18/01/2009 - 08:28

Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2009

Đồng hành với chủ trương, băn khoăn cách thực hiện

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức tổng kết công tác thi và tuyển sinh năm 2008 và triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác thi, tuyển sinh năm 2009 qua 6 cầu truyền hình: Hà Nội, Vinh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Trong khi thi tuyển sinh không có gì thay đổi lớn thì thi tốt nghiệp năm nay có nhiều điểm mới. Hầu hết những điểm mới đều nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu. Tuy nhiên, triển khai thực hiện như thế nào là vấn đề vẫn còn không ít băn khoăn.

Tốt nghiệp THPT: Thi theo cụm và chấm bài chéo

Nhằm nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiến tới tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, năm 2009 kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi theo cụm trường. Mỗi cụm thi có ít nhất 3 trường THPT (hoặc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên), học sinh sẽ tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn- những nơi có điều kiện tốt hơn- để dự thi. Mỗi cụm trường sẽ thành lập 1 hội đồng thi. Trường hợp đặc biệt- những trường ở vùng xa, hải đảo, đi lại khó khăn, không thể tổ chức thi theo cụm, hoặc chỉ tổ chức cụm 2 trường- các Sở GD&ĐT phải báo cáo để xin ý kiến Bộ. Trong mỗi hội đồng thi, danh sách thí sinh được lập theo 3 ban: Ban Khoa học Tự nhiên, Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ban Cơ bản. Tùy tình hình thực tế, Bộ GD&ĐT sẽ bố trí lực lượng thanh tra Bộ ở các cụm thi. Bộ GD&ĐT cũng sẽ huy động cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi trong phòng thi, nhất là đối với những nơi không thể tổ chức thi theo cụm hoặc chỉ tổ chức cụm thi có 2 trường.

Một điểm mới nữa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 là đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành lân cận để chấm thi. Chẳng hạn, tỉnh A chấm bài cho tỉnh B, tỉnh B chấm bài cho tỉnh C... Những tỉnh lớn có nhiều thí sinh dự thi có thể chấm thi cho một số tỉnh nhỏ có ít thí sinh. Bộ GD&ĐT sẽ ra quyết định cụ thể việc đổi chéo bài thi giữa các tỉnh.

Thí sinh đang làm thủ tục thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2008 tại cụm thi Cần Thơ.
 Ảnh: BÍCH NGỌC 

Hầu hết đại biểu dự hội nghị thi và tuyển sinh năm 2009 đều thống nhất với những cải cách trên. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng về việc triển khai thực hiện. Đại biểu Phạm Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, cho rằng: “Tỉnh Sơn La thuộc miền núi; nhiều huyện chỉ có 1- 2 trường THPT, các trường lại cách nhau khá xa, đường đi lại không thuận tiện. Mùa thi lại là mùa mưa, nỗi lo lở núi, lũ quét sẽ ảnh hưởng đến nhiều phụ huynh và thí sinh. Nếu trọ thi sẽ rất tốn kém. Vì vậy, có thể nhiều học sinh sẽ bỏ thi”. Vấn đề an ninh khi vận chuyển bài thi từ tỉnh này sang tỉnh khác để chấm chéo cũng được đặt ra. Ngoài ra, các đại biểu cũng rất băn khoăn với chất lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT đến từ các trường đại học, cao đẳng. Nhiều người cho rằng một số thanh tra là cán bộ văn phòng, cán bộ trẻ mới được tuyển dụng nên ít có kinh nghiệm trong việc thực hiện các qui chế thi.

Tuyển sinh ĐH, CĐ: không có thay đổi lớn

Về cơ bản công tác tuyển sinh Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) năm 2009 vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung”. Chỉ có một số điểm mới về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh đối với những trường đóng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Theo đó, đối với những trường đóng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mức điểm chênh lệch trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không được phép quá 1,5 điểm. Đối với các trường được giao chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm nhưng không quá 1 điểm. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng nằm trong tổng chỉ tiêu được phê duyệt. Các trường phải công bố công khai về chỉ tiêu ngành nghề đào tạo, địa chỉ sử dụng trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui năm 2009”. Đồng thời, chỉ tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng bằng hình thức xét tuyển những thí sinh đã dự thi ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT trong năm.

Về điểm thi, các trường xây dựng điểm trúng tuyển chung theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo. Căn cứ nguyên tắc qui định chung, các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo qui định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng. Không hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét quyết định.

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý gồm 2 phần: phần chung cho tất cả các thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; phần riêng theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh sẽ chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Thí sinh nào làm cả hai phần riêng đều bị coi là phạm quy, cả hai phần riêng đều không được chấm, chỉ chấm điểm phần chung. Riêng môn Ngoại ngữ, đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình phân ban.

Năm nay, các đại biểu dự hội nghị thi và tuyển sinh lại tiếp tục đề nghị tăng lệ phí đăng ký dự thi hoặc nộp cùng lúc hai khoản lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí thi tuyển sinh. Cách làm này vừa tránh bù lỗ quá nhiều cho các trường đồng thời hạn chế được tình trạng thí sinh ảo, gây lãng phí. Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ khẳng định: “Việc nộp cùng lúc lệ phí dự thi và lệ phí tuyển sinh sẽ làm giảm tình trạng thí sinh ảo rất lớn mỗi năm”. Thực tế, có nhiều thí sinh nộp đến 11 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng chỉ tham gia thi ở một trường.

*

* *

Tại hội nghị thi và tuyển sinh năm nay, có thể thấy những cách làm mới mà Bộ GD&ĐT đưa ra đều nhận được sự đồng tình khá cao của đại biểu. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn về việc triển khai thực hiện các phương án thi này ở những vùng khó khăn. Chính vì vậy, các đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT nhanh chóng triển khai những thay đổi trong qui chế tuyển sinh trong năm 2009 bằng văn bản cụ thể, để các đơn vị thực hiện tốt, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết