02/04/2016 - 15:15

Đôi dép mang màu của đất

 Truyện ngắn KHUê việt trường

Mỵ vẫn thường giữ lại những đồ vật đã cũ. Mỵ gọi đó là kỷ niệm. Mà kỷ niệm thì ai lại không trân trọng giữ gìn. Mỵ nhớ năm học cuối cấp, bạn bè gần như chẳng có đứa nào đủ điều kiện lên đại học. Biết rằng mình sẽ rời sân trường và lại về nhà, tiếp tục công việc của một nông dân, Mỵ bày đặt hái những chiếc lá bàng, bảo bạn bè mỗi đứa viết vài dòng lên đó như là lưu bút mà mọi người vẫn thường làm. Những chiếc lá bàng kỷ niệm ấy Mỵ bỏ vào trong một hộp thiếc. Nhưng lá bàng khô, rồi vỡ ra khiến cho những dòng lưu bút ấy không còn, cuối cùng thì Mỵ cũng phải đem đốt chúng đi.

Thuận là một thanh niên hiền lành. Khi cưới Mỵ về làm vợ, Thuận ngạc nhiên khi thấy vợ mình mang theo mấy món đồ vặt vãnh, như con búp bê đã bị mất chân, chiếc kẹp tóc hay chỉ là một đồng bạc xưa hoặc chiếc lược đã gãy mấy chiếc răng. Thuận giỏi nghề mộc, anh lượm những tấm ván cũ, hì hục bào, đục, cưa, làm cho vợ một chiếc hộp xinh xinh. Thuận nói: "Để em cất mấy món đồ kỷ niệm".

Mỵ không mơ chồng giàu, Mỵ cũng chẳng mơ ở trong căn nhà cao tầng và càng không mơ chồng mình trở thành người nổi tiếng. Với tính chân chất của một cô gái quê, Mỵ chỉ mong căn nhà nhỏ, hằng ngày vợ chồng đi làm, tối về sum vầy bên bữa cơm và cùng cười nói là đủ. Rẫy ở xa nhà dễ chừng năm cây số, buổi sáng hai vợ chồng cùng chở nhau trên chiếc xe đạp lên rẫy làm lụng. Con đường đi làm qua con suối nhỏ, suối mỗi ngày đưa nước về xuôi tạo ra những âm thanh róc rách vui tai. Con đường đi làm qua một đồng cỏ rợn xanh màu êm ái. Cỏ xanh làm lòng người cũng reo vui. Cây cối có hơi người lớn nhanh, mùa nào thức nấy. Chuối trổ những buồng trĩu trái, sầu riêng đong đưa trên cây, rồi bưởi, rồi xoài… Còn những ô đất nhỏ, Mỵ trồng rau, trồng thêm mấy vạt hoa cúc vàng để dành bán ngày rằm, mùng Một. Sự chịu thương chịu khó ấy giúp cho hai vợ chồng ổn định cuộc sống, dẫu không thể giàu có bằng người. Những giọt mồ hôi tình yêu nhỏ xuống đất, hạnh phúc tưởng đâu xa mà lại chính là được bên nhau, cùng chia nhau niềm vui trong vắt không hề lo toan bao biến động bên ngoài xã hội.

Có một lần hai vợ chồng đi phố, Mỵ mua cho chồng đôi dép. Đó là đôi dép da khá đẹp vừa vặn chân của chàng nông dân quen đi chân trần bám vào từng bờ đất đường quê. Đôi chân của Thuận cứng cáp, có lẽ anh thường xuyên đi chân trần nên bên dưới bàn chân có một lớp da rất dày, gai, đá nhọn cũng khó mà đâm thủng được. Thuận cười với Mỵ khi khoe đôi bàn chân độc đáo của mình: "Như thế là tiết kiệm cho em biết bao nhiêu đôi dép". Nói thế, nhưng khi vợ mua cho đôi dép vừa vặn đôi bàn chân, Thuận thích thú thật sự. Nó trở thành một món đồ anh giữ gìn cẩn thận nhất, chỉ mang dép khi có dịp đi ăn tiệc, đi chơi hay đi ra phố… Còn khi lên rẫy thì vẫn thói quen đi chân trần.

*

* *

Thuận bỏ quê lên phố. Tiếng gọi của phố có gì hấp dẫn khiến người ta cứ bỏ làng mà đi? Nghĩ lại cũng đúng thôi! Những thửa ruộng, mảnh vườn, những chuối, ổi, mít… giờ đã trở thành khu vực quy hoạch của hồ thủy điện. Từ đầu đến cuối xóm, loa điện vang vọng: "Mời bà con đến Trường tiểu học để họp thông báo việc đền bù giải tỏa. A lô, a lô…". Cũng đi họp, tụm năm tụm ba trong phòng hoặc ngoài sân, nghe, bàn tán những thông tin về lợi ích dân sinh vừa được thông báo… Tóm lại là họ chỉ biết rằng mình sẽ không còn rẫy để lên. Vả lại đất rẫy là đất lấn chiếm, là tự ý phá rừng trồng trọt, theo thói quen từ mấy đời truyền lại. Bây giờ yêu cầu trình giấy tờ chủ quyền để tính đền bù, mọi người đều ngơ ngác… Rồi chấp thuận nhận một số tiền đền bù hoa màu… Vậy là hết cảnh vợ chồng chở nhau trên chiếc xe đạp đi qua con suối rộn ràng nước chảy, qua cánh đồng cỏ xanh đến nao lòng.

 

Trở mình là giấc ngủ đầy mộng mị. Mưa rơi xuống là biết lại một mùa qua. Không còn rẫy, trai làng rủ nhau lên phố, gái làng ở lại bám víu những nghề vặt vãnh đợi chồng. Những khi con đường bụi đỏ tung trời là có người ở phố về, tíu tít đến nhà hỏi thăm câu chuyện làm ăn. Nhưng bụi đỏ tung mãi mà ba năm rồi Thuận vẫn biệt xa. Nỗi nhớ thương giày vò lòng Mỵ. Đêm nằm trong mái nhà tranh, trở mình nghe tiếng gió xé từng tàu lá chuối hay tiếng dế tìm nhau, lòng Mỵ cồn cào đến lạ.

Thuận đi ra phố, Thuận để lại đôi dép Mỵ mua năm nào. Đôi dép vẫn còn dính màu đất đỏ ấy được Mỵ để ngay dưới chân giường. Thỉnh thoảng Thuận viết thư về, lá thư đi qua bao nhiêu trạm, đến ông bưu tá xã, ông bỏ thư trong chiếc túi xách bằng vải ka ki màu xám bên chiếc xe đạp rất cũ, ông bấm chuông kêu keng keng trước nhà, giọng ông khản như gió lạc vào rừng: "Cô Mỵ có thư". Thư chỉ là lời hẹn Thuận sẽ thu xếp để đưa Mỵ lên phố, đủ hiểu anh vẫn chưa ổn định việc làm. Mỵ chẳng biết chồng mình đang làm việc gì trong lòng thành phố ồn ào và xa lạ kia.

Mỗi lần nhìn đôi dép bám đầy đất đỏ, Mỵ lại nhớ chồng.

*

* *

Rồi Mỵ cũng khăn gói lên đường, tìm đến phố. Mỵ ghi địa chỉ nơi ở của Thuận cẩn thận trong một tờ giấy như sợ đánh rơi, Mỵ sẽ lạc anh trong con phố rộng thênh thang ấy. Mỵ còn kho thêm nồi cá đồng như sợ chồng không có gì ăn. Mỵ còn nấu xôi đậu đem theo.

Chuyến xe đò chen kịt người chạy rề rề đón khách khiến Mỵ mệt mỏi. Một người đàn ông lên xe giữa đường nồng nặc mùi rượu cứ huyên thuyên nói… Bến xe như thức tỉnh khi có một chuyến xe vừa cập bến. Người chưa kịp xuống xe, cánh hàng rong đã níu ngay thành cửa mời chào. Cánh xe ôm, taxi đã gọi với mời khách.

Mỵ lách ra khỏi đám đông mời chào đó, ôm chặt chiếc túi hành lý trong lòng. Mỵ bước tới hàng ghế đá trong bến xe dành cho khách nghỉ chân. Mỵ ngồi xuống, lấy chai nước đun sôi để nguội mang theo từ nhà, uống một hơi dài. Vừa lúc ấy một tiếng nói quen vang lên: "Cô ơi, cô về đâu, tôi chở?".

Mỵ ngước mặt nhìn lên. Thuận!

Thuận sững người nhìn vợ. Còn Mỵ thì đánh rơi chai nước đang uống dở, đôi mắt Mỵ chạm vào đôi chân của chồng. Chân Thuận đã mang một đôi dép khác. Đôi dép ấy không mang màu của đất!

Chia sẻ bài viết