20/08/2009 - 20:23

Thị trường thực phẩm tươi sống

Đón hàng mùa lũ...

Về vùng đầu nguồn sông Hậu, nhất là 2 huyện An Phú và Tân Châu của tỉnh An Giang trong những ngày này mới thấy hết cái không khí tất bật của người dân nơi đây. Nhiều hộ gia đình khẩn trương chuẩn bị phương tiện đánh bắt thủy sản mùa nước nổi như: trét ghe xuồng, sắm sửa câu, lưới, lọp, lờ để chuẩn bị mưu sinh mùa lũ… Nhiều loại thủy sản mùa lũ cũng đã bắt đầu đổ về các chợ ở TP Cần Thơ, góp phần bình ổn giá nhiều loại thực phẩm tươi sống trên địa bàn thành phố...

* KHAI THÁC THỦY SẢN MÙA LŨ

Như thường lệ, vào khoảng tháng 5 âm lịch là nước lũ từ thượng nguồn Campuchia đổ về dìm các cánh đồng chìm ngập trong biển nước, mang theo một lượng lớn cá, tôm... Tận dụng nguồn lợi đó, người dân đầu nguồn khai thác thủy sản để kiếm thêm thu nhập gia đình. Ông Đặng Văn Bé (Tám Dớn) 55 tuổi, ở ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, huyện Tân Châu là người có hơn 20 năm trong nghề làm đú (dụng cụ bắt cá), cho biết: “Năm nay, tôi đã làm 8 luồng đú và đã đặt trên cánh đồng bờ Đông kênh Bảy Xã, mỗi luồng có chiều dài khoảng 400 m. Với 8 luồng đú tôi có thể thu hoạch hơn 100 kg cá, cua, ốc... thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày”.

Cũng theo ông Bé, vào giữa tháng 7 kéo dài đến tháng 8 âm lịch, các luồng đú chạy trúng lắm, mỗi buổi thu hoạch vài trăm ký cá linh, dứt mùa nước nổi thu nhập 9-10 triệu đồng. Ông Bé cho biết thêm: “Nếu có thêm số vốn, tôi lên cánh đồng trên giáp xã Unxano, huyện Léc Đéc, tỉnh Kandal (Campuchia) đặt trúng lắm. Quy luật đặt đú trên đồng nước bạn Campuchia là phải đóng thuế, cứ mỗi luồng đú phải đóng cho người Campuchia vài chục ria (đơn vị tiền tệ Campuchia), nhưng mỗi lần đổ đú kiếm hơn 300 kg cá. Nhiều hộ lên đó làm ăn hết mùa nước nổi đem về vài chục triệu đồng...”.

Nhiều loại thủy sản đánh bắt mùa lũ đã bắt đầu về các chợ nội ô TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA 

Chúng tôi đến luồng đú của anh Nguyễn Văn Phong. Anh cho biết: “Tôi quê ở xã Khánh An (An Phú) về đây lập nghiệp năm 1999. Vừa qua, Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư làm ăn trong mùa nước nổi. Tôi đầu tư mua được 4 cái đú với số tiền trên 2 triệu đồng, lên đồng Campuchia, giáp cánh đồng kênh Bảy Xã đặt được hơn 2 tuần nay, đóng thuế mỗi luồng 20 ria (tương đương 400.000 đồng tiền Việt Nam), đang thu hoạch mỗi ngày khoảng hơn 200 kg cá linh, cá lòng tong, ốc, rùa, rắn... bán được hơn 1 triệu đồng”.

Cánh đồng Vĩnh Hội Đông huyện An Phú, vào thời điểm này nơi đây nước ngập trắng đồng. Đang nhổ những cọng bông súng để kịp giao cho bạn hàng bán buổi chợ chiều, ông Nguyễn Văn Tòng nói: “Mỗi ngày tôi nhổ khoảng 30 khoanh bông súng (mỗi khoanh 10 cọng) và hái 4 kg bông điên điển, kiếm cũng được vài chục ngàn”. Chỉ tay về cánh đồng, ông Tòng cho biết thêm: “Ở đây năm nào cũng vậy, hễ lũ về là hàng trăm hộ dân nghèo rủ nhau đi nhổ bông súng, bông điên điển, mò cua, bắt ốc để mưu sinh. Có nhiều hộ dứt mùa nước nổi, bỏ túi vài chục triệu đồng. Nhờ vậy mà giải quyết cho số đông lao động nhàn rỗi ở địa phương”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú, Lâm Hoàng Nam cho biết: “Để đảm bảo cho bà con nghèo mưu sinh tốt trong mùa lũ, chính quyền địa phương phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội ưu tiên giải ngân cho những hộ khó khăn (mỗi hộ được vay 3-6 triệu đồng) làm ăn trong mùa nước nổi như nuôi cá chình, cá lóc, lươn, giăng câu, giăng lưới... Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thành lập đội cứu hộ cứu nạn để ứng phó kịp thời khi sự cố xảy ra đối với người dân sống trong mùa lũ; di dời những hộ dân nằm trong vùng rốn lũ đến cụm tuyến dân cư...”.

Tại TP Cần Thơ, mặc dù con nước lũ chưa lớn nhưng gần đây, nhiều người dân ở đầu nguồn lũ như các huyện: Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Cờ Đỏ... đã sắm sửa lưới, xuồng... để sẵn sàng đánh bắt thủy sản trong mùa lũ... Ông Đỗ Sĩ Nhường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), cho biết: “Hiện nay, người dân chủ yếu chỉ mới thả cá nuôi trên ruộng và ao mùa lũ. Khoảng hơn 1 tháng nữa, khi con nước lũ lớn, mới có nhiều người dân đánh bắt thủy sản mùa nước nổi...”.

* CÁC CHỢ ĐÓN THỦY SẢN MÙA LŨ

Gần đây, tuy mới bắt đầu mùa lũ nhưng lượng thủy sản như: lươn, tép, cá rô đồng, lóc đồng, cá sặt, bông lau... đã đổ về các chợ nội ô TP Cần Thơ với số lượng nhiều hơn trước. Trong khoảng 5-6 ngày qua, cá linh mùa lũ cũng đã được bày bán tại một số chợ của thành phố. Do nguồn cung dồi dào, hiện giá lươn đã giảm khoảng 30.000-35.000 đồng/kg và tép giảm khoảng 15.000 đồng/kg so với tháng trước: lươn đang ở mức khoảng 70.000-80.000 đồng/kg, tép ở mức 50.000-60.000 đồng/kg. Còn giá cá linh đang ở mức khoảng 40.000-50.000 đồng/kg, cá rô đồng: 40.000-60.000 đồng/kg, cá lóc đồng: 50.000-80.000 đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ), cá sặt: 40.000 đồng/kg... Theo dự đoán của những người cao niên cư dân vùng lũ, do năm nay lũ về sớm cá tôm từ thượng nguồn Campuchia đổ về nhiều. Trong thời điểm hiện nay, giá cá chợ tăng hơn so với năm ngoái nên người dân đánh bắt cũng phấn khởi. Hiện tại, các chợ đầu nguồn lũ, giá cá linh non được bạn hàng các chợ đến cân với giá 20.000-30.000 đồng/kg, các rô đồng dính lưới cỡ 3 phân rưỡi có giá 30.000-40.000 đồng/kg, cá lòng tong 15.000 đồng/kg mà không đủ bán...

Theo tiểu thương tại nhiều chợ nội ô thành phố, hiện nay các mặt hàng thủy sản mùa lũ đang đổ về các chợ chủ yếu từ các tỉnh đầu nguồn lũ như: An Giang, Kiên Giang... và ở một số huyện của thành phố như: Cờ Đỏ, Thới Lai cũng có nhưng số lượng còn ít. Khoảng hơn 1 tháng nữa sẽ vào cao điểm đánh bắt thủy sản mùa lũ, khi đó các mặt hàng thủy sản mùa lũ sẽ còn đổ về các chợ với số lượng lớn. Ngoài ra, khi nguồn cung cá đồng dồi dào vào mùa lũ dẫn đến giá giảm, còn làm cho nhiều loại thực phẩm tươi sống khác như: thịt heo, gia cầm, cá biển... có xu hướng giảm giá theo. Khi đó, người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội lựa chọn khi nguồn cung dồi dào và giá rẻ...

MINH TUẤN - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết