18/12/2011 - 21:27

Dừa khô rớt giá, nhà vườn trăn trở

“Chợ dừa” Bến Tre không còn nhộn nhịp
như trước.

Hơn 1 tháng nay, ở Bến Tre giá dừa khô trái liên tục giảm, nhiều người trồng dừa trăn trở. Nguồn thu nhập chính trong gia đình giảm đáng kể, trong khi các khoản chi thiết yếu lại ngày một tăng, người trồng dừa lo ngại khó thu vén khi ngày Tết đang gần kề.

Người trồng dừa lo lắng

Ông Trần Văn Hiệp ở xã Tân Hội (huyện Mỏ Cày Nam) cho biết, gia đình có 5 công đất trồng dừa, những tháng cây dừa “treo” trái, cho khoảng 100 - 200 trái/tháng (5 công) nhưng trái dừa khô bán được giá cao 140.000 đồng/chục (12 trái), chi tiêu gia đình cũng đỡ phần nào. Từ tháng 8 - 2011 đến nay, cây dừa cho trái sai, thu hoạch từ 300 - 400 trái/tháng, nhưng giá chỉ ổn định trong thời gian ngắn. Và hơn 1 tháng nay, nhiều hộ dân trồng dừa phải xót xa khi giá dừa khô giảm từng ngày, hiện thương lái thu mua dưới 60.000 đồng/chục. Song, cái khó đối với người trồng dừa là trái dừa khô phải thu hoạch và bán cho thương lái, không thể giữ lại chờ giá, nếu giữ lại thì chỉ làm cây giống! Do vậy, nhiều hộ dân thu nhập chính phụ thuộc vào cây dừa đang lo lắng, hiện trái dừa khô nằm ở mức giá thấp nhưng chưa phải là điểm dừng.

Dọc sông Thom, đoạn thuộc các xã Tân Hội, An Thạnh, Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Nam), nơi mọi người quen gọi là chợ dừa giờ không nhộn nhịp như trước nữa. Theo một thương lái thu mua dừa, ghe của họ đã cặp bến nhiều ngày, nhưng chưa biết khi nào mới bán được cho các cơ sở chế biến dừa ở đây; trong khi giá dừa giảm mỗi ngày. Có chuyến số tiền chênh lệch giữa thu mua tại vườn người trồng dừa và bán cho chủ cơ sở không bù đủ giá dừa giảm. Ông Võ Văn Đông, Chủ cơ sở thu mua dừa ở Mỏ Cày Nam, cho biết: “Thời điểm dừa khô giá cao, cơ sở thu mua xô cả ghe của thương lái. Nhưng giờ này thương lái sử dụng mặt bằng của cơ sở thu mua, thuê người lột vỏ dừa rồi phân loại để bán cho chủ cơ sở. Hiện giờ, các cơ sở chỉ thu mua theo số lượng đơn đặt hàng từng ngày”. Theo ông Đông, trước đây cơ sở thu mua trái dừa khô từ 1kg trở lên bán 70% số lượng cho tàu chuyển sang thị trường Trung Quốc tiêu thụ, còn lại bán cho doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy, nước dừa bán cho doanh nghiệp sản xuất thạch dừa, vỏ dừa đưa vào máy dập để lấy chỉ và mụn. Còn hiện nay, tàu neo đậu trên sông Hàm Luông chỉ thu mua than gáo dừa, các sản phẩm khác từ dừa, khi đến thời điểm vận chuyển sang thị trường Trung Quốc chưa đầy tàu thì mới mua thêm ít dừa trái. Dừa khô hiện xuất sang Trung Quốc chủ yếu bằng đường bộ nhưng số lượng chỉ bằng khoảng 30% so với trước, đối tác thu mua phân loại rất nghiêm ngặt.

Cung- cầu phụ thuộc
doanh nghiệp nước ngoài?

Theo các cơ sở kinh doanh ở chợ dừa thuộc huyện Mỏ Cày Nam, dừa khô rớt giá đã kéo theo hệ lụy là vỏ dừa từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/thiên (1.200 trái), giảm xuống còn 700.000 - 800.000 đồng/thiên; chỉ xơ dừa 3.500 - 4.000 đồng/kg, giảm còn 1.700 - 2.500 đồng/kg; mụn dừa của 4 - 5 thiên vỏ dừa giá từ 900.000 đồng, giảm còn 600.000 đồng. Trên địa bàn các xã ở chợ dừa, hiện có nhiều công ty, doanh nghiệp của Trung Quốc hoạt động nên nắm rất rõ quy luật cung - cầu và đồng loạt hạ giá thu mua dừa trái và các sản phẩm khác từ dừa. Các cơ sở thu mua dừa ở chợ dừa cho rằng, giá dừa khô, chỉ xơ dừa phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Gần Tết Nguyên đán, công ty, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc ngưng hoạt động trở về nước, sau Tết mới trở lại nên giá dừa khô khó có thể nâng lên. Trong khi đó, vào dịp Tết hộ dân trồng dừa cần nhiều tiền chi sinh hoạt thiết yếu. Ngay thời điểm này, đã xảy ra tình trạng hộ dân thu hoạch cùng một lúc 2 buồng dừa/cây/tháng, thay vì 1 buồng/cây/tháng. Và sau Tết, giá dừa khô nếu có tăng thì hộ dân không có dừa để bán!

Bến Tre là địa phương có thế mạnh về cây dừa, nhưng thời gian qua đầu ra của trái dừa khô lại phụ thuộc phần lớn vào thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, một vài thương lái thu mua dừa khô từ tỉnh Bình Định giá thấp về pha trộn với dừa Bến Tre để bán cho các cơ sở thu mua trên địa bàn, xuất khẩu đã làm hình ảnh trái dừa Bến Tre bị ảnh hưởng phần nào. Theo giám đốc một doanh nghiệp sản xuất cơm dừa nạo sấy đóng trên địa bàn huyện Châu Thành, nguồn nguyên liệu dồi dào cộng với giá thấp, nhà máy hoạt động tăng công suất nhưng vẫn ở chừng mực, bởi còn phụ thuộc vào sức tiêu thụ của thị trường xuất khẩu. Hiện các cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ Tết hoạt động có sử dụng nguyên liệu từ dừa nhưng số lượng không đáng kể.

Ông Trương Minh Nhựt, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, cho biết: “Giá dừa khô giảm là do ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu, giá mua sản phẩm dừa qua chế biến trên thế giới giảm mạnh. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2011, cơm dừa nạo sấy xuất khẩu dao động từ 2.700 - 2.800 USD/tấn thì hiện giảm còn 1.600 - 1.700 USD/tấn (giảm khoảng 40%). Các nước có trồng dừa trên thế giới và Việt Nam sau thời kỳ dừa treo trái, nay đã vào vụ và được mùa, sản lượng trái tăng hơn các năm trước, nguồn cung đã vượt cầu kéo theo giá dừa giảm”. Theo ông Nhựt, trong xu thế hội nhập, giá dừa của Việt Nam, trong đó có Bến Tre, tiệm cận với giá dừa của thế giới (hiện giá dừa của Việt Nam cao hơn một số nước có trồng dừa). Do vậy, Sở phối hợp các ngành hữu quan tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người trồng dừa chăm sóc cây trồng, tăng sản lượng để bù lại giá thấp. Song song đó, tăng cường các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp thu mua dừa chế biến xuất khẩu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiệp hội dừa Bến Tre cũng khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người trồng dừa để giảm chi phí trung gian.

Bài, ảnh: TRẦN QUỐC

“Chợ dừa” Bến Tre không còn nhộn nhịp như trước.

Chia sẻ bài viết