03/02/2016 - 21:17

Ngành nông nghiệp ĐBSCL

Đổi mới tư duy sản xuất để thích ứng TPP

ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, là vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Việc gia nhập "sân chơi" Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang đến cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, nhưng cũng đầy thách thức cho doanh nghiệp và người nông dân. Do vậy, tìm định hướng phát triển ngành nông nghiệp ĐBSCL khi TPP được thực thi là vấn đề đã và đang được các nhà quản lý, khoa học đặc biệt quan tâm…

Chưa phát huy thế mạnh

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong 3 năm qua, ĐBSCL đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra diện mạo mới của vùng, nhất là những thành tựu trong sản xuất nông, thủy sản, xây dựng nông thôn mới. Nông dân ĐBSCL ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Mô hình cánh đồng lớn đạt được thành công bước đầu rất quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, gắn sản xuất với thị trường, nông dân, nhà khoa học với doanh nghiệp. Xây dựng nông thôn mới bước đầu tạo ra diện mạo mới với 19 tiêu chí quốc gia, tạo ra không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, vùng ĐBSCL cũng còn nhiều tồn tại, yếu kém trong nông nghiệp và đứng trước nhiều thách thức trong phát triển và hội nhập, cạnh tranh. Đó là, tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được đầu tư, khai thác đúng mức, đúng tầm; kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định và có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập, môi trường ngày càng ô nhiễm. ĐBSCL có xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp truyền thống, mức đầu tư cho vùng còn thấp, đặc biệt là vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp so với tổng đầu tư toàn xã hội. Công nghệ chế biến còn khá lạc hậu, giá thành nông sản còn cao, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất còn thấp; tỷ lệ hao hụt, thất thoát sau thu hoạch còn lớn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách trong nông nghiệp còn bất cập đã ảnh hưởng đến sức hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực này…

Những năm gần đây, ĐBSCL từng bước triển khai cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Ngoài ra, một số vấn đề về các rào cản kỹ thuật cho các sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL cần lưu ý. Đó là, bao gói, nhãn mác; dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu, phân bón, kim loại nặng) tối đa trong sản phẩm; sản phẩm biến đổi gen, chiếu xạ; về tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, truy nguyên nguồn gốc; kiểm tra và giám sát quá trình sản xuất, canh tác, môi trường tại Việt Nam. Đây là những vấn đề cần khai thông để đưa nông sản ĐBSCL có sức mạnh cạnh tranh với các nước trong TPP.

Đổi mới tư duy sản xuất

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học "Ngành nông nghiệp ĐBSCL nên làm gì khi TPP được thực thi" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn – Trường Đại học An Giang vừa tổ chức, các nhà quản lý, khoa học có nhiều ý kiến đóng góp để ngành nông nghiệp khu vực ĐBSCL thích ứng khi TPP thực thi. Đa phần các ý kiến cho rằng: Điểm yếu từ nội tại và thách thức trước bối cảnh hội nhập sâu rộng đang đặt ra cho ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL yêu cầu cấp thiết và mang tính tất yếu là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết vùng hiệu quả và thực chất. Trong đó, đổi mới tư duy sản xuất của người nông dân trong xu thế hội nhập là yếu tố hàng đầu.

Trong sản xuất lúa gạo, người nông dân chủ yếu sản xuất lúa cao sản 2 vụ hoặc 3 vụ, sử dụng phân thuốc mức độ cao. Do vậy, dù xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng gạo Việt Nam chưa có thương hiệu vững trên thị trường thế giới. Chia sẻ về những mô hình trồng lúa tiên tiến, TS Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn, Trường Đại học An Giang, cho biết: Nông dân Úc trồng lúa theo mô hình đầu tư lớn, diện tích đất rộng, nông dân là chủ doanh nghiệp; trong sản xuất lúa mức độ đầu tư và cơ giới hóa cao, sử dụng lao động trực tiếp rất ít. Tại Úc, sử dụng nước phải trả phí. Vì vậy, quyết định trồng lúa của nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài nguyên nước. Do đó, nông dân sử dụng tối ưu hóa lượng nước, phân bón nhưng vẫn đạt năng suất cao. Gạo tiêu dùng trong nước chiếm 20%, còn lại là xuất khẩu. Mô hình trồng lúa Saga ở Nhật Bản ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chế biến lúa gạo. Nông dân là thành viên của tổ/nhóm cộng đồng và cũng là tổ/nhóm sản xuất và hợp tác xã. Đây là điểm sơ chế, tiêu thụ 99-100% sản phẩm của nông dân. Nông dân hưởng lợi 2 lần khi tham gia sản xuất. Đó là: bán tại điểm sơ chế của hợp tác x㠖 lãi lần 1. Sau dòng đời kinh doanh 2 năm, hợp tác xã hạch toán và phân chia lãi lần 2. Bên cạnh đó, nông dân ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu thị trường và kỹ thuật, mua bán nông sản. Nông dân tham gia xây dựng bản đồ đất đai, lịch sử canh tác trên Internet. Qua những mô hình trên, người nông dân, doanh nghiệp và nhà quản lý xem xét nghiên cứu ứng dụng những điểm có thể trong sản xuất lúa cho khu vực ĐBSCL.

Lâu nay, nông dân Việt Nam chỉ chú tâm sản xuất, chưa quan tâm đến thị trường, vì thế mới có câu chuyện nông dân "được mùa là rớt giá". Do đó, để ngành nông nghiệp tận dụng được cơ hội từ hội nhập phải xây dựng lộ trình phát triển một cách bài bản, cần có tư duy đổi mới, cải cách khâu phân phối, tăng tính liên kết giữa nhà nông – doanh nghiệp để khơi thông đầu ra cho nông nghiệp. Bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang, cho rằng: Việc sản xuất nông sản vẫn chưa được xác định theo nguồn cung hoặc cầu, dẫn đến sản xuất tràn lan không theo nhu cầu thị trường. Trên thực tế, các doanh nghiệp hiện nay khi xác định sản phẩm bán ở đâu, thị trường nào, từ đó tổ chức lại sản xuất đáp ứng nhu cầu. Qua thực tiễn có nhiều doanh nghiệp điển hình thành công trong tổ chức chuỗi giá trị từ nhu cầu thị trường. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp có bộ máy quản trị có năng lực, trình độ tốt mới thành công. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ĐBSCL chiếm khoảng 96%. Do đó, để xây dựng chuỗi giá trị nông sản thành công không chỉ cần tăng sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp mà còn cần trợ lực lớn từ nhà nước…

Bài, ảnh: T. TRINH

TPP gồm 12 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương. Thỏa thuận kinh tế nhằm giảm thiểu rào cản thương mại (thuế quan); thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Đồng thời, nâng cao sáng tạo, hiệu quả và cạnh tranh; nâng cao mức sống cho người dân. Giáo sư Scott Murray, Đại học Canberra (Úc), cho biết: Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, khi TPP được thực thi, đến năm 2030, GDP của Việt Nam có thể tăng đến10%. Điều này cho thấy, TPP là cơ hội lớn cho Việt Nam. ĐBSCL có lợi thế về vùng nguyên liệu và nguồn lao động. Đây sẽ là cơ hội tốt cho vùng phát huy thế mạnh khi gia nhập TPP.

Chia sẻ bài viết