09/02/2020 - 09:29

Dựng nhà ở miền Tây 

Nơi cư trú ổn định và nhà cửa là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Ở ĐBSCL thuở khai hoang, lúc thiên nhiên, môi trường còn rất khắc nghiệt, đầy lam sơn chướng khí và thú dữ; muốn khai hoang lập nghiệp trên vùng đất mới, điều kiện ban đầu là phải có nơi trú ẩn che mưa tránh nắng, tránh các loài thú dữ. Những đặc điểm tự nhiên và xã hội đã hình thành nét đặc trưng trong nhà ở của cư dân nơi đây...

Giữa rừng hoang bạt ngàn, có rất nhiều lung, bãi, bàu, địa hình ĐBSCL hồi ấy và cả đến bây giờ là vùng đất thấp, cao trung bình không quá 2m so với mặt nước biển. Vào tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, lũ từ sông Mekong tràn về, miền Tây Nam bộ hầu như chìm trong biển nước. Do vậy, muốn làm nhà, chòi, trại, đầu tiên phải tôn, đắp nền ở những chỗ đất cao, tương đối bằng phẳng, thường những nơi ấy nằm ven sông, rạch thuận tiện giao thông, liên lạc…

Kiến trúc nhà cổ Nam bộ. Trong ảnh: Di tích Quốc gia Nhà cổ Đốc Phủ Hải (Gò Công- Tiền Giang). Ảnh: DUY KHÔI

Những vật liệu xây dựng gần như toàn bộ tại chỗ: cây, lá, tranh lợp, dây buộc. Cây làm nhà ban đầu thường là những cây mọc hoang trong rừng, nhiều vô số kể, như: tràm, mắm, bần, gáo, bằng lăng, trâm bầu (làm cột, kèo, mầm), tranh, lát, lá dừa nước (lợp mái), dây lạt dừa nước, lạt cờ bắp (đọt non chưa xòe lá của cây dừa nước) dùng để cột buộc. Những dụng cụ dùng để làm nhà lúc ấy cũng rất đơn giản: búa, dao, rựa, phảng (đốn, chặt, dọn nền), cuốc, xẻng (đào đắp), cưa, bào, đục...

Đầu tiên, người ta dùng cuốc xẻng đào lấy đất gần bên để đắp nền. Trong lúc chờ nền khô, họ đốn cây, dùng ghe, xuồng đợi nước lớn chở, đẩy cây về. Chừng mươi hôm, nửa tháng nền khô, bắt đầu đào lỗ trồng cột, gác kèo, lợp, dừng vách. Những nơi có thú dữ thì vách, cửa được ken dầy cây bằng bắp tay người lớn đổ lên. Người ta còn dùng đất sét để đắp ông táo (ba cục) nấu nướng. Những cọng xương lá được phơi khô bện lại làm vạt nằm, bàn ăn cơm, những khúc gỗ khá lớn được cắt khúc làm đôn (ghế ngồi).

Sau một thời gian khá dài, chừng mươi, hai mươi năm, hoặc có thể lâu hơn nữa, nhiều nhà, chòi, lán trại thô sơ được dựng lên, hình thành nên những xóm nhỏ, nhiều xóm nhỏ lại họp thành thôn, ấp… Và khi chính quyền các chúa Nguyễn, nhà Nguyễn, sau đến người Pháp thiết lập sự cai trị trên vùng đất mới, đời sống lưu dân đã tương đối ổn định, nhà cửa buộc phải sửa sang, nâng cấp. Lúc ấy sau nhà, quanh vườn, người ta đã trồng được nhiều tre, dừa, cau, so đũa, cây dừa nước. Đó là những vật liệu làm nhà lý tưởng thời đó.

Tuy nhà chôn chân dễ làm nhưng có cái rất bất tiện là sau vài năm, các cây cột bị đứt chân, mục nát. Nhà sẽ bị xiêu vẹo, các kết cấu bị phá vỡ, khó chống chịu với mưa nắng, gió bão. Người ta bắt đầu làm nhà kê tán, phỏng theo kiểu nhà ở các miền quê vùng Ngũ Quảng và Bắc Trung bộ. Nhà ở ĐBSCL hồi ấy được cất phổ biến theo hai kiểu: "nhà trính" và "nhà rọi".

"Nhà trính" có cấu trúc chắc chắn và khá phức tạp với nhiều cột, kèo, xiên, xà ngang, dọc, kết nối liên hoàn. Các đình, chùa, nhà việc, nhà giàu có... xưa kia thường làm theo kiểu này. Nếu đúng bộ, một căn nhà trính có tới  32 cây cột lớn nhỏ. Do cấu trúc như vậy, nên nhà trính  rất cứng cáp, khó bị xiêu vẹo bởi thời gian hay gió bão.

"Nhà rọi" đơn giản hơn, chỉ có 4 cây cột cái giữa và 4 cột hàng nhì, 4 cột hàng ba. Có khi để tiết kiệm, người ta dùng hai cây chỏi gắn trên xiên tâm để chịu  kèo. Trong trường hợp này, xiên tâm phải to, chắc hơn bình thường một chút. Lúc ấy cột cái chỉ còn có hai cây. Các cột hàng nhì, hàng ba cũng vậy.

Nhà ở nông thôn Bạc Liêu. Ảnh: DUY KHÔI

Khi những vùng đất mới đã được khai hoang, lập ấp. Chính quyền phong kiến thời ấy và thực dân Pháp sau này đã phân định địa giới hành chính để quản lý. Làng xã, tổng, huyện được thành lập. Ở làng thường có đình. Đó là công trình kiến trúc tầm cỡ của địa phương. Đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh là bậc tiền hiền có công với nhân dân ở đó, hoặc những vị anh hùng dân tộc. Đình thường kiến trúc theo kiểu nhà trính, cột khá nhiều và cột cái rất to, kết cấu vững chắc, trang trí tinh xảo, được xây dựng ở vị trí tốt theo phong thủy. Bên trong đình thường có liễn đối, hoành phi, rèm, bài vị, đao kiếm mô phỏng, tạo nên một không gian tâm linh thiêng liêng, u tĩnh. Ở ĐBSCL có nhiều ngôi đình nổi tiếng về quy mô, kiến trúc độc đáo như đình Bình Thủy (Cần Thơ), Châu Phú (An Giang), Mỹ Phước (Đồng Tháp)... Đồng thời, còn có những ngôi nhà cổ có kiến trúc đặc sắc, kết hợp nhiều đặc trưng kiến trúc Đông - Tây như nhà cổ Bình Thủy với mặt ngoài giống "nhà Tây", nhưng bên trong lại là kiến trúc truyền thống. Các ngôi nhà ở làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang) nhà cổ Hương Liêm (Thạnh Phú, Bến Tre), một số nhà cổ ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) cũng có phong cách kiến trúc như trên.

Việc làm một căn nhà chôn chân diễn ra khá nhanh, chỉ trong vài ngày với điều kiện nền đã đắp, khô ráo trước đó. Cây vừa đốn xong, đẽo gọt, đào lỗ chôn trụ, gác kèo, thả đòn tay, lợp lá. Thế là có nơi che mưa tránh nắng. Vách có thể dừng sau. Với nhà kê tán thì thời gian chuẩn bị lâu hơn. Lựa cột cái là những cây ngay, thẳng, chu vi đúng kích cỡ, sau đó đẽo, gọt, bào, cưa, đục các lỗ xiên, kèo, cuối cùng cho "ăn dầu" để chống mối mọt. Khi sắp dựng nhà, các cột, kèo được sắp đúng vị trí và ráp thử (giao nguyên) để kiểm tra độ chính xác. Khi dựng nhà, lắp mộng, khóa nêm người ta gọi là "giao kỷ". Rừng ngày xưa có rất nhiều loại cây quý, rất có giá trị xây dựng như trắc, lim, gõ, căm xe, bằng lăng... Đòn tay, rui nếu làm bằng tre thì phải ngâm chìm dưới bùn non cỡ sáu tháng, lúc đó không mối mọt nào xâm phạm được.

Tuy nhiên ở ĐBSCL cũng có nhiều ngôi nhà, đình, chùa có thời gian thi công rất dài (trên 10 năm) như nhà cổ Hương Liêm ở xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Theo lời kể của chủ nhân ngôi nhà hiện nay, các thợ miền ngoài làm nhà cho cụ Hương Liêm được tính tiền công bằng dăm bào. Một tô dăm bào sẽ tương xứng với một số bạc. Do công trình được thi công, xây dựng quá lâu, để tránh thợ nhớ nhà, nhớ quê bỏ về, ông Hương Liêm ngoài trả công hậu hĩnh, còn tìm cách mai mối với người địa phương cho phần đông số thợ ấy. Cuối cùng, những thầy thợ phương xa trở thành "con cháu trong nhà", miệt mài cùng ông chủ hoàn thiện công trình. Đa phần họ sau đó đã ở lại Đại Điền sinh cơ, lập nghiệp.

Chuyện dựng nhà ở ĐBSCL xưa và ở nhiều làng quê ngày nay vẫn còn chứa đựng những nét văn hóa riêng, như chuyện "vần công", tức hôm nay cả xóm cùng giúp dựng nhà cho một gia đình mà chẳng tính tiền công cán; mai người được dựng nhà lại đi giúp nhà khác. Chuyện làm nhà của mỗi người đôi khi chứa đựng ân tình của cả xóm...

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Chia sẻ bài viết