06/01/2008 - 22:05

Đối tượng nào được hưởng chính sách trợ câp đối với người có công, thủ tục ra sao?

Quê tôi ở huyện Vân Lâm, tỉnh Hưng Yên, năm 1961, nhập ngũ đi B (hoạt động ở chiến trường B,C,K). Năm 1976, tôi chuyển sang Vùng 5 Hải quân tại Phú Quốc; đến năm 1981 xuất ngũ, sau đó vào làm tại Xí nghiệp xây lắp 301 thuộc Công ty xây lắp 3, Bộ Vật tư ở Cần Thơ và lập gia đình sinh sống tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều cho đến nay.

Tôi đã làm tất cả các thủ tục, gồm: Bảng kê khai cá nhân, giấy xác nhận của UBND xã Tân Quang, huyện Vân Lâm, tỉnh Hưng Yên, giấy xác nhận của người công tác cùng đơn vị, biên bản họp xét, đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 290/2005-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ của Hội Cựu chiến binh phường An Hòa, quận Ninh Kiều, đã nộp từ năm 2006 đến nay nhưng vẫn chưa cơ quan nào trả lời. Ngày 5-12-2007, tôi đến Phòng Chính sách Quân khu 9 được Thượng tá Nguyễn Văn Thắng ở bộ phận tổng hợp giải thích rằng, Quyết định 290 giải quyết cho người trong miền Nam, còn anh em miền Bắc trường hợp rất đặc biệt mới giải quyết.

Vậy, xin ngành có liên quan tư vấn giúp tôi rõ hơn đối tượng nào mới được hưởng chính sách trên? Có qui định từng vùng, từng khu vực không? Trường hợp của tôi có được hưởng chế độ trên không? Nếu được thì cần những thủ tục gì và cơ quan nào tiếp nhận?

Đào Xuân Bình
(phường An Hòa, quận Ninh Kiều)


Vấn đề này, ông Trần Minh Đăng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, trả lời như sau:

Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 quyết định về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thông tư liên tịch số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 07/12/2005 của Liên bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện.

3 đối tượng áp dụng cụ thể như sau:

- Đối tượng 1: Đối với quân nhân, công an Nhân dân, công nhân viên chức trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ chưa hưởng chế độ chính sách.

Quân nhân, công an nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, công nhân viên chức quốc phòng, công an trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường B, C, K trong khoảng thời gian từ ngày 20-7-1954 đến 30-4-1975, về gia đình từ ngày 31-12-1976 trở về trước, chưa được hưởng 1 trong các chế độ phục viên, xuất ngũ thôi việc, bệnh binh, mất sức lao động hàng tháng và chế độ hưu trí hàng tháng.

- Đối tượng 2: Đối với hạ sĩ quan chiến sĩ quân đội, công an, thanh niên xung phong hưởng lương, Cán bộ dân chính Đảng tham gia chiến đấu, hoạt động ở các chiến trường B, C, K

Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân tham gia chiến đấu, hoạt động ở các chiến trường B, C, K sau đó trở thành người hưởng lương, thanh niên xung phong hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cán bộ dân chính đảng hoạt động cách mạng ở các chiến trường B, C, K từ ngày 30-4-1975 trở về trước, không có thân nhân chủ yếu (vợ hoặc chồng; bố đẻ; mẹ đẻ; bố nuôi; mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi hợp pháp) phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc để nhận trợ cấp B, C, K cụ thể là:

a. Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân (diện hưởng sinh hoạt phí) quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, công tác ở chiến trường phát triển thành người hưởng lương từ ngày 30-4-1975 trở về trước, bao gồm:

- Người được bổ nhiệm giữ chức từ Trung đội phó trở lên

- Người được đề bạt cấp bậc từ Chuẩn úy hoặc trung đội bậc phó trở lên

- Người được chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương công an nhân dân hoặc cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, công nhân viên chức quốc phòng, công an hoặc cán bộ dân chính đảng ở miền Nam.

b. Thanh niên xung phong hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử vào chiến trường B, C, K hoặc khi đi chiến trường hưởng sinh hoạt phí sau đó trở thành người hưởng lương trong chiến trường từ ngày 30-4-1975 trở về trước.

c. Cán bộ dân chính đảng ở miền Nam thoát ly hoạt động cách mạng tại các chiến trường B, C, K trong khoảng thời gian từ tháng 7-1954 đến 30-4-1975 do các tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng từ cấp huyện (quận) trở lên quản lý.

- Đối tượng 3: Đối với dân quân tập trung ở miền Bắc, du kích tập trung ở miền Nam (bao gồm cả lực lượng mật) đã về gia đình

a. Dân quân ở miền Bắc được tổ chức thành đơn vị tập trung, thường xuyên, trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu do cấp huyện, tỉnh tổ chức, quản lý hoặc giao cho cấp xã quản lý nhưng được tổ chức theo yêu cầu tác chiến của huyện, tỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 8-1964 đến tháng 1-1973.

b. Du kích ở miền Nam được tổ chức thành đơn vị tập trung, thường xuyên làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, công tác do cấp ủy đảng xã, liên xã trở lên tổ chức, quản lý (bao gồm cả du kích mật) trong khoảng thời gian từ tháng 7-1954 đến tháng 4-1975.

c. Lực lượng mật do các tổ chức đảng, quân sự, công an có thẩm quyền tổ chức, giao nhiệm vụ hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 7-1954 đến tháng 4-1975 ở chiến trường B, C, K.

Đối tượng tại điểm a, b, c nêu trên chưa được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần gắn với thời gian phục vụ.

- Theo hồ sơ ông Đào Xuân Bình đã kê khai tại UBND phường An Hòa, nơi đây đã tiếp nhận và chuyển đúng hệ thống quản lý đối với quân nhân là cơ quan quân sự quận Ninh Kiều, Thành đội Cần Thơ, Phòng chính sách và Cục Chính trị Quân khu 9 đã hướng dẫn và giải đáp rõ ràng. Trường hợp của ông chưa thực hiện được do ông có thân nhân chủ yếu phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc.

Thành đội Cần Thơ và Phòng chính sách, Cục Chính trị Quân khu 9 là cơ quan đủ thẩm quyền chỉ đạo tuyên truyền, tổ chức triển khai và kiểm tra thực hiện chế độ quy định. Đề nghị ông an tâm, tin tưởng.

Kim Xuân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết