10/03/2015 - 20:49

Xây dựng nông thôn mới ở TP Cần Thơ

Đột phá với các tiêu chí “nặng ký”

Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), hiện TP Cần Thơ không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của cả thành phố. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Thực hiện Chương trình XDNTM TP Cần Thơ, phần lớn các tiêu chí đạt được là những tiêu chí "mềm", còn các tiêu chí lớn, mang tính đột phá tỷ lệ hoàn thành rất thấp.

* Đi vào "phần cứng"

Theo Ban Chỉ đạo Thực hiện Chương trình XDNTM TP Cần Thơ, so với năm 2010, việc thực hiện 20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới đã có bước chuyển biến đáng kể. Đến nay, TP Cần Thơ có 5 xã đạt 20/20 tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới gồm: Mỹ Khánh, Giai Xuân (huyện Phong Điền), Trường Xuân (huyện Thới Lai), Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh) và Trung An (huyện Cờ Đỏ). Ngoài ra, có 14 xã đạt từ 15 - 19 tiêu chí, 17 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thành phố, hầu hết các tiêu chí đạt được là những tiêu chí có vốn đầu tư ít như: quy hoạch, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội… Các tiêu chí có vốn đầu tư lớn và mang tính "mở đường" (giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập...) số xã đạt chuẩn rất thấp.

Thực tế XDNTM thời gian qua cho thấy, hầu hết các xã đều tập trung hoàn thành các tiêu chí "trong khả năng" và ít tốn kinh phí. Ông Lâm Minh Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Một số tiêu chí đòi hỏi nhu cầu nguồn vốn lớn, vượt ngoài khả năng huy động của địa phương làm ảnh hưởng đến tiến độ XDNTM của huyện. Qua rà soát, đến nay, Cờ Đỏ có 7 tiêu chí 9/9 xã đều đạt. Bao gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự và cung cấp dịch vụ công. Các tiêu chí khó, đòi hỏi vốn đầu tư lớn như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục... tỷ lệ đạt rất thấp và chưa mang tính bền vững". Một số xã phản ánh, với năng lực hiện có, các xã chỉ có thể phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông, thủy lợi còn các tiêu chí khác như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện… cần có sự tiếp sức từ ngân sách Nhà nước.

Xã Tân Thới, huyện Phong Điền chọn phát triển sản xuất làm khâu đột phá trong XDNTM. Trong ảnh: Lãnh đạo TP Cần Thơ tham quan mô hình trồng cam mật không hạt trên địa bàn xã Tân Thới.

Nhìn lại chặng đường XDNTM tại huyện Phong Điền - huyện được chọn phấn đấu được công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên của TP Cần Thơ, cũng vướng phải tình trạng tương tự. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: "Trong năm 2015, huyện Phong Điền phấn đấu công nhận thêm 3 xã nông thôn mới là: Tân Thới, Nhơn Ái (đạt 16/20 tiêu chí) và Trường Long (15/20 tiêu chí). Tuy nhiên, các tiêu chí chưa đạt của 3 xã này là những tiêu chí nặng, rất khó đạt như: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư và giao thông. Trong điều kiện vốn từ ngân sách Nhà nước hạn chế, việc huy động từ vay tín dụng ưu đãi, ngân hàng; vận động nhân dân đóng góp chưa đáp ứng yêu cầu thì đây là cản ngại lớn trong tiến trình trở thành huyện nông thôn mới của Phong Điền". Theo ông Trần Thái Nghiêm, để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, xã Tân Thới cần nguồn vốn đầu tư hơn 29 tỉ đồng, Nhơn Ái trên 14,4 tỉ đồng và Trường Long khoảng 61,3 tỉ đồng...

* Thay đổi tư duy trong nếp nghĩ, cách làm

Công cuộc XDNTM trên cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng 4 năm qua diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn. Nguồn lực đầu tư thực hiện các tiêu chí vì thế cũng hạn chế. Song, theo đánh giá của ngành chức năng, sự thành bại trong XDNTM không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư mà còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhận thức, tư duy của mỗi cá nhân. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Trước hết, các cán bộ, công chức tham gia trực tiếp công tác chỉ đạo, điều hành XDNTM phải thay đổi tư duy trong nếp nghĩ, cách làm. Đơn cử như vấn đề đóng góp XDNTM, không phải cứ đóng góp bằng số tiền, hiện vật cụ thể thì mới được ghi nhận. Mỗi cá nhân, gia đình có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; chỉnh trang hàng rào, cột cờ; phát quang bụi rậm; hăng hái tăng gia sản xuất thì họ đã chung tay XDNTM. Hoặc một doanh nghiệp nào đóng trên địa bàn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế ở địa phương nghĩa là doanh nghiệp đó đã góp sức cho nông thôn mới".

Nhận diện được những khó khăn, các xã XDNTM trên địa bàn thành phố đã chủ động lên kế hoạch, vận dụng linh hoạt các giải pháp để từng bước hoàn thiện 20 tiêu chí. Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: "Cùng với các xã khác trên địa bàn hướng đến mục tiêu huyện nông thôn mới, Tân Thới tập trung phát triển toàn diện về cảnh quan, hạ tầng kinh tế-xã hội lẫn nâng chất đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong đó, đầu tư phát triển sản xuất từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống là điểm mấu chốt để vận động đóng góp XDNTM. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch lại sản xuất theo hướng nhân rộng mô hình "Cánh đồng lớn"; nâng chất hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân…". Theo ông Lâm Minh Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, bên cạnh việc lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Cần Thơ chung sức XDNTM" thông qua việc vận động người dân hiến đất, tiền của, hiện vật để làm cầu, đường; chỉnh trang cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp...

Những năm qua, việc hoàn thành 20 tiêu chí trong XDNTM được các xã thực hiện theo hướng tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào khó làm sau và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Phần còn lại hầu hết là những tiêu chí khó đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, để đạt chuẩn nhóm tiêu chí cần có vốn đầu tư lớn, các xã phải phải thực hiện từng bước và lâu dài. Mỗi xã cần cân nhắc trong việc chọn công trình thực sự cần thiết, mang tính đột phá ưu tiên đầu tư trước gắn với việc thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa. Đối với công cuộc XDNTM hiện nay, phát huy nội lực vẫn là giải pháp tối ưu nhất. Bởi nếu cứ giữ tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự đầu tư từ Nhà nước, việc thực hiện các tiêu chí không được tổ chức một cách toàn diện, khoa học thì dù có tiêu tốn nhiều tiền của, công sức… công cuộc XDNTM khó đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, các xã cần tích cực huy động vốn trong dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trên địa bàn nhằm đa dạng hóa nguồn lực XDNTM. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền XDNTM phải được đặt lên hàng đầu, bám sát phương châm "dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết