung quanh trại bị hư, trong trại và bên ngoài tối om, tạo cơ hội thuận lợi để anh thực hiện ý định đã nuôi dưỡng từ lâu. Từ trong trại, anh Mẹo lao ra sân, tiếp cận hàng rào kẽm gai thứ nhất và vượt qua bốn hàng rào kẽm gai, nhảy qua mương leo lên bờ để thoát ra ngoài. Chẳng may anh vừa chồm lên cây cột dừa cao ba thước thì đèn sáng lòa. Tên lính gác lô cốt trông thấy tri hô lên và nổ súng, anh bị trúng đạn bể một con mắt. Chúng bắt anh lại.
Sáng một ngày đầu tháng 6 năm 1952, Tiểu khu Cần Thơ nhận 6 tù binh, có 3 lính theo giữ đưa đi làm cỏ tại nghĩa địa gọi là đất Thánh Tây (Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều hiện nay). Sáu anh tổ chức giật súng 3 tên lính để thoát thân, nhưng vì lúc hành động không ăn khớp nên trong lúc giằng co có 1 tên lính thoát ra dùng súng bắn chết 6 chiến sĩ.
Đêm 30 Tết 1953, sau khi tù binh toàn trại tập trung, bên ngoài lính, vợ lính cũng đến xem chương trình văn nghệ Tết do Đoàn ca kịch Hòa Bình trình diễn. Đến giờ Giao thừa, lợi dụng lính gác ở lô cốt ngủ gục, 12 tù binh núp dưới khán đài dựng sát hàng rào kẽm gai thoát ra an toàn.
Đầu mùa mưa năm 1953, lính sở tới nhận 6 tù binh về sở để kéo chiếc xe GMC bị lún bánh dưới sình. Trong lúc 3 lính gác mất cảnh giác, 6 anh dùng leng đào đất tấn công 3 tên, lấy 3 súng, vượt qua rạch Bần về vùng giải phóng an toàn.
Đặc biệt là trường hợp vượt trại vô cùng mạo hiểm, táo bạo của anh Lâm Văn Hồng (Tám Liểng) vào lúc 12 giờ trưa ngày 3 tháng 8 năm 1953. Trọn buổi sáng hôm đó, anh Lâm Văn Hồng theo dõi thấy tên lính gác trên lô cốt thường hay ngủ gục. Đúng 12 giờ trưa khi tên lính ngủ gục, anh băng qua sân trống, áp sát hàng rào kẽm gai thứ nhứt cách lô cốt khoảng 20 thước và chui qua bốn hàng rào kẽm gai, nhảy qua cái mương, vừa trèo lên cây trụ dừa cao ba thước thì tên lính gác phát hiện, bắn báo động. Lập tức địch huy động một trung đội lính gác trại, một đại đội com-măng-đô và 5 xe nồi đồng đến bao vây bên ngoài trại tù binh. Anh trúng đạn ngay bắp chân và khi từ trên trụ dừa nhảy xuống, chân anh chạm vào mả đá, bể mắt cá, ngã quỵ trong đống bùng nhùng kẽm gai. Chúng bắt anh và đưa sang nhà thương trị bệnh, khi lành vết thương, anh Lâm Văn Hồng trở lại trại.
Trong trại tù binh có một tên gián điệp của phòng nhì Pháp cài vào để theo dõi và báo cáo mọi hành động của tù binh. Sau vài lần tranh thủ, giáo dục nhưng vẫn ngoan cố, hắn đã bị trừng trị. Vào khoảng 22 giờ, tại căn-tin, trong khi tên gián điệp đang chơi bóng bàn thì một tù binh xuất hiện và đèn điện bị cúp. Bằng một thế võ hiểm, anh tù binh quật hắn ngã xuống đất, dùng dao tấn công hắn. Khi đèn sáng lại và bên ngoài địch báo động, hắn vẫn còn giãy giụa trên vũng máu. Giữa lúc sếp trại tù binh vào xem hiện trường thì tại trại bảy, người tù binh xử tên gián điệp- anh Nguyễn Văn Song (người Mỹ Tho) đem thùng nước đá si-rô, đích thân mời anh em, tươi cười nhận lời tiễn biệt trước giờ anh đi lãnh thêm án tù. Rồi anh thư thả bước ra cửa trại gặp sếp trại, hài tội tên gián điệp, tự nhận mình thay mặt tù binh toàn trại xử tội hắn.
***
Trại tù binh cũng là một trường học cách mạng. Ở đó anh em ta kiên định tổ chức những ngày kỷ niệm của đất nước dù phải chịu đủ mọi giám sát hành hạ của địch, nhất là kỷ niệm ngày sinh Hồ Chủ tịch. Ở mỗi buổi lễ, đại diện mỗi trại nhỏ nêu ý nghĩa của ngày lễ, nhắc nhở nhau giữ vững khí tiết của người cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Trong tù, không có cờ Tổ quốc nhưng tất cả đều hướng về lá cờ trong tưởng tượng, đứng nghiêm, chào cờ như trước mặt mọi người đang thực sự có cờ Tổ quốc tung bay, rồi mặc niệm các anh hùng liệt sĩ, hướng về phương Bắc nhớ Hồ Chủ tịch.
Cuối tháng 7 năm 1954, khi hiệp định Genève được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn chiến trường Đông Dương, cùng với trên chục ngàn tù chính trị của toàn Nam bộ, 500 tù binh trại tù binh Cần Thơ được phía Pháp trao trả về đoàn đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Nam bộ.