TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Tình trạng nghèo đói, hạn hán và bất ổn không hồi kết ở châu Phi khiến cuộc đấu tranh vì công nghiệp hóa trở nên khó khăn nhưng các mỏ khoáng sản phong phú cùng với dân số trẻ của khu vực đã thu hút sự chú ý của các nước phát triển. Chính sự quan tâm ngày càng tăng đối với châu Phi dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc.

Thủ tướng Ðức Olaf Scholz (trái) gặp gỡ Tổng thống Nam Phi Matamela Cyril Ramaphosa trong chuyến thăm châu Phi hồi tháng 5. Ảnh: DPA
Trong những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý cũng như Ấn Ðộ vào các nước châu Phi tăng nhanh. Mặt khác, một số nước như Ðức đang phát triển các chiến lược mới nhằm tăng cường sự hiện diện tại khu vực. Song, chỉ 1% trong số khoản đầu tư trị giá 173 tỉ USD của các công ty Ðức ở nước ngoài hồi năm ngoái là ở châu Phi.
Trong bối cảnh đó, Handelsblatt, một trong những tờ báo tài chính nổi tiếng ở Ðức, cho hay Berlin dự định thay “Kế hoạch Marshall cho châu Phi” bằng một chiến lược mới để có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong việc tìm kiếm năng lượng, nguyên liệu thô và thị trường mới ở lục địa đen. Theo Handelsblatt, Bộ trưởng Phát triển và Hợp tác Kinh tế Ðức Svenja Schulze vào tháng tới sẽ trình bày chiến lược mới này. Cùng với đó, Ðức đặt mục tiêu bảo vệ nước này trước cuộc khủng hoảng toàn cầu bằng cách củng cố quyền lực mềm.
Trong khi Trung Quốc nhiều lần tận dụng sức mạnh đầu tư và cho vay ở châu Phi bằng cách lôi kéo các quốc gia tại khu vực bỏ phiếu ủng hộ Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc, dự thảo chiến lược mới của Ðức dành cho khu vực cũng xác định Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh, Trung Quốc và Nga là những “đối thủ” của Berlin. Dự thảo chiến lược mới nhấn mạnh rằng các quốc gia này một mặt đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nỗ lực tiếp cận nguồn nguyên liệu thô và các thị trường ở châu Phi, mặt khác tăng cường ảnh hưởng chính trị của họ.
Với chiến lược mới, Ðức kỳ vọng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với châu Phi sẽ hỗ trợ nước này về lực lượng công nhân lành nghề và chuyển đổi năng lượng. Berlin đồng thời cũng muốn thúc đẩy sản xuất hydro xanh ở châu Phi, hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế hydro địa phương, từ đó đóng góp cho chiến lược hydro quốc gia của Ðức.
Trong khi Trung Quốc có thể tiếp cận các loại nguyên liệu thô như coban được sử dụng trong sản xuất pin ôtô điện, các công ty Ðức lại không có quyền tiếp cận trực tiếp đối với các loại khoáng sản quan trọng như vậy. Do đó, Ðức có kế hoạch nắm bắt các cơ hội đầu tư tư nhân ở châu Phi, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng. Ngoài ra, sự hiện diện của các công ty năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Phi giúp củng cố vị thế của Ðức và mang lại cho nước này vai trò hàng đầu trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu quan tâm đến khu vực.
Và với chiến lược mới, Ðức có kế hoạch giúp các nước châu Phi trả nợ dễ dàng hơn bằng cách cung cấp các hỗ trợ về ngân sách. Ðức cũng sẽ tập trung hỗ trợ các nước châu Phi về các giải pháp nhập cư hợp pháp. Với mục đích như vậy, các trung tâm tư vấn ở các nước châu Phi sẽ được biến thành “trung tâm di cư và phát triển”, tập trung vào “di cư lao động thường xuyên đến Ðức và châu Âu”, từ đó góp phần vào việc thực hiện Ðạo luật nhập cư có tay nghề cao của Ðức.
Lục địa châu Phi có diện tích gấp 3 lần châu Âu và gấp 85 lần diện tích bề mặt của Đức. Châu Phi gồm 54 quốc gia với 3.000 dân tộc và ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh trữ lượng dầu mỏ và vàng dồi dào, châu Phi còn có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất thế giới và hơn một nửa trong số 1,4 tỉ dân ở độ tuổi dưới 30. Dự kiến, dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, mang lại cho khu vực nhiều thuận lợi cũng như thách thức. Năm 2017, châu Phi có trữ lượng khí đốt gần 150.000 tỉ m³ - chiếm hơn 7% tổng trữ lượng toàn cầu.