19/03/2023 - 16:08

Đồng hành cùng người dân 

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Cần Thơ, toàn thành phố có 2.013 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đang hoạt động tại các ấp, khu vực. Các tổ trưởng tổ TK&VV nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò “cầu nối”, kịp thời chuyển tải vốn vay ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng.  

Cô Nguyễn Thị Kim (bên phải), Tổ trưởng tổ TK&VV thuộc Chi hội phụ nữ khu vực 6, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thường xuyên trao đổi tình hình sử dụng vốn với thành viên trong tổ.

“Thâm niên” 17 năm là Tổ trưởng tổ TK&VV thuộc Chi hội phụ nữ khu vực 6, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, cô Nguyễn Thị Kim thuộc làu danh sách cũng như hiểu rõ gia cảnh từng thành viên. Cô Kim giữ thói quen nhắc nhở và trực tiếp thu lãi, tiền gởi tiết kiệm trước 2 ngày giao dịch tại phường. Hiện tổ quản lý trên 2,8 tỉ đồng, với 60 thành viên vay, tiền gởi tiết kiệm 248 triệu đồng. Tổ không còn hộ nghèo và không có nợ quá hạn. Cô Kim cho biết: “Nhờ lồng ghép tuyên truyền, các thành viên nâng cao ý thức có vay - có trả, gởi tiết kiệm hằng tháng nên tổ luôn xếp loại tốt”. Cô Kim phấn khởi khi các thành viên trong tổ TK&VV ăn nên làm ra, đời sống gia đình từng bước khởi sắc. Là thành viên tổ TK&VV khu vực 6, hằng năm, cô Trần Thị Tánh tích lũy, dành dụm tiền cất nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt từ thu nhập 3 công vườn măng cụt, sầu riêng, chôm chôm Thái. Cô Tánh nói: “Tôi vay 70 triệu đồng để thêm vốn mua phân, thuốc, vật tư chăm bón cây trái. Tôi luôn đóng lãi đều đặn, tham gia gửi tiết kiệm hằng tháng”.    

Cùng hoạt động ở khu vực 6, năm 2004, chú Nguyễn Minh Bền là Chi hội trưởng Chi hội nông dân kiêm Tổ trưởng tổ TK&VV, quản lý tốt 57 thành viên, với số vốn vay 2,1 tỉ đồng (từ 10-70 triệu đồng/người). Chú Bền tạo nhóm zalo của tổ để thuận lợi kết nối, thông tin với các thành viên trong tổ. Chú Bền nói: “Tôi hiểu rõ điều kiện kinh tế, đời sống gia đình từng thành viên và thường xuyên trao đổi, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng nhằm hỗ trợ vốn vay ưu đãi, gợi ý cách thức làm ăn phù hợp. Tôi nhắc nhở các thành viên đóng lãi đúng hạn, vận động gởi tiết kiệm hằng tháng”. Hiện tổ TK&VV không còn hộ nghèo, không có nợ quá hạn. Chị Huỳnh Thị Cúc, thành viên tổ TK&VV là hộ cận nghèo, được chú Bền giới thiệu vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi. Chị Cúc mượn đất trồng rẫy và mua bán rau cải hằng ngày, có thu nhập chăm lo tốt cuộc sống gia đình.

Theo Chi nhánh NHCSXH thành phố, đến cuối năm 2022, dư nợ ủy thác qua 4 hội, đoàn thể đạt trên 3.570 tỉ đồng, chiếm 99,89% tổng dư nợ. Chất lượng hoạt động ủy thác ngày càng nâng lên, có 8 hội cấp huyện, 142 hội cấp xã không có nợ quá hạn. Trong đó, nổi bật vai trò các cấp hội, đoàn thể, tổ TK&VV thực hiện ủy thác cho vay, lồng ghép tuyên truyền phổ biến các chủ trương tín dụng chính sách (TDCS); vận động nhân dân nâng cao trách nhiệm trong việc vay vốn và trả nợ NHCSXH… Nguồn vốn TDCS phát huy hiệu quả, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Chi nhánh NHCSXH phối hợp các hội, đoàn thể xây dựng, quản lý 2.013 tổ TK&VV tại 599 ấp, khu vực. Hoạt động tổ TK&VV ngày càng được kiện toàn và nâng chất, với 1.986 tổ xếp loại tốt, khá; 1.777 tổ TK&VV không nợ quá hạn. Tổ TK&VV luôn là “cầu nối” giữa ngân hàng với người vay, góp phần chuyển tải nguồn vốn TDCS đến đối tượng thụ hưởng kịp thời, đảm bảo công khai dân chủ và tiết giảm chi phí cho người vay. Tổ TK&VV giúp quản lý tốt nguồn vốn, hộ vay thuận lợi hơn trong khâu bình xét vay vốn; thực hiện các thủ tục vay vốn dễ dàng và thuận tiện trong sinh hoạt định kỳ theo quy ước tổ. Bên cạnh đó, các tổ TK&VV tích cực vận động thành viên gửi tiết kiệm, có kế hoạch chi tiêu quỹ tài chính gia đình, tạo nguồn vốn tự có để mở rộng, phát triển sản xuất và trả nợ ngân hàng. 

Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH thành phố chú trọng duy trì và phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý TDCS đặc thù; tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện hiệu quả các chương trình TDCS. Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, điểm giao dịch xã, phường và năng lực, kỹ năng quản lý của tổ trưởng tổ TK&VV, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết