19/07/2020 - 17:49

Đông Nam Á tràn ngập ma túy tổng hợp 

Thái Lan và Myanmar vào tháng rồi đã tiêu hủy 25 tấn ma túy trái phép trị giá hơn 2 tỉ USD. Trước đó, cảnh sát Myanmar hồi tháng 5 đã thu giữ 3.700 lít fentanyl lỏng - tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp nhóm opiod, 193 triệu viên ma túy đá với trọng lượng lên đến 17,5 tấn tại khu vực bang tự trị Shan ở Ðông Bắc nước này.

Lượng lớn fentanyl lỏng được cảnh sát Myanmar thu giữ hồi tháng 5. Ảnh: Reuters

Còn trong 3 tháng đầu năm 2020, cảnh sát Myanmar đã đột kích nhiều điểm sản xuất và lưu trữ ma túy đá, thu giữ hơn 143 triệu viên, hơn 440kg tinh thể ma túy đá, một kho chứa hóa chất và nhiều thiết bị thí nghiệm. Ðáng lo ngại hơn, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) cho biết ít nhất 63 tấn tinh thể ma túy đá được thu giữ ở Ðông Nam Á hồi năm ngoái, tăng hơn 50% so với năm 2018. Qua đó cho thấy hoạt động buôn bán ma túy đang nở rộ tại Ðông Nam Á, đặc biệt là ở khu vực Tam Giác Vàng, trong bối cảnh các băng đảng ráo riết tìm kiếm những kênh mới để tiêu thụ ma túy.

Có giá trị thương mại “khủng”

Tam Giác Vàng bao gồm miền Bắc Thái Lan, miền Tây Lào và miền Ðông Myanmar. Khu vực này từ lâu “nổi tiếng” là nơi trồng, chế biến và phân phối thuốc phiện trên khắp Ðông Nam Á cũng như các nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Tam Giác Vàng trở thành điểm sản xuất và buôn bán ma túy đá đáng báo động khi nhiều báo cáo ước tính, tổng giá trị thương mại của loại ma túy tổng hợp này tại đây lên tới hơn 40 tỉ USD/năm. Theo UNODC, một loại thuốc gây nghiện khác là amphetamine cũng đang tung hoành trên khắp Ðông Nam Á, với tổng giá trị thương mại ước tính trị giá từ 30-60 tỉ USD.

Sự gia tăng sản xuất các loại ma túy tổng hợp nói trên tại Tam Giác Vàng được cho là do sự phổ biến của các loại tiền chất như pseudoephedrine hay axit sunfuric ở các nước láng giềng Ấn Ðộ, Trung Quốc. Ðược biết, những loại ma túy này có thể dễ dàng sản xuất trong phòng thí nghiệm với các loại tiền chất vừa nêu. Ðến nay, các quốc gia tại khu vực như Myanmar đã biến thành căn cứ sản xuất ma túy lớn, trong khi Lào và Thái Lan thì trở thành các tuyến tiêu thụ ma túy. Theo đó, ma túy được tuồn qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sau đó được chuyển đến tỉnh Quảng Ðông, Hong Kong và Macau. Tương tự, thủ đô Manila (Philippines) và Phnom Penh (Campuchia) cũng trở thành trung tâm phân phối ma túy hàng đầu.

Mạng lưới phân phối rộng khắp

Ðể phân phối ma túy, những tay buôn sử dụng nhiều hành lang và các chuyến tàu chở hàng từ Lào đến Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, hoặc từ miền Nam Myanmar hay miền Nam Thái Lan đến các nơi khác trong khu vực. Ðáng lo ngại là các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng như sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc đã tạo tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ma túy đến khắp nơi trên thế giới. Ðặc biệt, những tay buôn ma túy hoạt động tại khu vực đều có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia như yakuza của Nhật Bản, các băng đảng ở Nigeria hay Colombia để có thể thuận tiện phân phối ma túy bất hợp pháp trên toàn cầu.

Nhiều báo cáo cho thấy, một số nhóm vũ trang ở Myanmar như Quân đội Nhà nước Wa Thống nhất hay Quân đội Liên minh Dân chủ quốc gia, cũng tham gia buôn bán ma túy trong nhiều thập kỷ qua. Tại Myanmar, ma túy chủ yếu được sản xuất ở vùng cao nguyên phía Ðông vốn kém phát triển về kinh tế. Trong khi đó, Thái Lan và Lào lơ là kiểm soát các khu vực biên giới xa xôi, khiến cho bọn buôn ma túy dễ dàng xâm nhập để tiêu thụ loại chất cấm này.

Ðặc biệt, đại dịch COVID-19 khiến cho việc sản xuất và tiêu thụ ma túy tổng hợp gia tăng tại khu vực. Jeremy Douglas, Trưởng Ðại diện UNODC tại Ðông Nam Á-Thái Bình Dương, cho biết với những thay đổi trong hệ thống xã hội kể từ khi dịch bệnh bùng phát như phong tỏa hay giãn cách xã hội, các tay buôn ma túy đã sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để tiếp tục tiêu thụ ma túy, giúp chúng mở rộng giao dịch trong khi cảnh sát gặp khó hơn trong việc truy dấu tội phạm.

Theo giới chuyên gia, để hạn chế buôn bán ma túy bất hợp pháp trong và sau đại dịch, các nước Ðông Nam Á cần tập trung vào các khía cạnh xã hội liên quan đến buôn bán ma túy; cần xem vấn đề này như là một vấn nạn xã hội, một mối đe dọa an ninh phi truyền thống đối với khu vực và thế giới; và điều quan trọng là phải chung tay với cộng đồng bị tổn hại hoặc bị ảnh hưởng bởi buôn bán ma túy phi pháp.

HOÀNG NAM (Theo Channel News Asia, Reuters)

Chia sẻ bài viết