20/11/2023 - 23:45

Đột phá từ đội ngũ nhà giáo
Bài 2: ƠN THẦY 

BÍCH NGỌC - ĐĂNG HUỲNH

Bài 2: ƠN THẦY

“Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, câu tục ngữ càng thấm thía khi thầy cô không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà còn chăm lo, hỗ trợ học trò khó khăn, nâng bước học trò giỏi, nêu gương về cách sống đẹp… bằng cả tình thương và trách nhiệm.   

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố (phải) trao khen thưởng đến thầy Nguyễn Nhựt Tân. Ảnh: DUY KHÔI

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố (phải) trao khen thưởng đến thầy Nguyễn Nhựt Tân. Ảnh: DUY KHÔI

Gieo mầm nhân ái

“Cô Xuân của học trò nghèo”, đó là cách nhiều người gọi cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều). Trong 33 năm giảng dạy và làm công tác quản lý, cô luôn mẫn cán và có nhiều thành tích nổi bật, là tấm gương tiêu biểu nhà giáo tận tâm, nhân ái. Cô luôn tìm mọi cách để giúp các học trò có hoàn cảnh khó khăn.

Từ năm 2008-2016, khi công tác ở Trường Tiểu học An Nghiệp, cô Xuân phát động phong trào trồng cây ăn trái, sau đó đấu giá để quyên góp giúp học sinh nghèo vui xuân đón Tết. 4 năm sau đó, với vai trò Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, cô Xuân tổ chức học sinh nuôi heo đất và mổ heo vào dịp Tết giúp học sinh khó khăn có Tết đủ đầy. Mô hình này hiện được tiếp tục được cô tổ chức thực hiện tại Trường Tiểu học Ngô Quyền. Cô còn thường xuyên tổ chức các buổi nấu ăn thiện nguyện tặng người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trong dịch COVID-19, mô hình “Chợ 0 đồng Ninh Kiều” tại Trường Tiểu học Ngô Quyền đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Cô Xuân được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Trung ương, UBND TP Cần Thơ... Gần nhất là dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2022, cô Xuân vinh dự là Nhà giáo tiêu biểu được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội và được Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tặng Bằng khen. Cô vui nhất là bao thế hệ học trò vẫn nhớ và thương cô. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn thuở học sinh được cô giúp đỡ, sau này mỗi năm vẫn đều đặn về thăm cô và xem cô như người thân. Cô Xuân chia sẻ: “Với nghề giáo, tôi luôn tâm nguyện bên cạnh chuyên môn thì phải tâm huyết và có tình thương với học trò. Với các học trò nhỏ, tôi dùng tấm lòng của người mẹ mà bảo ban, yêu thương các con”.

Với các em học sinh, cô hiệu trưởng Mạch Lệ Xuân thật sự là “cô giáo như mẹ hiền”. Ảnh: DUY KHÔI

Với các em học sinh, cô hiệu trưởng Mạch Lệ Xuân thật sự là “cô giáo như mẹ hiền”. Ảnh: DUY KHÔI

Một câu chuyện đẹp về nhà giáo thường được kể gần đây là cô Hoài Kỷ Ngọc Thúy, giáo viên lớp 1A1, Trường Tiểu học Bình Thủy, mỗi chiều đến nhà dạy kèm học sinh Ðinh Trần Ngọc Mai không may bị tai nạn gãy chân, gia cảnh đơn chiếc không có ai đưa đến trường. Cô dạy học trò viết chữ, làm toán, ráp vần, vì sợ em nghỉ học lâu sẽ không theo được bài.

Bà Ðặng Thị Thu Hồng, bà nội của em Ngọc Mai, cho biết: “Cô Thúy đến nhà kèm cho cháu học, tôi mừng lắm. Nghề giáo thật thiêng liêng, cô giáo như mẹ hiền!”. Hơn 30 năm dạy học, cô Thúy luôn được học trò, phụ huynh, đồng nghiệp quý mến vì tấm lòng và tình thương với học sinh.

Còn thầy Nguyễn Nhựt Tân, giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Phong Ðiền 1 (huyện Phong Ðiền) thì bắt đầu làm việc thiện nguyện khoảng 5 năm về trước, khi tham gia nhóm thiện nguyện Từ Tâm do một số giáo viên ở huyện Phong Ðiền lập nên, thường kêu gọi hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn tại huyện và một số địa phương lân cận. Khi gặp những trường hợp cấp bách, hoặc hoàn cảnh học sinh khó khăn nhưng kêu gọi chưa được nhiều, thầy Tân trăn trở và nghĩ ra cách tranh thủ giờ không lên lớp lặn lội đi bán vé số để có tiền lời giúp người.

Thầy Tân còn làm nhiều việc khác như vá đường, lấp ổ gà hay phát thuốc xông miễn phí cho bà con lúc dịch COVID-19. Xe gắn máy của thầy Tân lúc nào cũng có nón bảo hiểm dự bị, trên đường đi dạy về hoặc đi đâu, thấy có người lội bộ, thầy mời lên xe đưa đến đúng nơi, đưa về đúng chỗ. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, đã đến trường động viên, khen thưởng thầy Tân và chia sẻ sự cảm phục với nghĩa cử của thầy.

“Đông tay vỗ nên kêu”

Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày học sinh lớp 12 ôn luyện chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, thì nhiều trường trên địa bàn TP Cần Thơ lại tổ chức bếp phục vụ những bữa ăn ngon cho các em nhà xa trường, có hoàn cảnh khó khăn, ở lại trường buổi trưa cho kịp giờ học chiều. Các bếp ăn chủ yếu do thầy cô đảm trách các cộng việc chính, cũng phục vụ trong các ngày thi tốt nghiệp THPT, giúp học sinh có thêm động lực và thể lực thi tốt. Một số trường duy trì tốt mô hình này thời gian qua như Trường THPT Trung An, Trường THCS&THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Ðỏ), Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai), Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Ðiền), Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy)... 

Những bếp ăn trên có sự chung tay đóng góp của phụ huynh, các nhà hảo tâm và nhiệt huyết đóng góp công sức cũng như chi phí của thầy cô đứng bếp. Thầy Lê Văn Dũng, trước đây là Hiệu trưởng Trường THPT Trung An, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Trần Ngọc Hoằng, luôn tâm huyết duy trì mô hình này, cho biết: Hoạt động này trước hết tạo điều kiện cho học sinh đang ôn thi tốt nghiệp THPT có thời gian nghỉ ngơi, an tâm học tập. Qua đó, các em học sinh còn rèn luyện kỹ năng mềm, thêm kỷ niệm đẹp thời học sinh. 

Nhiều năm qua, ở TP Cần Thơ có nhóm “Góp yêu thương” làm việc thiện nguyện giúp học sinh, sinh viên nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Chủ công của nhóm là cô Ðinh Hồng Thơ, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Ninh Kiều), quy tụ được nhiều học sinh và cựu học sinh của trường, cùng chung tay vì những suất ăn thiện nguyện, học bổng nghĩa tình hay phần quà đầy yêu thương.

Cô Hồng Thơ tâm sự: “Vẫn còn hoàn cảnh học sinh chưa thể mua bảo hiểm, đồng phục, sách vở... và tôi thấy mình phải có trách nhiệm sẻ chia. Cho dù học sinh có hoàn cảnh khó khăn học trường mà tôi dạy hay học trường khác, tôi khi biết đến thì đều cố gắng tìm cách giúp đỡ”. 

Cô Hoài Kỷ Ngọc Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Bình Thủy dạy cho em Đinh Trần Ngọc Mai tại nhà. Ảnh: B.NGỌC

Cô Hoài Kỷ Ngọc Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Bình Thủy dạy cho em Đinh Trần Ngọc Mai tại nhà. Ảnh: B.NGỌC

Một câu chuyện tiêu biểu khác là trong thực hiện cuộc vận động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Công đoàn ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã phối hợp với lãnh đạo Sở GD&ÐT thành phố vận động các tổ chức, cá nhân tham gia quyên góp máy tính, tiền mặt và vận động các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hỗ trợ sim 4G cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tổng cộng có 117 máy đã được trao cho học sinh. Ðồng thời thực hiện, tổ chức tốt và có hiệu quả việc vận động, quyên góp từ đoàn viên, công chức viên chức công đoàn lao động trong toàn ngành đóng góp hỗ trợ cho giáo viên, học sinh khó khăn, trợ cấp đột xuất 12 suất cho học sinh, giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo; trao 500 suất quà hỗ trợ học sinh vượt khó học giỏi…

* * *

Người thầy luôn là những hình mẫu để học sinh học tập, phấn đấu. Các em không chỉ học thầy cô kiến thức, mà còn cả lời ăn, tiếng nói, cách đối nhân xử thế. Thầy cô cũng là nhân tố quan trọng tác động đến cách nhìn, cách chọn nghề nghiệp gắn bó sau này của học sinh. Những tấm lòng nhân ái, cách sống nghĩa nhân của thầy cô là bài học thiết thực nhất trong giáo dục học sinh tròn vẹn nhân - nghĩa - lễ - trí - tín.

(Còn tiếp)

Bài cuối: Ðể thầy cô “vững tay chèo”

Chia sẻ bài viết