28/07/2008 - 21:40

Đón đầu dịch vụ cho thuê kho lạnh

Nhu cầu kho trữ lạnh hàng hóa ở TP Cần Thơ sẽ tăng cao (trong ảnh: Xếp hàng kho lạnh Công ty CP Thủy sản Bình An). Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN 

Một tập đoàn kinh tế của Nhật vừa tiếp xúc với Ban giám đốc Cảng Cần Thơ bàn chuyện hợp tác đầu tư xây dựng kho lạnh phục vụ nhu cầu làm lạnh hoặc lưu trữ hàng hóa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong buổi tiếp xúc, phía đối tác của Nhật Bản đề nghị Cảng Cần Thơ giúp họ thuê 10 ha đất nằm gần cảng Cần Thơ hoặc cảng Cái Cui để đầu tư xây dựng kho lạnh. Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ, nói: “Các tập đoàn kinh tế nước ngoài rất nhạy bén trong kinh doanh, họ đầu tư xây dựng kho lạnh tại TP Cần Thơ là để đón đầu cơ hội kinh doanh khi luồng Định An được khai thông. Khi ấy, cụm cảng Cần Thơ sẽ sung túc hơn, nhu cầu sử dụng kho lạnh sẽ tăng mạnh”.

Từ trước đến nay do luồng Định An chưa được khai thông, hầu hết hàng hóa xuất-nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải tốn nhiều chi phí, thời gian để trung chuyển về TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp xuất–nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL khi có nhu cầu sử dụng kho lạnh phải đầu tư xây dựng hoặc thuê kho lạnh ở TP Hồ Chí Minh. Do đó, hệ thống các kho lạnh chậm được hình thành ở khu vực ĐBSCL, dù nhu cầu sử dụng để lưu trữ hàng hóa (trái cây, nông thủy sản chế biến...) là rất lớn. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ xác định việc xây dựng kho lạnh đang là nhu cầu bức xúc của vùng ĐBSCL. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản có công xuất lớn như: Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, Công ty cổ phần Thủy sản Miền Nam (khu công nghiệp Trà Nóc II); Công ty cổ phần Thủy sản Đại Tây Dương (khu công nghiệp Thốt Nốt), Công ty cổ phân Cafatex (Hậu Giang) đang xúc tiến việc xây dựng kho lạnh. Tuy nhiên, theo ông Hùng, các kho lạnh đang được các doanh nghiệp này xây dựng chỉ có sức chứa khoảng 10.000 tấn/kho nên chỉ đáp ứng nhu cầu của nội bộ doanh nghiệp đầu tư, chứ chưa có năng lực cho thuê kho lạnh.

Ông Võ Thanh Hùng nhận định, thời gian tới công nghiệp chế biến sẽ tiếp tục khẳng định thế mạnh của ngành công nghiệp ở vùng ĐBSCL, do đó các dịch vụ vận tải sông biển và kho bãi cũng sẽ phát triển nhanh để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Thời gian qua, dịch vụ vận tải biển và đội tàu biển của vùng ĐBSCL chưa phát triển vì cổng hàng hải quốc tế của vùng chưa được khai thông. Riêng Công ty Cổ phần Vận tải Sông biển Cần Thơ - đơn vị có năng lực vận tải biển mạnh nhất khu vực ĐBSCL hiện nay cũng phải chọn TP Hồ Chí Minh làm hậu cứ để neo đậu đội tàu của mình. Tới đây, khi luồng vận tải biển được khai thông, hàng hóa của vùng ĐBSCL sẽ được xuất-nhập khẩu qua cổng hàng hải quốc tế này. Khi ấy, TP Cần Thơ-nơi có cụm cảng đầu mối của vùng ĐBSCL - sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư xây dựng các tổng kho xăng dầu, vật tư nông nghiệp và kho lạnh.

Nhu cầu sử dụng kho lạnh ở ĐBSCL đang tăng nhanh theo đà tăng trưởng sản lượng hàng hóa xuất-nhập của vùng. Một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đang khảo sát tìm kiếm vị trí thuận lợi để đầu tư và khai thác dịch vụ này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang đứng trước thử thách về lãi suất tín dụng đang ở mức cao, suất đầu tư kho lạnh ở ĐBSCL (vùng đất yếu) cao hơn các vùng khác nên chậm thu hồi vốn.

NHẬT CHÁNH

Chia sẻ bài viết