08/01/2021 - 10:03

Du lịch Cà Mau đổi mới 

Trong bối cảnh ngành công nghiệp không khói chịu nhiều thiệt hại do dịch COVID-19, du lịch Cà Mau đã chuyển đổi mạnh mẽ khi khai thác những sản phẩm đậm bản sắc, thu hút sự quan tâm của du khách.

Du khách trải nghiệm bắt lươn đồng tại du lịch cộng đồng Mười Ngọt.

Đầu tư trọng điểm

Do điều kiện tự thiên, tiềm năng du lịch Cà Mau khá đặc thù trong bối cảnh chung của ÐBSCL. Ðặc biệt là tỉnh vừa có rừng sinh thái ven biển ngập mặn (khoảng 254km), vừa có rừng tràm; cho phép Cà Mau phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển đảo… Nơi đây còn có bề dày văn hóa từ thời khẩn hoang mở cõi, truyền thống lịch sử cách mạng... thích hợp phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh. Tuy nhiên, du lịch Cà Mau từng trải qua thời gian chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Bởi lẽ du khách đến chỉ khi có dịp thăm vùng đất cuối cùng của Tổ quốc, chưa có những trải nghiệm sâu. Theo chia sẻ của các đơn vị lữ hành, du khách muốn một lần trải nghiệm biển đảo ở miền Tây, thường đi Phú Quốc - Kiên Giang và đến Cà Mau - Ðất Mũi. Thế nhưng hành trình đến Cà Mau ít khách hơn, vì giao thông không thuận lợi, sản phẩm du lịch đơn điệu.

Trước thực trạng này, địa phương đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, xác định sản phẩm du lịch là then chốt, quyết định sự phát triển lĩnh vực này của địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tham mưu và tập trung xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, đặc thù tự nhiên của Cà Mau. Từ đó, huy động nguồn lực xây dựng và phát triển trọng điểm. Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy Cà Mau về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có xác định sản phẩm thế mạnh cần tập trung phát triển là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo... gắn liền phát triển du lịch nông thôn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Từ đó đầu tư nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau. Ðặc biệt là tập trung phát triển Khu du lịch Mũi Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực, cả nước và quốc tế; hướng đến năm 2025 đủ tiêu chí là Khu du lịch quốc gia theo quy hoạch được phê duyệt.

Trên cơ sở này, Cà Mau xác định có ba tuyến du lịch chính, gồm: Cà Mau - Vườn quốc gia U Minh Hạ - Hòn Ðá Bạc, Cà Mau - Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, Cà Mau - Khu du lịch Mũi Cà Mau. Riêng tuyến Cà Mau - Khu du lịch Mũi Cà Mau được xác định trọng điểm của tỉnh, định hướng xây dựng thành thương hiệu đặc trưng của du lịch Cà Mau, tạo sức hút và cạnh tranh trong khu vực và cả nước. Việc xác định sản phẩm du lịch chủ lực đã giúp địa phương định hướng đầu tư và phát triển du lịch có trọng điểm. Từ đó dần xây dựng những sản phẩm đặc trưng, góp phần tạo mắt xích vững chắc trong chuỗi liên kết, tổ chức khai thác sản phẩm gắn với đặc trưng của địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm liên tỉnh, liên vùng. Ðiều này không chỉ định hình thương hiệu du lịch Cà Mau, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch cụm phía Tây và ÐBSCL.

Sức sống mới của du lịch Cà Mau

Xác định được thế mạnh đặc trưng và nỗ lực xây dựng những sản phẩm khác biệt từ văn hóa bản địa, du lịch Cà Mau đang có sự khởi sắc. Ðiển hình là hoạt động du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh mẽ. Hiện Cà Mau có 14 điểm đến du lịch cộng đồng, với nhiều trải nghiệm mới mẻ, giúp du khách hiểu sâu về đất và người Cà Mau.

Ðang được du khách yêu thích nhiều nhất là tuyến du lịch tham quan xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, cũng là tuyến trọng điểm tỉnh đang tập trung khai thác. Với tuyến này, du khách di chuyển bằng ca nô hoặc vỏ lãi, trải nghiệm xuyên rừng nguyên sinh. Hành trình ngắn nhất khoảng 20km - dài nhất 58km, cho du khách khám phá hệ thực vật phong phú, đời sống của người dân bản địa. Ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Du lịch Hoàng Hôn (Ðất Mũi), đơn vị khai thác chính tuyến xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết: “Ý tưởng hành trình xuyên rừng này đã có từ năm 2013, vì chúng tôi thấy tiềm năng du lịch của Cà Mau cần được khai thác từ yếu tố văn hóa bản địa. Từ đó, chúng tôi kết hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau khảo sát và xây dựng tuyến này. Du khách sẽ có những trải nghiệm độc đáo khi khám phá nét đẹp các con rạch xẻ dọc rừng, từ biển Tây qua biển Ðông và cuộc sống của bà con ở rừng, làng chài, các mô hình nuôi hàu”. Tuyến xuyên rừng không chỉ góp phần tạo sản phẩm mới cho du lịch Cà Mau mà còn giải quyết việc làm, sử dụng nguồn nhân lực địa phương hiệu quả. Mặc dù mới hình thành nhưng đây là tour nhận được nhiều sự quan tâm từ các đơn vị lữ hành: Vietravel, Saigontourist, hay các đối tác từ Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Hôn chia sẻ khoảng 80% lượng khách của tour này là đến từ thị trường miền Bắc.

Một sản phẩm nổi bật khác là Khu du lịch sinh thái Hương Tràm (huyện U Minh) với thế mạnh khai thác yếu tố đặc trưng rừng. Nằm giữa rừng tràm U Minh Hạ, Khu du lịch sinh thái Hương Tràm rộng khoảng 27ha, trong đó hơn 20ha rừng tràm. Ông Giang Hoàng Hon, Giám đốc Cà Mau Travel, chủ nơi này, cho biết: “Tôi làm du lịch cũng hơn 20 năm và luôn trăn trở, ấp ủ làm sao để khai thác sinh thái, đặc trưng văn hóa bản địa vào du lịch. Vì thế tôi đầu tư các sản phẩm du lịch bám sát điều kiện tự nhiên của rừng U Minh Hạ. Tôi giữ nguyên diện tích rừng, bổ sung thêm một vài trải nghiệm, dịch vụ: gác kèo ong mật, đạp xe xuyên rừng, câu cá ở rừng, hay các trò chơi dân gian”.

Du khách trải nghiệm đi rừng U Minh Hạ.

Du khách trải nghiệm đi rừng U Minh Hạ.

Cũng từ thế mạnh rừng tràm, du lịch cộng đồng Mười Ngọt (huyện Trần Văn Thời) đang trở thành điểm đến thu hút với nét đẹp nguyên sơ. Nơi đây có diện tích hơn 60ha, hầu hết đều là rừng tự nhiên. Anh Phạm Duy Khanh, con thứ hai của chú Mười Ngọt, cho biết: “Gia đình lúc trước có nghề gác kèo ong và tận dụng để làm du lịch. Gia đình giữ nguyên rừng tự nhiên để đảm bảo hệ sinh thái nguyên sơ, từ đó xây dựng thêm các trải nghiệm về hoạt động bắt cá ở rừng tràm. Khi làm du lịch thì giá trị sản phẩm cũng được nâng lên, giúp người dân địa phương chúng tôi giữ nghề, bám đất và giữ rừng hơn”. Anh Khanh chia sẻ, gia đình đã làm mô hình du lịch này 6 năm. Tiềm năng du lịch cộng đồng tại Cà Mau đang được khai thác hiệu quả nhờ người dân có tinh thần cầu thị, học hỏi, chia sẻ thông tin và kết nối. Ông Nguyễn Văn Hôn nói: “Chúng tôi luôn muốn nhận những lời góp ý, rồi thay đổi để sản phẩm tốt và hoàn thiện hơn. Xác định làm du lịch cộng đồng là phải chia sẻ cùng nhau, chúng tôi hỗ trợ và kết nối với nhau về sản phẩm, dịch vụ; để tồn tại và phát triển lâu bền”.

Du lịch cộng đồng tại Cà Mau vẫn còn khá mới nhưng người dân nơi đây đã biết chú trọng khai thác yếu tố văn hóa bản địa, giữ vững môi trường sinh thái tự nhiên. Ðó là điều làm nên sức hấp dẫn mới và đặc trưng của du lịch Cà Mau. Bà Nguyễn Thị Tia, Phó Giám đốc Vietsun Tourist (Cần Thơ), thành viên trong đoàn famtrip khảo sát các điểm đến, dịch vụ mới của du lịch Cà Mau, chia sẻ: “Các điểm du lịch cộng đồng mới mẻ và hấp dẫn, tạo đặc trưng riêng cho du lịch Cà Mau. Thông thường, khách về Cần Thơ, Cà Mau nói riêng hay miền Tây nói chung điều mong muốn tìm cái gì đó đặc trưng, khác biệt của mỗi nơi. Với những sản phẩm này, Cà Mau thực sự tạo được sức hút, nhất là trải nghiệm xuyên rừng, hòa mình cùng nhịp sống của người dân bản địa. Chúng tôi đã tiếp cận, kết nối thông tin hữu ích để xây dựng nhiều tour, tuyến mới”.

Có thể thấy du lịch Cà Mau đã dần hình thành nét đặc trưng khi xây dựng được những sản phẩm trọng điểm từ tiềm năng và văn hóa bản địa. Các sản phẩm đang dần hoàn thiện và mang luồng gió mới cho du lịch địa phương, góp phần tạo ra diện mạo mới cho du lịch Cà Mau.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Du lịch Cà Mau