25/01/2008 - 21:59

Đồng chí Huỳnh Can Đởm, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP Cần Thơ:

Đưa các hoạt động vui xuân, mừng Đảng về xã, thị trấn

Đến thời điểm này, các hoạt động văn hóa mừng Tết Nguyên đán Mậu Tý sắp tới và các ngày lễ lớn như 73 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 40 năm cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân… đã được triển khai. Báo Cần Thơ đã gặp gỡ đồng chí Huỳnh Can Đởm, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP Cần Thơ, Thường trực Ban Tổ chức – và được giới thiệu về những nét đáng chú ý trong hoạt động này.

PV: Thưa đồng chí, năm nay các hoạt động vui xuân, mừng Đảng của TP Cần Thơ trong dịp Tết Mậu Tý có gì đặc biệt?

- Các hoạt động vui xuân, mừng Đảng trên địa bàn TP Cần Thơ năm nay được tổ chức sâu rộng, phong phú và đa dạng, nhằm đảm bảo không có sự chênh lệch quá xa giữa người dân ở vùng nông thôn và đô thị trong hưởng thụ văn hóa tinh thần nhân dịp Tết dân tộc. Dịp này, tuần lễ văn hóa thể thao không chỉ được tổ chức ở trung tâm thành phố, mà ở cả 8 quận huyện. Thậm chí, một số quận huyện còn khởi động tuần lễ văn hóa thể thao sớm hơn thành phố và kéo dài đến ra Giêng với nhiều hình thức gắn liền với phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

 Chương trình “TP Cần Thơ chào năm mới 2008”. Ảnh: TƯỜNG VI

Tết Nguyên đán Mậu Tý vào dịp kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và sau Tết là tuần lễ khai mạc “Năm du lịch Quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008”. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động vui xuân mừng Đảng như những năm qua, một mặt ngành Văn hóa Thông tin lồng ghép các chương trình, tiết mục gắn liền sự kiện lịch sử này, nhằm khơi gợi lòng tự hào dân tộc và giáo dục truyền thống trong thế hệ trẻ; mặt khác cũng có những hoạt động chuẩn bị hướng đến năm du lịch, các lễ hội diễn ra liên tục sau Tết. Có thể nói các hoạt động vui xuân năm nay được tổ chức rộng khắp, quy mô và kéo dài hơn các năm trước.

PV: Thưa đồng chí, vậy những điểm nhấn trong hoạt động văn hóa thể thao là gì?

- Từ ngày 23 tháng Chạp (nhằm 30-1-2008), các hoạt động văn hóa thể thao sẽ khai mạc đồng loạt, từ cấp thành phố đến quận, huyện. Cấp thành phố có các hoạt động trình diễn kỹ thuật nghề thủ công truyền thống và ẩm thực đặc trưng dân tộc Việt – Hoa – Khmer tại Bảo tàng TP Cần Thơ, Hội báo xuân tại Thư viện Cần Thơ, Liên hoan “Những bài ca đi cùng năm tháng” tại Trung tâm Văn hóa, Triển lãm ảnh – mỹ thuật tại Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật, Nhà hát Tây Đô ra mắt vở cải lương “Người nhà quê”, chiếu phim lưu động, chương trình ca múa nhạc thiếu nhi tại Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều... Các hoạt động thể thao chú trọng đến các môn truyền thống, trò chơi dân gian. Đặc biệt nhất là Hội thi múa lân tại sân khấu quảng trường Công viên Nước vào đêm 29 tháng Chạp.

Theo tinh thần chỉ đạo của thành phố, các quận huyện không tổ chức hoạt động vui xuân mừng Đảng tập trung tại trung tâm, mà đưa các hoạt động văn hóa – thể thao về xã, thị trấn với hầu hết các hoạt động có tính chất quần chúng, tạo sân chơi cho nhân dân. Hoạt động vui xuân tại cơ sở sẽ rất phong phú như giao lưu văn nghệ, hội thi tiếng hát hay, hội lân, triển lãm, các trò chơi dân gian đua xuồng, đẩy gậy, kéo co và thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, chạy việt dã...

Cả thành phố thực hiện phong trào “Sắc xuân trên đường phố” với các hoạt động chỉnh trang đô thị, vận động thực hiện nếp sống văn minh, đông đảo nhân dân hưởng ứng phong trào làm đẹp chính ngôi nhà, con đường mình đang sinh sống bằng cách giữ gìn vệ sinh chung, trang hoàng cờ hoa, đèn... Quận Ninh Kiều còn tổ chức “Phố đi bộ” tại tuyến đường Hai Bà Trưng – Bến Ninh Kiều từ ngày 1-1-2008 đến 15-2-2008.

PV: Thưa đồng chí, theo thông lệ, Lễ hội đêm giao thừa - luôn là hoạt động được đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trông chờ nhất – sẽ được tổ chức như thế nào?

- Kịch bản chính của chương trình lễ hội giao thừa tại quảng trường Công viên Nước sử dụng những thủ pháp sân khấu mới và độc đáo, tôn vinh văn hóa truyền thống gắn với tái hiện sự kiện tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người Cần Thơ. Có những tiết mục như “Khai xuân” tái hiện tập tục dựng nêu cùng biểu diễn lân rồng hay “Lộc tết” với chiếc bánh tét nặng hơn 300 kg được đưa lên sân khấu và chia cho tất cả người dân dự lễ hội cùng thưởng thức. Tiết mục “Lộc tết” còn có ý nghĩa giới thiệu và kết nối với tuần lễ du lịch quốc gia diễn ra hai tuần sau đó.

Việc tái hiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được thực hiện tại huyện Phong Điền và nối cầu truyền hình trực tiếp tại sân khấu chính, với các tiết mục “Mo cơm hồng”, “Lộ vòng cung ngày ấy bây giờ”, gặp gỡ giao lưu những nhân chứng lịch sử... Chương trình khắc họa phong tục ngày Tết ở phương Nam và ngợi ca người Cần Thơ thông qua những tiết mục “Niềm vui bánh tét”, “Vương hậu của các loài hoa”, “Hợi Tý bàn giao” và hoạt cảnh “Người Cần Thơ” thể hiện tinh thần hào hiệp, phóng khoáng của người dân thành phố trung tâm vùng ĐBSCL. Đồng thời, Lễ hội Giao thừa năm nay tôn vinh các cá nhân, tập thể giúp đỡ nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ trong năm qua, những nhân sĩ trí thức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thành phố và doanh nhân thành đạt...

Tại các quận huyện, chương trình đêm giao thừa được đầu tư công phu, hoành tráng, có chủ đề riêng mang đặc trưng của từng địa phương. Ví dụ như huyện Cờ Đỏ là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và là địa phương giàu truyền thống lịch sử, chương trình Giao thừa được dàn dựng trên ý tưởng đồng bào dân tộc Kinh – Khmer đón xuân, mừng Đảng...; chương trình đêm Giao thừa của quận Bình Thủy hướng đến năm du lịch quốc gia, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất đại diện cho văn minh miệt vườn; quận Cái Răng thể hiện sự phát triển năng động của đô thị mới... Mỗi quận huyện đều xây dựng chương trình đêm Giao thừa đáp ứng nhu cầu vui xuân đón Tết của người dân, vừa thể hiện hướng phát triển của mình.

Xin cám ơn đồng chí!

TƯỜNG VI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết