14/10/2009 - 20:48

Đổi đời từ trồng dưa hấu

Anh chị Nguyễn Hữu Phước và Nguyễn Thị Hồng Trang hạnh phúc bên các con.

Tuy gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vợ chồng Nguyễn Hữu Phước và Nguyễn Thị Hồng Trang (tuổi ngoài 30) không hề chùn bước. Với ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm cao, họ đã phấn đấu vươn lên làm giàu từ mấy công rẫy.

Ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Hữu Phước và Nguyễn Thị Hồng Trang tuy nhỏ nhắn, kiểu dáng giản dị nhưng bên trong đầy đủ tiện nghi, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Chị Trang vừa chuẩn bị bữa cơm cho gia đình vừa trò chuyện cùng tôi. Chị nói: “3 đứa con của tôi: Nguyễn Hữu Nghĩa và cặp sinh đôi Nguyễn Thị Hồng Tươi và Nguyễn Thị Hồng Thắm đều rất ngoan, yêu thích văn nghệ. Hiện, Hữu Nghĩa đang học lớp 7, còn Hồng Tươi, Hồng Thắm đang học lớp lá”. Chúng tôi đang trò chuyện thì nghe tiếng xe dừng trước nhà, anh Phước vừa chở hai bé song sinh Hồng Tươi và Hồng Thắm đi học về tới. Chào hỏi mọi người xong, hai cô bé song sinh nũng nịu, đòi anh Hai Hữu Nghĩa xẻ dưa hấu cho ăn. Không khí sinh hoạt gia đình của anh Phước, chị Trang thật ấm cúng, rộn rã tiếng cười nói của 3 đứa trẻ. Chị Trang cho biết: “Từ khi lập gia đình đến nay, tôi luôn thấy hạnh phúc bên chồng con. 4 năm qua, gia đình tôi trở nên khá giả là nhờ trồng dưa hấu. Hằng năm, gia đình chúng tôi thu lợi nhuận từ trồng dưa hấu vài chục triệu đồng”.

Ít ai biết được rằng để có được cuộc sống như ngày hôm nay, hai vợ chồng Hữu Phước, Hồng Trang đã trải qua rất nhiều gian khó. Hai vợ chồng chị Trang cưới nhau được hai năm, thì bé Hữu Nghĩa ra đời. Cha mẹ chồng cho ra riêng, với tài sản chỉ là một căn chòi lá lụp xụp. Mỗi ngày, hai vợ chồng thay phiên nhau giữ con, để có thể đi làm mướn: cắt lúa, làm cỏ bờ... 1 ngày được 14.000 đồng/người. Nhưng bé Hữu Nghĩa thường nay yếu mai đau, tích lũy được bao nhiêu tiền đều dồn vào việc trị bệnh cho con. Nhìn cảnh con thường xuyên ốm đau, còn vợ chồng chị không nghề nghiệp chỉ làm thuê, làm mướn không được bao nhiêu tiền, khiến chị Trang nhiều đêm khóc thầm. Nhiều khi con khóc đòi ăn quà bánh mà trong túi hai vợ chồng không có đến 200 đồng để mua bánh cho con. Năm 1998, suy đi tính lại, cuối cùng chị Trang bàn với anh Phước bán đi đôi bông cưới để có vốn làm ăn. Chị Trang tâm sự: “Người con gái khi có chồng, đôi bông cưới là quan trọng, là kỷ vật cả đời người, ai cũng ráng hết sức giữ gìn để cho lại con cái mình sau này, minh chứng về sự thủy chung son sắt của cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững. Nhưng đứng trước sự túng quẫn của gia đình, không lẽ tôi cứ giữ mãi đôi bông cưới để cả gia đình cùng đói khổ hay sao?”. Nghe vợ bàn việc bán đôi bông cưới, anh Phước rất đau lòng, phản đối quyết liệt, nhưng trước sự quả quyết của vợ, cuối cùng anh cũng đồng tình. Đôi bông cưới của chị Trang bán được 440.000 đồng, chị sắm sửa trong gia đình hết 220.000 đồng. Mượn chiếc ghe máy của cha mẹ chồng cùng tiền bán bông cưới còn 220.000 đồng, hai vợ chồng chị Trang bắt đầu đi mua bán trái cây trên sông.

Do từ nhỏ chị Trang đã theo cha mẹ đi buôn bán trái cây trên sông nước nên chị rất nhanh nhẹn, chỉ cần nhìn thấy vườn trái cây: cam, xoài, cóc, ổi, bưởi, dâu... là chị Trang có thể ước đoán con số thu hoạch rồi quy ra thành tiền để ngã giá với chủ vườn. Và khi hợp đồng mua trái cây tại vườn, anh chị không thuê nhân công hay để chủ vườn bẻ mà tự mình bẻ trái cây, vì như thế mới có lời. Hai vợ chồng chị Trang thường mua trái cây ở Phong Điền, Bình Thủy... sau đó đem ra chợ nổi Cái Răng bán lại cho thương lái, mỗi ngày lời được khoảng hơn 100.000 đồng. Tích cóp dần, hai vợ chồng cũng mua được chiếc ghe máy mới trả lại ghe máy lại cho cha mẹ chồng. Đến năm 2002, anh Phước và chị Trang đã cất được căn nhà tường rộng 4 mét, dài 15 mét. Sau khi nhà cửa ổn định, chị Trang sinh đôi bé Hồng Tươi và Hồng Thắm, cuộc sống gia đình lại bắt đầu khó khăn. Anh Phước phải làm việc cật lực hơn.

Thương chị Trang và anh Phước luôn nỗ lực lao động kiếm sống, nên năm 2006, người em bà con của chị Trang đã khuyên anh Phước chuyển sang trồng dưa hấu. Trước đây, anh Phước vốn là thợ hàn, còn chị Trang thì quen với buôn bán, đâu biết kỹ thuật nuôi trồng gì, vì vậy nghe lời khuyên của người em, cả hai vợ chồng đều phân vân. Anh Phước thổ lộ: “Trồng lúa, vợ chồng tôi còn chưa có kinh nghiệm, huống gì việc trồng dưa hấu. Nghe nói lần đầu trồng dưa phải tốn nhiều vốn: mua màng phủ, tiền đào đất lên liếp (800.000 đồng/công)... chúng tôi lo lắm, nếu như không thành công thì coi như trắng tay, thậm chí lâm nợ. Hai vợ chồng tôi bàn bạc với nhau, cuối cùng quyết định đánh liều xem có đổi đời được hay không!”. Nói là làm liều chứ anh chị cẩn thận tìm hiểu kỹ thuật trồng dưa, đi xem các ruộng dưa của bạn bè, bà con để học hỏi, rút kinh nghiệm, đọc sách báo, xem ti-vi... Sau một thời gian, được sự hướng dẫn tận tình, cặn kẽ của nhiều người, anh Phước mướn 1 công ruộng, cộng thêm 1 công ruộng cha mẹ cho, rồi bắt tay vào trồng dưa. Lúc đầu, vợ chồng anh Phước, chị Trang chịu không ít những lời bàn ra tán vào của bà con lối xóm: “Hai đứa này liều mạng quá! Đất ruộng bỗng dưng lên liếp, bỏ vốn vô trồng dưa tốn kém nhiều, biết kết quả thế nào, coi chừng mất cả chì lẫn chày...”. Nghe mọi người bàn tán, vợ chồng chị Trang vừa buồn, vừa lo, nhưng lỡ “leo lên lưng cọp” thì phải cố gắng hết sức. May mắn đã mỉm cười với vợ chồng chị Trang, ngay vụ đầu trồng dưa, chỉ trong 2 tháng, vợ chồng chị Trang đã kiếm lời được khoảng 4 triệu đồng, họ vui mừng khôn xiết. Sau đó, vợ chồng anh Phước quyết định mướn thêm 8 công ruộng nữa để tiếp tục trồng dưa. Với 10 công dưa, anh Phước trồng 4 vụ dưa/năm. Anh không gieo giống đồng loạt 10 công, mà cứ 20 ngày gieo giống 1 lần cho 2-3 công dưa. Sau 1 năm, thấy hai vợ chồng anh Phước làm ăn có hiệu quả, bà con lối xóm bắt đầu đến nhờ hai vợ chồng anh Phước hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa. Chị Phạm Thị Mỹ Dung (cùng xóm với chị Trang) nói: “Ở khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, vợ chồng cô Trang là người đầu tiên trồng dưa hấu. Thấy gia đình cô Trang trồng dưa hiệu quả nên tôi đến nhờ hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa, vợ chồng họ tận tình chỉ dẫn. Qua 1 năm học hỏi, tôi trồng dưa đạt hiệu quả. Nhờ vậy, đời sống gia đình chúng tôi từ khó khăn, giờ đã ổn định”.

Ngoài thời gian đưa rước con đi học, cơm nước, vợ chồng anh Phước, chị Trang đều gắn chặt với ruộng dưa. Với kết quả trồng dưa thành công, vực dậy kinh tế gia đình và giúp bà con trong xóm thoát khỏi khó khăn từ trồng dưa, anh Phước được Ủy ban nhân dân phường Thường Thạnh tặng Giấy khen Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2007. Ông Trương Vĩnh Bảo, Phó khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, nhận xét: “Đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Hữu Phước và Nguyễn Thị Hồng Trang là tấm gương nông dân lao động giỏi. Họ rất năng động luôn cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống, để vươn lên làm giàu. Chính vợ chồng họ tiên phong trong việc trồng dưa hấu ở khu vực Thạnh Huề và nhờ đó giúp bà con lối xóm cùng sản xuất dưa hấu, đạt hiệu quả tốt”.

Từ chỗ thiếu thốn mọi bề, nay đôi vợ chồng trẻ Hữu Phước và Hồng Trang đã trở nên khá giả. Giờ đây, họ chỉ toàn tâm toàn ý lo cho các con ăn học thành tài. Chị Trang bày tỏ: “Chúng tôi làm lụng vất vả chỉ mong sau này các con không vất vả như cha mẹ, có công danh sự nghiệp với đời, làm rạng rỡ gia đình...”. Rõ ràng từ khốn khó, anh Phước, chị Trang đã thật năng động để tìm cách thoát nghèo và kết quả đạt được hôm nay, trước hết là sự nỗ lực lao động, học hỏi nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất. Gương nỗ lực trong lao động đạt kết quả tốt của anh Phước, chị Trang có tác dụng khích lệ nhiều nông hộ khác, cần được nhân rộng phát huy.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết