24/05/2009 - 20:27

Công trình xây dựng Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Cần Thơ:

Dự án mù mờ, người dân chịu khổ!

Năm 2004, UBND phường An Bình (cũ), quận Ninh Kiều, tổ chức họp dân triển khai quyết định quy hoạch đất xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng Cần Thơ (thuộc Trường Đại học Cần Thơ). Thế nhưng, sau khi tiến hành điều tra, đo đạc hiện trạng đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc khác, cây cối, hoa màu… dự án này không tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. Tình trạng dự án “treo” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân trong khu vực dự án ….

Bao giờ mới hết cảnh... “treo”?

Ngày 7-10-2004, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3004/QĐ-UB, quy hoạch đất xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng Cần Thơ, trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Theo dự án được duyệt, phần đất quy hoạch có diện tích khoảng 10,7 ha, tọa lạc tại phường An Bình, quận Ninh Kiều (hiện nay thuộc khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều). Quyết định ghi rõ, Trường Đại học Cần Thơ có trách nhiệm phối hợp với UBND quận Ninh Kiều và các ngành chức năng tổ chức điều tra, đo đạc hiện trạng đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc khác, cây cối, hoa màu, lập phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư cho các hộ bị giải tỏa, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đồng thời tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng... Ông Nguyễn Hoàng Tâm, Phó Trưởng khu vực 3, phường An Khánh, cho biết: “Sau khi chính quyền địa phương mời dân họp để triển khai quyết định quy hoạch, đầu năm 2005, ngành chức năng đã thực hiện kiểm kê hoa màu, vật kiến trúc rồi... để đó. Cử tri trong khu vực đã nhiều lần phản ánh trong các buổi tiếp xúc với đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhưng vẫn chưa được trả lời cụ thể để bà con an tâm ổn định cuộc sống”.

Do quy hoạch “treo” nên mảnh vườn gia đình ông Huỳnh Văn Quan trở thành đất hoang.  

Trò chuyện với một số người dân có nhà, đất bị ảnh hưởng bởi quy hoạch này, chúng tôi ghi nhận nhiều bức xúc. Ông Huỳnh Văn Quan, một trong những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, hướng dẫn chúng tôi tham quan gần 10 công đất vườn của mình, giờ cỏ mọc um tùm, chỉ còn lại một ít cây ăn trái già cỗi. Ông Quan kể, trước đây, gia đình ông dự định cải tạo lại phần đất vườn này, nhưng do ngành chức năng đã tiến hành kiểm kê hoa màu, nên gia đình đành hủy bỏ kế hoạch vì nếu cải tạo sẽ không được bồi hoàn. Mấy năm nay, gia đình ông chỉ dám trồng lá dứa, rau muống, rau nhút... bán sống đắp đổi qua ngày. Ông Quan bức xúc nói: “Cả cuộc đời tôi gắn liền với mảnh vườn này, giờ đi nơi khác cũng tiếc lắm! Nhưng vì lợi ích chung nên tôi và các gia đình khác đều đồng thuận, với mong muốn góp phần vì sự phát triển của địa phương. Không ngờ công trình đến giờ vẫn chưa được thực hiện, làm chúng tôi bỏ đất hoang, lãng phí quá”. Trong khi huê lợi từ mảnh vườn không còn nữa nhưng ngay cả quyền được tách hộ của ông cũng không được thực hiện. Cầm sổ hộ khẩu với 17 nhân khẩu trên tay, ông Huỳnh Văn Quan cho biết: “Tôi liên hệ xin tách hộ khẩu cho các con đã có gia đình ra ở riêng, nhưng vì quy hoạch nên không thực hiện được. Nhà đông người quá, đâu đủ chỗ ở nên tụi nó đành phải che chòi ở tạm sau vườn. Chờ bồi hoàn rồi tôi mới tính chuyện cất nhà đàng hoàng cho tụi nó ở”.

Bức xúc không kém trường hợp ông Quan, ông Nguyễn Hoàng Tâm kể: Do thấy dự án triển khai đã lâu mà không thực hiện, vừa rồi, ông làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, dự định sẽ cất nhà trọ để cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy nhiên khi thẩm định, ngân hàng không đồng ý cho vay vì đất này nằm trong quy hoạch không được phép xây dựng mới. Ông Tâm than: “Hiện giờ gia đình tôi đang rất cần vốn làm ăn, nhưng không được vay ngân hàng, cũng không được Nhà nước bồi thường, phải bỏ đất không. Như vậy thì thiệt thòi cho dân quá!”. Không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân, việc chậm triển khai thực hiện của dự án này cũng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bà con. Bà Văn Thị Thương, một trong các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, cho biết thời điểm kiểm kê, nhà của bà chưa xây dựng nhà vệ sinh. Thực hiện vận động của chính quyền địa phương về giữ vệ sinh chung, xóa bỏ cầu tiêu ao cá, nên gia đình bà dành dụm tiền xây thêm nhà vệ sinh, nhưng một số bà con trong xóm cho biết là đã kiểm kê rồi mà xây dựng thêm sẽ không được bồi hoàn. Bà Thương nói: “Vì bức xúc nhu cầu sinh hoạt cá nhân nên gia đình tôi đành làm liều. Chứ đợi dự án thực hiện đến bao giờ?”. Còn gia đình ông Phan Thới Long, là hộ nghèo có sổ, phải sống trong căn nhà tạm bợ, khu vực đã đưa ông vào diện xét xây dựng nhà tình thương, nhưng khi khảo sát, đất của gia đình ông nằm trong khu quy hoạch nên không được xây dựng mới!

Tiếp xúc với chúng tôi, một số người dân ở khu vực 3, phường An Khánh, cho biết: Gần đây có thông tin là Trường Đại học Cần Thơ không thực hiện công trình xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng Cần Thơ trên địa bàn khu vực này mà dời về tỉnh Hậu Giang, gây hoang mang trong nhân dân. Đại diện cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này, ông Nguyễn Hoàng Tâm, Phó Trưởng khu vực 3, phường An Khánh, yêu cầu: “Điều bà con mong muốn là các ngành chức năng sớm thông tin rõ ràng, công trình này có còn thực hiện nữa hay không và bao giờ thực hiện? Còn di dời đi nơi khác thì sớm xóa quy hoạch và công bố cho dân biết, để bà con an tâm ổn định cuộc sống”.

Cần sớm thông tin đến người dân

Trước thực trạng dự án kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở địa phương, đồng chí Võ Văn Trâm, Chủ tịch UBND phường An Khánh, nói: “Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án. Nếu không thực hiện thì nên có văn bản báo cáo UBND thành phố để sớm rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi quyết định quy hoạch và công bố công khai cho người dân biết, để bà con yên tâm ổn định cuộc sống”. Riêng đối với những thông tin về việc di dời địa điểm xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng Cần Thơ, đồng chí Võ Văn Trâm, Chủ tịch UBND phường An Khánh, khẳng định: “UBND phường chưa nhận được thông tin chính thức nào về việc dự án dự kiến chuyển về xây dựng ở tỉnh Hậu Giang”.

Đem những bức xúc, kiến nghị của bà con ở khu vực 3, phường An Khánh trao đổi với lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, chúng tôi được ông Châu Văn Lực, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp cùng Ban Bồi thường thiệt hại – giải phóng mặt bằng quận Ninh Kiều tiến hành khảo sát sơ bộ để lập phương án bồi hoàn. Nhưng sau khi khảo sát thì số tiền bồi hoàn khá cao so với tổng kinh phí dự án. Trường đã xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tìm vị trí đất khác để kinh phí đền bù thấp hơn, nhằm thực hiện được dự án. Vào năm 2008, trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận cho dời vị trí xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng về tỉnh Hậu Giang.

Riêng lý do vì sao dự án đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận cho dời vị trí khác, nhưng chưa được công bố hủy bỏ quy hoạch, ông Châu Văn Lực cho biết: “Dự kiến trường sẽ trình UBND thành phố chuyển đổi phần đất quy hoạch Trung tâm Giáo dục quốc phòng ở khu vực 3 (phường An Khánh) thành dự án quy hoạch khu ký túc xá do trường làm chủ đầu tư”.

Việc Trường Đại học Cần Thơ trình UBND thành phố chuyển đổi dự án quy hoạch này thành dự án quy hoạch khu ký túc xá chưa biết bao giờ sẽ trình và UBND thành phố có chấp thuận hay không, nhưng hiện nay người dân trong vùng dự án quy hoạch xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng Cần Thơ trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ từng ngày, từng giờ sống trong lo lắng, thì việc chậm triển khai công bố các quyết định liên quan đến dự án là một thiếu sót đối với người dân. Điều này, các ngành chức năng của thành phố cần suy ngẫm để thực hiện tốt chính sách an dân, góp phần thúc đẩy địa phương ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: NHẬT MY

 Khoản 3, Điều 29 của Luật Đất đai: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố”.  

Điều 29 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai:  1. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phép điều chỉnh vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ này hoặc kỳ tiếp theo đối với diện tích đất đã được xác định phải thu hồi hoặc phải chuyển mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố mà sau 3 (03) năm không được thực hiện trong các trường hợp sau: a) Diện tích đất để thực hiện các công trình, dự án đầu tư phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nhưng chưa đủ kinh phí để thực hiện; b) Diện tích đất để thực hiện các công trình, dự án đầu tư phục vụ mục đích phát triển kinh tế mà xác định được nhà đầu tư vào năm cuối của thời hạn 3 (03) năm phải công bố điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật Đất đai.  2. Các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải công bố hủy bỏ kế hoạch sử dụng đối với diện tích đất đã được xác định phải thu hồi hoặc phải chuyển mục đích sử dụng.

Chia sẻ bài viết