Bài, ảnh: ÁI LAM
Du lịch Cần Thơ từ khi hoạt động bình thường trở lại đã có những kết quả tích cực. Tổng lượt khách và doanh thu đều tăng, cùng với đa dạng hóa sản phẩm, hoạt động du lịch. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn cần có giải pháp tháo gỡ, để du lịch phục hồi nhanh mà vẫn vững chắc.
Du khách tham quan cồn Sơn.
Tín hiệu tích cực
Trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Cần Thơ đón trên 3 triệu lượt khách, tăng 55% so với cùng kỳ, đạt 77,7% kế hoạch năm. Trong đó, lưu trú phục vụ trên 1,2 triệu lượt, tăng 50%. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 2.000 tỉ đồng, tăng 57%. Hoạt động hàng không cũng có tín hiệu tích cực với hơn 4.100 chuyến bay và trên 585.000 khách. Tỷ lệ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Hiện Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ có 4 hãng đang khai thác, tần suất bay 20-21 chuyến/ngày, với 11 đường bay nội địa. Riêng khách du lịch sử dụng phương tiện xe bốn bánh (từ 9-15 chỗ) chạy bằng điện trên địa bàn thành phố cũng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 7.600 chuyến, phục vụ hơn 52.000 du khách, tăng 34%.
Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Sau dịch bệnh, du khách quan tâm đến du lịch Cần Thơ tăng mạnh, nhất là liên tuyến miền Tây có qua Cần Thơ. Hiện tại du lịch không chỉ có cao điểm hè, mà có thể tăng nhiều hơn vào những tháng sau, nhất là các tour miền Tây”. Ông Trần Yên Vinh, Giám đốc khách sạn Mường Thanh, cũng chia sẻ: “Khách về Cần Thơ đang tăng nhiều hơn trước, nhất là dòng khách MICE. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chúng tôi đón khoảng 8.000 lượt khách MICE”.
Trong khi đó, tại các điểm vui chơi, giải trí, như Làng du lịch Mỹ Khánh, Làng du lịch sinh thái Ông Ðề, Căn nhà màu tím, Chợ nổi Cái Răng đều đông khách, nhất là dịp cuối tuần, bình quân mỗi điểm từ 1.000-2.000 lượt khách. Riêng cồn Sơn, trung bình có từ 25-30 đoàn khách vào mỗi dịp cuối tuần.
Thời gian qua, ngành Du lịch thành phố còn tập trung cho công tác hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng của COVID-19. Cụ thể, đã hỗ trợ giải quyết việc làm phát triển du lịch với 80 dự án, tổng số tiền trên 31 tỉ đồng; hỗ trợ cho 334 hướng dẫn viên, với tổng số tiền trên 1,2 tỉ đồng. Ðịa phương cũng đã khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, triển khai các đề án, kế hoạch về xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, nguồn nhân lực; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường du lịch trọng điểm, liên kết với Cần Thơ qua các đường bay; ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch… Cụ thể như thí điểm tuyến phố đi bộ Ninh Kiều, tổ chức thành công hội chợ du lịch trực tuyến Cần Thơ thu hút hơn 10.000 lượt xem…
Vẫn còn khó khăn
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng du lịch Cần Thơ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến ngành Du lịch. Ðến nay, thị trường du lịch quốc tế ở Cần Thơ vẫn chưa phục hồi, các chuyến bay quốc tế chỉ phục vụ khách hồi hương. Các tour, tuyến du lịch gắn với di sản văn hóa - lịch sử và làng nghề vẫn chưa được kết nối. Cơ chế chính sách thu hút đầu tư chưa đủ mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự hấp dẫn. Mặc dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng đến nay thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách chưa có tiến triển mới, nhất là các dự án cho lĩnh vực phát triển du lịch”.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nói: “Chúng tôi rất chú trọng đầu tư cho sản phẩm du lịch địa phương, nhất là chợ nổi Cái Răng, tuy nhiên, vẫn gặp khó. Hiện các hạng mục trạm dừng chân, cầu tàu, nhà hàng nổi trên sông đều vướng chính sách đầu tư. Dù gặp gỡ nhiều nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển. Chúng tôi cũng đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị để UBND thành phố quan tâm có hướng mở cho địa phương”. Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, nói thêm: “Ðề án Khu du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc cũng gặp khó về đầu tư. Chúng tôi cũng đề xuất có một bến tàu dành cho du lịch ở đây nhưng chưa được. Thực tế, hạ tầng giao thông cho du lịch vẫn gặp khó. Muốn kết nối các điểm đến với nhau thì phải thuận lợi về giao thông, từ đó lữ hành và du khách mới đến. Các địa phương cũng phải chú trọng xây dựng sản phẩm khác biệt”.
Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, đề xuất: “Ðể thu hút du khách về Cần Thơ hơn nữa, địa phương cần tập trung làm mới sản phẩm. Hiện các đơn vị lữ hành thường khai thác Chợ nổi Cái Răng, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, Làng du lịch Mỹ Khánh, cồn Sơn… Do đó, chúng tôi đề xuất địa phương nên chọn 1-2 điểm miệt vườn sinh thái để quan tâm đầu tư, tạo thêm sản phẩm mới. Bên cạnh đó, du lịch MICE vốn là thế mạnh của Cần Thơ nên cần quan tâm thêm loại hình này”. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố, chia sẻ: “Tôi cho rằng ngành Du lịch nên tập trung vào hai loại hình chính là du lịch MICE và du lịch sinh thái sông nước bởi Cần Thơ có nhiều lợi thế và tiềm năng. Cũng cần thiết đầu tư các trải nghiệm ở Ðền thờ Vua Hùng vì đây là điểm mới đang được quan tâm; cũng như đề ra các danh mục dự án đầu tư trọng điểm, kiến nghị bến tàu khách tổng hợp để khai thác thế mạnh du lịch đường sông”. Còn nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng bày tỏ: "Cần phải thay đổi tư duy làm sản phẩm du lịch. Tôi lấy ví dụ Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng vừa qua, đáng lẽ nên để ngày hội diễn ra trên sông nước mới đúng bản chất của nó. Mặt khác, thành phố nên chú trọng xây dựng những lễ hội khác biệt để làm nên thương hiệu riêng, ví như Lễ hội Áo bà ba”.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố, chỉ đạo ngành Du lịch thời gian tới chú trọng các vấn đề: xây dựng sản phẩm đặc trưng, liên kết hợp tác với các địa phương, chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực, các quy hoạch, chính sách đầu tư về du lịch, cơ sở hạ tầng gắn với du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động du lịch.