15/02/2016 - 21:03

VIỆN LÚA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đưa ra thị trường những sản phẩm sát với thực tiễn sản xuất

Là cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tham gia tích cực vào lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao các giống lúa mới, các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Đến nay, cơ cấu giống lúa OM của Viện đã chiếm trên 77% diện tích gieo trồng lúa tại ĐBSCL. Trước yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho nông dân, Viện Lúa ĐBSCL xác định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học trên cây lúa và các loại cây trồng trên nền đất lúa gắn với hoàn thiện quy trình canh tác và chuyển giao nhân rộng vào sản xuất trong toàn vùng.

* Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Năm 2015, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện 63 nhiệm vụ khoa học và hợp tác quốc tế gồm: các nhiệm vụ cấp Nhà nước, nhiệm vụ cấp bộ, các đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, dự án lúa xuất khẩu, đề tài, dự án hợp tác quốc tế, đề tài hợp tác với địa phương, công ty, Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Các nhiệm vụ khoa học được Viện triển khai theo đúng tiến độ, thu được kết quả và sản phẩm khoa học. Trong năm, Viện đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất các đề tài thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia lúa gạo. Đồng thời hoàn thành việc thẩm định, ký kết thỏa thuận cho dự án FIRST "Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ" để triển khai trong giai đoạn 2016-2017 với hợp phần GRI "Làm chủ công nghệ chọn tạo và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa có các đặc tính nổi trội và giá trị kinh tế cao, góp phần đảm bảo sự tự chủ của Viện Lúa ĐBSCL". Theo Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, Viện đang phấn đấu hỗ trợ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chất lượng cao vào sản xuất và đạt tỷ lệ 80% trên tổng diện tích gieo sạ của toàn vùng vào năm 2020. Viện cũng xác định công tác chọn tạo giống lúa phải đi theo định hướng thị trường. Công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa hiện nay không chỉ có sự tham gia của các viện, trường mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp. Do đó, Viện sẽ làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu giống để đưa những sản phẩm sát với nhu cầu sản xuất lẫn nhu cầu thị trường giúp nông dân dễ dàng tiếp nhận, đưa vào sản xuất.

Các giống lúa OM của Viện Lúa chiếm trên 77% diện tích gieo sạ của vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL triển khai công tác đánh giá giống lúa để phục vụ yêu cầu nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất.

Hiện cơ cấu giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL chiếm trên 77% diện tích gieo trồng lúa của ĐBSCL. Trong đó, có một số giống chiếm tỷ lệ gieo trồng rất lớn (trên 100.000ha) như: OM 5451, OM 4900, OM 6976, OM 4218, OM 5954... Trong năm 2015, Viện có 2 giống lúa mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận chính thức là giống OM 5953 và OM 8017. Ngoài ra, giống lúa OM 9921 được Bộ NN&PTNT công nhận cho sản xuất thử. Viện còn chuyển giao 1.833 tấn lúa giống các cấp vào sản xuất. Các giống lúa của Viện không chỉ đáp ứng yêu cầu về năng suất, chất lượng mà còn chống chịu với những bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, phù hợp với những tiểu vùng sinh thái khác nhau. Viện cũng chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm Ometar, quy trình quản lý bọ phấn trắng tổng hợp, quy trình quản lý tổng hợp bệnh đạo ôn cho các địa phương vùng ĐBSCL và Tây Nguyên để canh tác lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường, quản lý dịch hại tổng hợp.

* Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Theo kế hoạch năm 2016, Viện Lúa ĐBSCL sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lai tạo chọn lọc giống lúa và các cây trồng khác nhằm phục vụ sản xuất ở ĐBSCL và các vùng khác trong cả nước. Đặc biệt là lai tạo, chọn lọc ra các giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu mặn, hạn, ngập úng và nóng. Viện cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan, ban ngành trong nước và quốc tế. Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Cục phó phụ trách Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, muốn mang hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất lúa, nông dân phải sử dụng giống tốt. Do đó, Cục chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối đang thực hiện nhiệm vụ liên kết với các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp tập trung nâng chất lượng giống lúa theo hướng gạo thơm, hạt dài, chất lượng cao. Viện Lúa ĐBSCL cần tiếp tục quan tâm đến khâu chọn tạo giống đảm bảo chất lượng theo yêu cầu xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị và giá trị gia tăng từ sản phẩm gạo và sản phẩm làm ra sau gạo.

Hiện nay, có nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL liên kết hợp tác với Viện Lúa để tiếp cận các giống lúa chất lượng và áp dụng các tiến bộ khoa học được chuyển giao từ Viện vào sản xuất. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, nhờ tiếp cận được nguồn lúa giống chất lượng từ Viện, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trong sản xuất của TP Cần Thơ có vụ đạt gần 80% diện tích canh tác lúa. Sản lượng lúa bình quân hàng năm của thành phố đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn. Do đó, thành phố mong muốn Viện Lúa tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều giống lúa mới để đáp ứng yêu cầu gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng lúa gạo xuất khẩu… Đồng thời đề nghị Viện tiếp tục nghiên cứu các quy trình sản xuất tiên tiến để chuyển giao cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và nông dân nhằm ứng dụng rộng rãi vào quá trình canh tác.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trịnh Khắc Quang, Quyền Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã đặt hàng Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo ra các giống lúa mới, bổ sung thêm các tính trạng đột phá về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu với sâu bệnh và những điều kiện bất lợi của thời tiết. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự tham gia phối hợp của tất cả các bộ môn nghiên cứu trực thuộc Viện trong chọn tạo giống gắn với nghiên cứu hoàn thiện gói kỹ thuật sản xuất cho vùng ĐBSCL. Bên cạnh việc tập trung nghiên cứu về cây lúa, Viện cũng cần nghiên cứu thêm những loại cây trồng khác để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên nền đất lúa.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Viện đang tiếp tục phối hợp với các địa phương để thực hiện xã hội hóa công tác giống, đưa giống lúa chất lượng vào sản xuất và phải tiếp tục cải thiện nhiều hơn nữa về chất lượng giống. Giai đoạn 2016-2017, Viện sẽ tập trung cho dự án FIRST với mục tiêu làm chủ công nghệ chọn tạo giống và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa có các đặc tính nổi trội và giá trị kinh tế cao. Công tác đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tranh thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu sẽ được tăng cường hơn nữa. Đặc biệt, Viện sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ làm công tác nghiên cứu khoa học để có lực lượng kế thừa, đáp ứng các yêu cầu tham gia công tác nghiên cứu khoa học phù hợp với tình hình mới, đóng góp vào sự phát triển chung cho ngành nông nghiệp của vùng và cả nước.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết