18/08/2013 - 21:03

Dồn sức phát triển “tam nông”

Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26) tại TP Cần Thơ. Nhiều ý kiến nhận định, với Nghị quyết 26, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến, đời sống người dân được cải thiện. Song, để tạo sức bật mạnh mẽ cho khu vực nông thôn, đòi hỏi phải tăng nguồn lực đầu tư.

Chuyển biến, nhưng vẫn chậm

 Theo đánh của Thành ủy Cần Thơ, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26 được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Thành ủy Cần Thơ đã xây dựng Chương trình số 43-CTR/TU ngày 2-10-2008 để cụ thể hóa Nghị quyết 26 và quán triệt trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân thành phố. UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch 06/KH-UBND ngày 20-1-2009 thực hiện Nghị quyết 26 và chương trình của Thành ủy. Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương chung, thành phố còn ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể là: Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ về ban hành quy định về hỗ trợ đầu tư trên địa bàn thành phố; Nghị quyết số 03/2011/NQ-HĐND của HĐND thành phố và Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND của UBND thành phố về chính sách thí điểm hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2012…

Đầu ra sản phẩm nhiều loại nông sản thường xuyên bấp bênh đang là khó khăn lớn cho người nông dân trong việc phát triển sản xuất.

Kết quả 5 năm qua, kinh tế- xã hội khu vực nông thôn chuyển biến rõ rệt, nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư mới và nâng cấp mở rộng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống người dân nông thôn được nâng lên; hệ thống chính trị, dân chủ cơ sở nông thôn được củng cố và tăng cường… Theo ước tính của ngành chức năng thành phố, năm 2013, giá trị sản xuất khu vực nông lâm thủy sản ước đạt 4.680,32 tỉ đồng (giá so sánh năm 1994), tăng 15,41% so với năm 2008, tốc độ tăng tưởng bình quân giai đoạn 2009-2013 đạt 3,4%. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, TP Cần Thơ triển khai từ năm 2010, đến nay, diện mạo nông thôn chuyển biến tích cực, đời sống người dân nông thôn được cải thiện. Đến cuối năm 2013, dự kiến thành phố có 2 xã đạt 19-20 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 2 xã đạt 15-18  tiêu chí, 11 xã đạt 12-14 tiêu chí, 8 xã đạt 10-11 tiêu chí; không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí (năm 2010 là 16 xã).

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26, nhiều ý kiến của đại biểu nhận định, dù tiến bộ, nhưng phát triển “tam nông” tại TP Cần Thơ còn hạn chế so với các yêu cầu đặt ra và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển chung. Công tác nghiên cứu, chuyên giao và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất chưa nhiều; các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới phát triển chậm và liên kết “4 nhà” chưa chặt chẽ. Một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa được triển khai kịp thời. Mặt khác, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn được thực hiện nhưng chưa nhiều. Chất lượng nông sản hàng hóa, năng lực cạnh tranh sản phẩm chưa cao, nên hiệu quả mang lại từ kinh tế nông nghiệp chưa đạt yêu cầu, thu nhập của nông dân còn bấp bênh… Từ đó, chưa giúp phát huy hết các lợi thế, tiềm năng của ngành nông nghiệp.

Giải pháp phải đồng bộ

Để phát triển “tam nông” theo Nghị quyết 26, nhiều ý kiến cho rằng, TP Cần Thơ cần đẩy mạnh các hoạt động đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời, tái cơ cấu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sát thực tiễn. Cần có các chương trình ưu đãi vốn vay trung và dài hạn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, ứng dụng các tiến  bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như các dịch vụ hỗ trợ nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại…

Ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nghị quyết 26 ra đời rất phù hợp với yêu cầu phát triển và nguyện vọng của nông dân. Thực hiện Nghị quyết, huyện đã xây dựng các chương trình hành động, như: điều chỉnh các quy hoạch sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất lúa thâm canh, vùng lúa luân canh lúa-màu và lúa -thủy sản… Đặc biệt là phát triển sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân có điều kiện tăng thu nhập, lợi nhuận so với trước. Tuy nhiên, mức sống của người dân nông thôn tại Vĩnh Thạnh vẫn thấp, các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và vui chơi giải trí cho người dân yếu và thiếu. Điều này rất cần sự quan tâm đầu tư của Trung ương và thành phố”. Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện ngày càng đổi mới, thu nhập của dân được cải thiện. Song, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục… ở nông thôn yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vì vậy, tạo sự đột phá trong phát triển “tam nông” cần huy động nhiều nguồn lực đầu tư. Cần đảm bảo giá cả đầu ra cho nông sản, nhằm khuyến khích nông dân bám đất, đồng thuận cùng địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Từ đề nghị của địa phương, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành chức năng và địa phương cần tiếp tục quán triệt tốt tinh thần Nghị quyết 26. Rà soát, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới. Trong đó, cần chú ý phát huy tốt các yếu tố nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các nguồn lực đầu tư xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống “điện, đường, trường, trạm”. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở nông thôn, tổ chức lại sản xuất nhằm đảm bảo tốt hơn đầu ra các sản phẩm nông sản… Các giải pháp phải đồng bộ để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho vùng nông thôn, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp.

Bài, ảnh: Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết