18/03/2021 - 09:13

Độc đáo nghề dỡ chà bắt cá 

Thời điểm này đi dọc các tuyến kênh ở huyện Giồng Riềng, rất dễ gặp hình ảnh người dân dỡ chà bắt cá trên kênh. Mặc dù ngày nay cá không còn nhiều như trước, nhưng nhiều gia đình tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang vẫn giữ nghề chất chà bắt cá truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Trung (người bắt cá) và những người đi cùng đang phân loại cá vừa dỡ được tại một đống chà ở ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng).

Ông Nguyễn Văn Trung (người bắt cá) và những người đi cùng đang phân loại cá vừa dỡ được tại một đống chà ở ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng).

Theo chân ông Nguyễn Văn Trung (58 tuổi), người có hơn 40 năm trong nghề dỡ chà ngụ tại khu phố 4, thị trấn Giồng Riềng, chúng tôi di chuyển bằng chiếc vỏ lãi trên kênh xáng Thạnh Hòa rồi rẽ vào kênh Giồng Đá, xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng), nơi có một đống chà đầy ắp lục bình, bên cạnh là chiếc ghe đục của ông Trung. Đống chà này ông Trung dỡ ăn chia với chủ nhà. Từ 6 giờ sáng, ông Trung đã cùng 3 người chuyên hành nghề dỡ chà đã có mặt tại kênh Giồng Đá để bắt tay vào công việc. Đống chà khá to nên phải mất hơn 30 phút, ông Trung và những người đi cùng mới dùng lưới bao xong đống chà, có người phải lặn sâu xuống để cài mép lưới để giữ cá khỏi thoát ra ngoài. Khi bao lưới xong, mọi người phân công nhau, kẻ nhổ cọc, tháo rượng, người dỡ chà và thu hẹp dần vòng lưới lại để gom bắt cá. Từng nhánh chà được người tham gia lặn rút lên và chuyền tay nhau đưa ra ngoài lưới. Thường dỡ xong đống chà phải mất 7-8 giờ đồng hồ, vì vậy người dỡ phải chịu lạnh giỏi.

Theo ông Trung, trước đây nguồn lợi cá tôm còn nhiều nên mỗi tháng dỡ chà một lần. Khoảng 10 năm trở lại đây, cá tôm ít hơn nên phải 3-4 tháng mới có cá thu hoạch. Thời điểm dỡ chà thích hợp là từ tháng Chạp đến tháng 4 âm lịch. Mùa nào cá đó, cá dỡ chà thường có những loại như cá trê trắng, cá chốt, cá sặc, cá tra… Thông thường chất được đống chà ven trên sông, kênh, rạch phải rộng từ 30-50m2, người dân dùng nhiều loại nhánh cây như trâm bầu, xoài, tre, mít, dâu, ổi… Bình quân một đống chà dỡ được 4 lần/năm, mỗi lần có thể bắt từ vài chục đến vài trăm ký cá các loại, tùy theo mùa. 

Nghỉ trưa ăn vội bữa cơm trên chiếc ghe đục giữa chòng chành sóng nước, ông Trung và những người đi cùng nhanh chóng trở lại công việc dỡ chà. Ông Trương Văn Minh, ngụ khu phố 4, thị trấn Giồng Riềng, người tham gia dỡ chà cùng ông Trung sau khi lặn sâu dưới nước để dọn sạch mớ chà còn lại dưới đáy đã ngoi lên khỏi mặt nước, trên tay ông là con cá mè vinh khá to ông vừa bắt được. Thành quả sau 7 tiếng hết ngâm mình dưới nước lại phơi nắng vất vả là mẻ cá hơn 70kg với đủ loại gồm cá chốt, cá trê trắng, cá tra, lóc, sặc… Anh Huỳnh Văn Tuấn (38 tuổi), ngụ ấp Xẻo Mây, xã Thạnh Hòa (huyện Giồng Riềng), người tham gia dỡ chà cùng ông Trung, nói: “Trước đây cá nhiều, mỗi đợt cũng kiếm vài trăm ký, giờ thì chỉ vài chục ký. Để giữ cá còn sống và bán được giá, chiếc ghe dùng di dỡ chà là loại ghe có đục nhiều lỗ bên mạn để nước có thể ra vào. Cá sau khi được phân loại sẽ được đổ xuống đáy ghe và chở đem bán”.

Mặc dù công việc dỡ chà vất vả, gặp những hôm sương mù gió lạnh, nhiều người phải cởi áo, uống rượu hoặc nước mắm biển trước khi xuống nước cho đỡ lạnh nhưng họ ít khi nào nhận thù lao bằng tiền mà chỉ nhận cá mang về.  Ông Trung nói: “Cá sau khi chia với chủ còn lại sẽ được bán và chia tiền cho những người đi cùng. Hôm nào trúng thì được 300.000-500.000 đồng/người, thất thì lỗ vốn chuyến đi vì cá ít. Nghề này cực nhưng vì mê mà chúng tôi cứ đeo hoài”.

Bài, ảnh: ĐẶNG LINH

Chia sẻ bài viết