15/07/2024 - 15:49

Đọc “Đom đóm quê nhà” Văn mà cũng rất thơ 

"Gió rạo rực một nỗi niềm không sao tả xiết. Ðêm nằm trong nhà mà tưởng như đang nằm dưới bóng trăng giữa một đất trời cao rộng mà nghe tiếng gió dào dạt chạy dài theo từng vạt cỏ tranh, giồng cát lạnh lẽo, cố hít hà mùi hương của bụi cúc dại loáng thoáng đâu đó, tiếng con cúm núm u hoài, dòng sông phía trước mơ hồ như tan chảy, cái ánh sáng nhạt nhòa của những vì sao trên trời kia tự nhiên chợt biến đâu mất...".

Tập tản văn “Đom đóm quê nhà”. 

Ðó là những câu văn đề từ tản văn "Ði qua mùa gió" mở đầu tuyển tập tản văn "Ðom đóm quê nhà" của nhà thơ Nguyễn An Bình (NXB Hội Nhà văn). Một đoạn văn tả cảnh, tả tình nhưng đầy chất thơ, lãng mạn. Nguyễn An Bình vốn là một nhà thơ kỳ cựu, từng ra mắt hàng chục tập thơ và rất nhiều nhạc sĩ chọn thơ ông để phổ nhạc. Thỉnh thoảng, ông có viết truyện ngắn, tản văn nhưng không nhiều. Nhưng đọc văn Nguyễn An Bình, người đọc vẫn cảm nhận được trong từng câu văn đượm chất thơ và một tâm hồn rất thơ. "Ðom đóm quê nhà" cho thấy điều đó.

Gần 30 tản văn trong tuyển tập này, đó là những ký ức từ cảm xúc. Có những ký ức đã xa như "Ðom đóm quê nhà", "Nhớ tiếng quết bánh phồng ngày Tết", "Thương hoài mùa cá ra sông"… Cách dẫn dắt câu chuyện trong mỗi tản văn của nhà thơ Nguyễn An Bình rất mượt mà và đầy sức cuốn hút. Ðưa người đọc vào không khí của đêm quê quết bánh phồng ăn Tết, ông viết: "Khi ngọn chướng bắt đầu chẻ ngọn đón luồng chướng non từ biển thổi vào, đất bắt đầu khô ráo se lạnh báo hiệu cái Tết đang đến gần. Tôi ngồi lắng nghe miền ký ức gọi về, thứ âm thanh của tiếng quết bánh phồng đều đặn giữa đêm khuya gợi nhớ về tuổi ấu thơ êm đềm bên dòng sông quê ngoại". Rồi từ đó, một không khí thôn quê đầm ấm, nơi có tình thân, tình người và sự đầm ấm quê hương dìu dặt trong từng con chữ, sóng sánh trong lòng người đọc.

Còn lại trong tuyển tập, là những ký ức chưa xa. Nỗi niềm đi qua những mùa lau trắng, một ngày mưa xối xả không gian, trái cà na thơm lừng mùa nước nổi… được phác họa thành một bức tranh nhiều màu sắc. Riêng với người viết, những câu chuyện mới mẻ, mang tính hiện đại "4.0" trong tuyển tập này rất thú vị. Ðọc "Chúng ta quen và quên nhau từ Facebook", câu chuyện giữa "tôi" - một nhà thơ và "em" - một cô giáo ở miền cao nguyên yêu văn chương và mối duyên từ Facebook. Quen nhau rồi quên nhau trên Facebook nhưng trong lòng, dễ gì quên được: "Một ngày nào đó, tình cờ tôi và em có gặp lại nhau trong cuộc sống này, hãy nhìn nhau mỉm cười trước khi đi ngang qua nhau, như thế được không em?". Nhà thơ Nguyễn An Bình vẫn giữ được lối viết trẻ trung và cả những suy nghĩ rất trẻ. Trong "Ði phượt ngày Tết", tác giả không chỉ mang đến cho người đọc những kinh nghiệm về chuyện đi phượt ngày Tết mà còn có những suy nghĩ rất hay về người trẻ hiện đại. Hay với "Khi tình yêu vơi cạn lại đầy", ông viết: "Cuộc sống như một dòng sông khi vơi khi đầy, có lúc cạn kiệt trơ đáy có lúc nước vỗ tràn bờ. Cuộc đời của mỗi con người chúng ta cũng thế. Dòng sông cuộc đời do hoàn cảnh có lúc cạn kiệt mới thúc đẩy mây trời tụ tán gieo cơn mưa lành lên trên vùng đất khô cằn hạn hán ấy...".

Văn của tác giả Nguyễn An Bình bình dị nhưng đằm sâu nhiều triết lý, được thể hiện bằng vẻ đẹp cảm xúc và ngôn từ. Văn mà đậm chất thơ, lại đậm chất đời, có thể cảm nhận về "Ðom đón quê nhà như thế". Xin kết thúc bài viết bằng một câu văn như thế của tác giả Nguyễn An Bình trong tản văn "Khi tình yêu vơi cạn lại đầy": "Ðiều đầu tiên trong việc trong việc kiếm tìm tình yêu thật sự và sự bình yên trong tâm hồn là bạn phải biết tự yêu lấy bản thân mình và không bao giờ làm tổn thương
người khác".

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết