25/03/2010 - 09:05

Đọc “Hồi ức của một binh nhì”

Dù chiến tranh đã lùi xa, xin hãy chớ quên

Bìa sách “Hồi ức của một binh nhì”.

“Hồi ức của một binh nhì” là những câu chuyện về người lính đã trải qua một thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Sau nhiều năm hòa bình, “di chứng chiến tranh” vẫn còn âm ỉ và bào mòn họ cùng những người thân yêu. Tuyển tập 16 truyện ngắn của Nguyễn Thế Tường do NXB Phụ nữ ấn hành, năm 2009.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Tường đã từng là lính binh chủng tăng thiết giáp từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị ác liệt. Tuy vậy, trong “Hồi ức của một binh nhì”, ông không miêu tả về những trận chiến ác liệt, những giây phút mà “sự sống mỏng manh như sợi chỉ mành”, mà dẫn dắt độc giả vào những chuyện rất đời thường của người lính trẻ trong chiến tranh và ý chí kiên cường cùng với lòng yêu nước tuyệt vời.

Trong truyện “Người đàn bà không hóa đá”, chị Bùi là một cô gái miền Trung, lấy chồng là bộ đội, chưa hưởng hết “tuần trăng mật” thì anh phải ra chiến trường và bặt tin nhau. Chờ đợi trong héo mòn, vô vọng khi có nhiều tin đến rằng anh đã hy sinh. Rồi chị nhận được tin chồng chị vẫn còn sống, bị bệnh tâm thần vì vết thương ở đầu đang được điều trị trong Nam. Thế là chị đã lặn lội đến nơi dành phần đời còn lại chăm sóc người mà chị đã chờ suốt mấy mươi năm qua, dù anh giờ đã không còn biết chị là ai.

Người cựu chiến binh tên Hưng (“Bàn chân ma”) từng bị thương nặng và cụt một chân. Dù cho năm tháng có qua đi, ông đã già nhưng hằng đêm ông vẫn có giấc mơ về thời cầm súng nơi chiến trường. Ông luôn bị ám ảnh không biết một chân ông giờ đây “yên nghỉ” phương nào. Nhưng khi ông chứng kiến cảnh một đám người đánh nhau vì tranh giành đất đai đến nỗi một người bị chặt đứt một chân thì ông nhận ra rằng cái chân ông “hy sinh” là có ích, “và hiểu rằng, cái phần thân anh có thấp xuống vài mươi xăngtimét là để cho cuộc đời này ngày một cao hơn...” (trang 28). Truyện “Hồ sơ tướng cướp” thật khiến người đọc phải suy nghĩ. Một thanh niên cầm đầu một băng nhóm cướp giật ra đầu thú, không biết cha tên gì, quê quán, dòng họ cũng không biết, chỉ ôm di ảnh của mẹ và đinh ninh lời trăn trối của mẹ trước khi qua đời: cha là liệt sĩ! Hải – đội trưởng đội điều tra tìm hiểu mới biết rằng anh ta con của liệt sĩ - một đồng đội của anh. Đã hơn ba mươi năm đất nước hòa bình thống nhất nhưng những người lính vẫn không thể quên một thời bom đạn: “Cái hồi ở bộ đội...” (“Vết thương lòng”)...

Thật xúc động khi đọc truyện ngắn “Hồi ức của một binh nhì”. Nhân vật xưng “tôi” trong truyện là binh nhì của Trung đoàn 207 cùng đồng đội đang được huấn luyện lái xe tăng tại một vùng đồi ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), bên kia là các cô gái của đơn vị báo vụ cơ yếu đặc nhiệm. Họ ở cách nhau một hàng rào kẽm gai. Đêm đêm, các chàng trai bên này gảy đàn ghi-ta hát những bản tình ca và không ít cô gái đã bị say lòng bởi những chàng tân binh. “Tám đôi trai gái cầm lấy tay nhau qua hàng rào kẽm gai mắt cáo và cứ trân trân nhìn nhau” và “chúng tôi đã hôn nhau qua hàng rào kẽm gai”! (trang 199). Khi các chàng trai di chuyển vào chiến trường miền Nam, họ ngậm ngùi chia tay mà không biết khi nào gặp lại.

Các nhân vật trong tập truyện “Hồi ức của một binh nhì” toát lên những nét đẹp thật bình dị, trong sáng bên cạnh một ý chí “quyết tâm đánh thắng giặc”. Các truyện ngắn của Nguyễn Thế Tường đan xen quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình được thể hiện bằng văn phong giản dị, trần tình như những lời tâm sự.

Dường như Nguyễn Thế Tường không “lên gân” kêu gọi, than trách... nhưng đọc tập truyện của anh, người đọc như giật mình: chiến tranh đã lùi xa, nhưng xin hãy chớ quên sự khốc liệt của nó và những hy sinh mất mát.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết