02/10/2013 - 21:25

Dubai - Thị trường nhiều tiềm năng

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại-Du Lịch TP Cần Thơ phối hợp với Học viện Doanh nhân LP Việt Nam vừa tổ chức hội thảo "Xúc tiến xuất khẩu và đầu tư vào Dubai- Mô hình Đàn chim bay- Khát vọng Thương hiệu Việt". Nhiều chuyên gia khẳng định: Dubai là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.

"Bùng nổ" nhu cầu

Ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam giới thiệu về tiềm năng của thị trường Dubai-UAE. 

Dubai là một trong các vương quốc thành viên thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Dubai nổi lên như một "thiên đường kinh doanh" trong thế kỷ 21 và trở thành cửa ngõ marketing nổi tiếng nhất trên thế giới. Dân số của UAE chỉ có 8 triệu người, nhưng thị trường Dubai – UAE được đánh giá có dung lượng lớn bởi nó là đầu mối cung cấp hàng hóa cho nhiều quốc gia và khu vực lân cận.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ, Dubai đang là trung tâm trung chuyển và cung cấp hàng hóa, dịch vụ rất quan trọng cho cả khu vực Trung Đông và nhiều nước châu Phi, đặc biệt với nhóm 6 nước giàu có thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh-GCC gồm: UAE, Saudi Arabia, Oman, Qatar, Kuwait, Bahrain. Theo kết quả nghiên cứu của Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, chỉ riêng 6 nước thuộc GCC, dân số 44 triệu người và GDP là 1.545 tỉ USD. Dự kiến, từ năm 2010 đến 2020, tổng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản của các nước đạt khoảng 5.000 tỉ USD. Trong đó, tổng giá trị các dự án đang trong giai đoạn lên kế hoạch và triển khai là 2.870 tỉ USD. Riêng các dự án đang triển khai tại UAE có giá trị 623 tỉ USD, tại Saudi Arabia là 629 tỉ USD. Qatar đăng cai World Cup 2022 cũng đang chi hơn 200 tỉ USD (chỉ mới tính những dự án đang triển khai) để xây dựng lại bộ mặt đất nước. Môi trường kinh doanh thuận lợi cùng những tín hiệu khả quan từ thị trường khiến khối GCC trở thành "miếng bánh béo bở" cho các công ty nước ngoài có ý định mở rộng thị trường. Sự sụt giảm của nhiều nền kinh tế khác, nhất là châu Âu, cũng trở thành lợi thế đối với Trung Đông và khiến cho thị trường trở nên càng nhộn nhịp.

Lâu nay, có một khu vực ở Trung Đông khá ổn định về chính trị và thịnh vượng về kinh tế - đó là khu vực các nước GCC. Theo ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, kiêm Chủ tịch LP Group (Việt Nam, Australia, Dubai), trong 1/4 thế kỷ qua, kinh tế các nước GCC phát triển khá ổn định dù nhiều nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới. 20 năm qua, tại Dubai-UAE và các nước GCC hầu như không có tình trạng thất nghiệp, tỷ giá ngoại tệ ổn định và lạm phát thực tế không có. Năm 2008, đầu tư nước ngoài vào Dubai-UAE và các nước thuộc GCC có sụt giảm, nhưng kinh tế nội địa vẫn phát triển rất mạnh và nguồn thu quốc gia được tăng cường nhờ bán dầu mỏ. Đến nay, đầu tư tại khu vực này đang bùng nổ trở lại với việc khởi động nhiều dự án đầu tư xây dựng. Ông Nguyễn Liên Phương cho rằng: "Dubai không chỉ tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng, dịch vụ xây dựng mà còn đang "bùng nổ" nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa, dịch vụ. Do lượng du khách, thương nhân, người lao động đổ về Dubai ngày càng nhiều và nhu cầu trung chuyển hàng sang các khu vực khác tiêu thụ cũng gia tăng mạnh. Trong khi đó, do khí hậu khắc nghiệt, thiếu các điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp và hàng hóa tiêu dùng nên nơi đây phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa, từ nước ngọt phục vụ sinh hoạt đến hàng thực phẩm, tiêu dùng…".

Môi trường kinh doanh tại Dubai-UAE và các nước GCC khá minh bạch và thông thoáng, doanh nghiệp ít phải đóng các loại thuế. Thị trường các nước này hầu như không hoặc chưa có hàng rào kỹ thuật bảo hộ quốc gia, chấp nhận mọi loại hàng hóa từ rất bình dân đến siêu sang… Với những đặc điểm trên, Dubai ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư và thương nhân đến làm ăn và biến nơi đây trở thành thiên đường kinh doanh của thế kỷ 21.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Xuất khẩu của Việt Nam vào Dubai tăng trưởng nhanh chóng, từ khoảng 800 triệu USD năm 2010 lên 1,3 tỉ USD năm 2011 và tăng lên 2,3 tỉ USD năm 2012. Dự kiến, trong năm 2013 sẽ đạt 4,2 tỉ USD. Theo xếp hạng của Bộ Công thương, trong nửa đầu năm 2013, Dubai-UAE đã trở thành thị trường quan trọng thứ 7 trong số "15 thị trường xuất khẩu tỉ USD" của Việt Nam. Các số liệu trên đã phần nào cho thấy Dubai đang là một thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước còn gặp khó về đầu ra sản phẩm, các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đang tăng cường các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại thì tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mới là cần thiết. Dubai là một thị trường tương đối "dễ tính", hứa hẹn nhiều cơ hội tiêu thụ hàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, người tiêu dùng tại thị trường này rất có cảm tình với Việt Nam. Đây cũng là lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiêu thụ hàng. Riêng doanh nghiệp ở ĐBSCL càng có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng vào Dubai do nơi đây có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng nông thủy sản (gạo, thủy sản, rau quả…) - các sản phẩm thế mạnh của vùng. Thời gian qua, cũng có nhiều doanh nghiệp vùng ĐBSCL và cả nước xuất khẩu được hàng vào Dubai. Song, phần lớn doanh nghiệp xuất bán hàng số lượng ít, chủ yếu qua trung gian. Vì vậy, hàng xuất bán còn thiếu thương hiệu Việt, giá trị mang lại chưa cao và phải lệ thuộc vào các nhà buôn và đầu mối mua hàng ở Dubai. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp Việt còn thiếu thông tin, chưa biết cách tiếp thị và đưa sản phẩm thâm nhập trực tiếp vào thị trường này. Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển các thương hiệu hàng hóa Việt ở thị trường Dubai, Học Viện Doanh nhân LP Việt Nam và các doanh nghiệp trong cộng đồng Doanh nhân LP đã và đang xúc tiến thành lập Công ty Cổ phần Vchoice Supplier Dubai-UAE (gọi tắt là Vchoice Dubai). Đây là công ty làm đầu mối quảng bá, thu hút khách hàng, thực hiện xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp Việt Nam tại Dubai cũng như tiến hành bán buôn và phân phối hàng hóa, dịch vụ... Mô hình "Đàn chim bay" của Vchoice Dubai sẽ giúp tập trung được nguồn lực đầu tư, tạo ra sức mạnh tổng lực của các doanh nghiệp Việt Nam để cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế. Mặt khác, với hình thức liên kết cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt giảm các chi phí xúc tiến thương mại, chi phí kinh doanh…Sự ra đời của Vchoice Dubai, tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi khi muốn thực hiện đầu tư và xuất khẩu hàng vào Dubai. Ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, cho biết: "Thời gian qua, Học viện Doanh nhân LP Việt Nam và Vchoice Dubai đã tiến hành các hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư và xuất khẩu hàng vào thị trường này và tổ chức nhiều đoàn đi nghiên cứu, khảo sát thị trường và trưng bày giới thiệu hàng tại Dubai. Mặt khác, chúng tôi cũng tiến hành tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Dubai theo 3 bước: nghiên cứu đối thủ cạnh tranh trên thị trường mục tiêu; tiến hành hoàn thiện sản phẩm của mình về chất lượng và hình ảnh; thực hiện xuất khẩu hàng dưới sự hỗ trợ của Vchoice Dubai".

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại-Du lịch TP Cần Thơ, để giúp các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL có thể tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu hàng vào thị trường Dubai, tới đây Trung tâm cũng sẽ tăng cường phối hợp với Học viện Doanh nhân LP Việt Nam và các địa phương trong vùng tổ chức các hoạt động xúc tiến, tìm hiểu sâu thị trường. Song song đó, Trung tâm sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát thị trường và có các hoạt động hỗ trợ khác cho doanh nghiệp…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết