11/05/2023 - 10:05

Dồn sức đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh là mục tiêu quan trọng, được các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn TP Cần Thơ thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua. Qua thực hiện các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đồng bộ và hiện đại. Tuy nhiên, nhóm tiêu chí này được nhận định khó đạt và khó giữ vững nếu không được đầu tư, nâng chất kịp thời để đáp ứng yêu cầu phát triển từ thực tiễn.

Thực hiện tiêu chí thủy lợi, nạo vét kênh rạch phục vụ tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn huyện Thới Lai.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối NTM TP Cần Thơ, cho biết: “Nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội gồm: giao thông, thủy lợi, điện, giáo dục, y tế, nước sạch… giải quyết các nhu cầu cấp bách, bức xúc nên được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Ðồng thời, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các phong trào “Cần Thơ chung sức xây dựng NTM”, chiến dịch Giao thông thủy lợi mùa khô... đã huy động, thu hút đông đảo người dân cùng tham gia hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện, xã”.

Sau hơn 12 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai diện rộng, hình ảnh người dân chung tay làm đường, làm cầu giao thông hay mạnh dạn hiến đất, hoa màu vật kiến trúc để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học... không còn là chuyện hiếm gặp. Hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã dần hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại tạo sự phấn khởi cho cư dân nông thôn. Ông Ðỗ Văn Mười, 70 tuổi, người dân xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, chưa bao giờ thấy sự đổi thay như vậy. Khi con lộ trước nhà làm 2m bà con vui mừng khôn tả vì chấm dứt cảnh nắng bụi, mưa lầy thì giờ càng vui hơn nữa khi được mở rộng lên 4m để xe ô tô có thể thông thương ra vào. Không chỉ vậy, các công trình trường học, trạm y tế, nước sạch… cũng đầu tư khang trang, sạch đẹp để phục vụ ngày càng tốt hơn về mọi mặt cho bà con”.  

Hằng năm, các xã đều dành nguồn kinh phí lớn để tập trung thực hiện nhóm tiêu chí về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ông Lê Tuấn Nhân, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, cho biết: Giai đoạn 2016-2022, Trường Xuân A huy động trên 554 tỉ đồng để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên 434 tỉ đồng. Qua đó, xã đạt được nhiều tiêu chí với tỷ lệ cao và mang tính bền vững. Ðơn cử tiêu chí về giao thông, đường ấp và liên ấp được cứng hóa và bảo trì hằng năm (11.400m) đạt 100%; có các hạng mục cần thiết theo quy định (biển bảo, chiếu sáng, cây xanh…) và đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp (7.000m) đạt 100%. Hiện xã có 2 trường đều đạt chuẩn cấp quốc gia, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, đạt 100%. Ngoài ra, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn, thường xuyên từ các nguồn đạt tỷ lệ 99,04%...

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo nhận định của nhiều địa phương, các nhóm tiêu chí thuộc về hạ tầng kinh tế - xã hội rất khó đạt nhưng dễ lạc hậu, không theo kịp sự phát triển nếu không được quan tâm đúng mức. Bởi đây là tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn và phải duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Ðặc biệt, việc triển khai thực hiện tiêu chí này đòi hỏi sự khéo léo, tâm lý từ chính quyền địa phương vì ảnh hưởng đến đất đai, quyền lợi trực tiếp của nhiều người dân.

Từ thực tế đó, các huyện, xã xây dựng NTM của thành phố đã vạch lộ trình, đề ra giải pháp hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí liên quan đến hạ tầng kinh tế - xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, trong năm 2023, Phong Ðiền xác định huy động mọi nguồn lực để xây dựng hoàn thiện, nâng chất hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Hằng năm, huyện đều có kế hoạch nâng chất tiêu chí giao thông, thủy lợi, đáng chú ý nhất là việc phát động chiến dịch Giao thông thủy lợi mùa khô. Qua đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thực hiện tốt khâu xã hội hóa, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân từ đó từng bước hoàn thiện thêm kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất, dân sinh. Theo kế hoạch năm 2023, Phong Ðiền được chọn trở thành huyện NTM nâng cao đầu tiên của thành phố. Do đó, huyện kiến nghị thành phố xem xét, hỗ trợ nguồn vốn thực hiện nâng chất một số chỉ tiêu, tiêu chí như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa...

Ông Lê Văn Tính cho biết: “Kế hoạch xây dựng NTM năm 2023 của thành phố chú trọng nâng chất, củng cố và đầu tư phát triển các công trình hạ tầng cơ bản cấp xã, trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân (giao thông, điện, giáo dục, y tế, văn hóa, nước sạch...). Ðặc biệt ưu tiên tại các xã xây dựng và phấn đấu xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023”. Theo ông Lê Văn Tính, đa phần người dân đều nhận thức việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại địa phương mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, để có sự hưởng ứng của họ phải qua quá trình tuyên truyền, vận động. Do đó,  các xã cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Chung sức cùng cả nước xây dựng NTM” và phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng đường đẹp ngõ đẹp, hiến đất để mở đường giao thông”... Trong bối cảnh khó khăn chung, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án tại địa phương; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào “tam nông” nhằm tạo điều kiện nâng chất các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM.

Chia sẻ bài viết