Người ta thường nói, đời thợ gặt lúa như loài chim sống nhờ vào đồng ruộng, nơi nào có lúa chín thì lại kiếm ăn. Gia cảnh thợ gặt phần lớn đều nghèo, con cái ít được học hành đàng hoàng. Đây là nghề cực khổ, thu nhập bấp bênh nên nhiều thanh niên giờ đã bỏ quê ra thành thị, tìm việc khác làm. Nhưng cũng có người cả đời chung thủy với chiếc liềm cắt lúa
Bắt đầu từ tháng 8 - 2008, từng đoàn thợ gặt ở các phường trong thị xã Tân An, tỉnh Long An, lũ lượt kéo nhau đi gặt lúa thuê trên những cánh đồng chín vàng bát ngát của tỉnh nhà. Năm nay, các vựa lúa lớn như huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng chủ yếu sử dụng máy gặt đập liên hợp nên các nhóm thợ tủa về đồng làng và những nơi máy gặt không vào hoạt động được.
 |
Thợ gặt lúa trên một cánh đồng ở phường Tân Khánh, thị xã Tân An, tỉnh Long An. |
Ngồi trên bờ đê nhai vội miếng trầu, bà Lương Thị Bảy, 74 tuổi (quê ở phường Tân Khánh, thị xã Tân An) một thợ gặt có hơn 50 năm trong nghề, bồi hồi nhớ lại quãng đời dong ruổi của mình. Bà kể: “Ngày trước, tới mùa lúa vui lắm, xóm tui cả trăm người bao xe lên Vĩnh Hưng ở cả tháng trời, ngủ nhờ nhà các chủ ruộng, cắt hết đồng này sang đồng khác, rồi xuống Bến Tre, Tiền Giang làm thêm. Thấy mình siêng năng, thật thà, nhiều chủ thương cho gạo, đồ ăn thì bắt cá đồng. Giờ già rồi đâu còn sức đi xa, quanh quẩn ở mấy đám ruộng gần mà làm còn hổng nổi”. Gần nửa thế kỷ “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, bà Bảy bị chứng nhức mỏi kinh niên, đứng lâu không được. Mấy năm nay, mỗi khi bà đi cắt lúa phải có đứa cháu theo ôm lúa hoặc cắt phụ. Bà Bảy có 8 người con, trong đó 6 người theo nghề gặt lúa tứ phương, ai cũng nghèo nên không lo nổi cho mẹ già. Dù lưng còng, tóc bạc nhưng bà vẫn phải tự đi kiếm miếng ăn. Lối xóm thương tình mướn bà nhổ cỏ, giũ rơm và những phần công việc lặt vặt khác liên quan đến đồng áng. Bà làm vì mưu sinh và cũng vì cuộc đời bà đã trót gắn liền với ruộng vườn.
Chị Võ Thị Bích Thủy, 41 tuổi, ở phường Khánh Hậu, thị xã Tân An, có thâm niên 27 năm cắt lúa mướn. Cũng nhờ nghề này mà vợ chồng chị nuôi được 3 đứa con đi học. Có sức khỏe nên một ngày 2 vợ chồng chị cắt khoảng 3 công đất, được 400.000 đồng. Vợ chồng chị Thủy rất siêng, đồng xa cỡ nào cũng nhận đi. Mấy năm nay, được bên chồng cho miếng đất ra riêng nên chị không đi tỉnh cắt lúa nữa, chỉ làm ở đồng nhà. Chồng chị còn đẩy lúa, phụ máy phóng, phơi lúa thuê. Sau mỗi vụ cắt, số tiền dư lên đến cả chục triệu đồng, để dành lo cho con ăn học. Mấy đứa con chị sau giờ học ra đồng bắt cá, nhổ cỏ, nấu cơm đem cho cha mẹ... Chị Thủy tâm sự: “Làm riết tay chân tụi tui thúi hết móng, da sần sùi, đầy thẹo. Nhưng nghĩ tới 3 đứa con phải ráng, đâu thể để tụi nó tiếp tục khổ như mình”.
 |
Không còn sức cắt lúa, bà Nguyễn Thị Huyền, 81 tuổi, ở phường Tân Khánh, thị xã Tân An, tỉnh Long An, đi mót lúa kiếm sống. |
Được như vợ chồng chị Thủy rất hiếm vì đa phần dân gặt lúa đều nghèo, có người phải sống nhờ trên đất người khác. Chị Lương Thị Thúy Kiều ở ấp Nhơn Cầu, phường Tân Khánh, mấy chục năm gắn với ruộng đồng vẫn không khá nổi. Không có xe máy nên mỗi khi ông “trùm” (người cung cấp nhân công cho các chủ ruộng) kêu đi cắt lúa xa, chị phải dậy sớm nấu cơm đem theo rồi đi xe đạp khởi hành từ 4 giờ sáng mới kịp mọi người. Tới nơi, mồ hôi ra như tắm, tay chân rã rời, chưa kịp nghỉ chị đã vội xuống ruộng cắt lúa. Đến trưa, lên bờ ăn vội miếng cơm nguội lạnh rồi chị ra cắt lúa tiếp. Lần đi lần cực nên nhiều lúc nhóm của chị lãnh thêm ruộng làm tới chạng vạng tối. Làm quá sức nhưng ăn uống kham khổ nên đã có lần chị xỉu giữa ruộng vì đói và say nắng. Những ngày về trễ, không nấu cơm kịp, hai đứa con nhỏ của chị bụng đói, đợi mẹ ngủ gục.
Ở các phường trong thị xã Tân An, một năm bà con nông dân thường làm 3 vụ nên loay hoay là tới lúa chín. Do công việc ngâm mình trong nước thường xuyên nên đa phần phụ nữ làm nghề gặt lúa đều bị bệnh phụ khoa, nhiễm nấm, nổi rạ, tay chân sưng vù, bị lột da, chiều nào đi làm về cũng phải bôi thuốc. Nghỉ một đêm lại lội ruộng tiếp, da không liền kịp. Chị Kiều nói: “Lúc trước, chưa có máy phóng, thợ cắt phải bao luôn đập lúa bằng bồ, rất cực. Nhiều chủ ruộng thương, nấu khoai, xôi, chè cho ăn giữa bữa còn đỡ. Giờ tục lệ này không còn, có khi khát quá tui húp đại nước đìa. Có lúc đi cắt ruộng bị ngập nước quá sâu, đỉa chui vô ống quần, sợ nhưng cắn răng làm. Rồi khi gặp thời tiết thất thường, đang nắng chợt mưa, về nhà cảm lạnh dậy không nổi, ham cắt một ngày, uống thuốc cả tuần”.
Bà Đặng Thị Thuần, một chủ đất ở Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, kể: “Miệt Vĩnh Hưng, Tân Thạnh thường làm 2 vụ/năm. Tới mùa lúa chín, xe cộ, xuồng ghe của thợ gặt qua lại dập dìu. Có gia đình hơn 10 năm gặp lại, tôi thấy cũng nghèo như vậy, khác chăng là có thêm nhân khẩu, cái ghe lên đời một chút nhưng chật hơn. Lúc trước, những cánh đồng bạt ngàn ở đây là nơi sinh sống của thợ gặt, còn bây giờ máy gặt đập liên hợp sẻ bớt phần ăn, họ phải đi nhiều và xa hơn, bấp bênh lắm. Có người nghèo quá cầm cố ruộng đất, trở thành người làm thuê trên chính mảnh ruộng của mình. Nhiều gia đình sống rày đây mai đó nên con cái thất học hết, tội lắm”.
Đi theo đội quân cắt lúa lúc nào cũng có vài người mót lúa, chủ yếu là người già và trẻ em. Bà Nguyễn Thị Huyền, 81 tuổi, một trong những thợ cắt kỳ cựu của phường Tân Khánh. 10 năm nay, do không còn sức khỏe, bà chuyển sang nghề mót lúa đổi gạo. Ở khu vực này, có hàng chục người lớn tuổi sinh sống bằng nghề mót lúa như bà Huyền. Không ít trẻ em cũng tận dụng cơ hội này kiếm tiền đi học. Như em Nguyễn Thanh Phúc, đang học lớp 5 Trường Tiểu học Khánh Hậu, khoe nhờ mót lúa, bắt cá cạn trong vụ này mà em sắm được bộ sách mới, nuôi được bầy vịt 10 con. Phúc cười khoe răng sún: “Trong xóm con nhiều bạn ra đồng làm giống con lắm, vừa vui vừa có tiền”.
Anh Nguyễn Văn Vũ, một “trùm” cung cấp nhân công cắt lúa cho các chủ ruộng ở phường Tân Khánh, kể: “Lúc trước, một nhân công cắt lúa chỉ có giá 20.000 đồng, nay lên 45.000 đồng/công, trung bình một công ruộng cần 3 nhân công cắt. Giá lên, tưởng người ta đổ xô đi làm nhưng độ rày lúc nào cũng thiếu nhân công vì thanh niên ra thị xã làm xí nghiệp hết rồi, đội của tôi bây giờ ông bà già nhiều hơn trai tráng. Nhiều lúc, lúa chín phải đợi người, nằm ngã la liệt, chủ ruộng phải chạy vạy năn nỉ công cắt”. Ngày xưa, trong tay “trùm” Vũ có cả mấy trăm công cắt, giờ chỉ còn hơn 30 người. Nhiều vụ không đủ người, anh Vũ phải đi mượn nhân công của “trùm” ở những nơi khác. Không ít chủ ruộng ngán cảnh đợi chờ nhân công đã chuyển hẳn sang mướn máy cắt cho nhanh, tiết kiệm được cả trăm ngàn đồng một công đất. Nghe anh Vũ nói chuyện, chị Kiều chép miệng thở dài: “Cứ đà này, mai mốt máy làm thay hết, tụi tui thất nghiệp nữa rồi!”. Bóng chị Kiều đổ dài chênh vênh trên bờ ruộng lúc chiều tà, nhìn buồn như cuộc đời của những người thợ gặt giúp người ta thu hoạch mùa màng, nhưng hiếm khi có được bữa cơm no đủ trong nhà.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH