17/03/2020 - 07:40

Doanh nghiệp tái cơ cấu để vượt qua dịch COVID-19 

Trong các cuộc họp với bộ, ngành bàn phương án hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ khẳng định hỗ trợ không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến DN, không có cơ chế xin-cho, phải minh bạch.

Điểm tựa cho doanh nghiệp

DN cần chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Southvina.

Dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội, nhiều DN bị gián đoạn sản xuất, gãy chuỗi cung ứng, nhất là các ngành hàng phụ thuộc nguyên phụ liệu bên ngoài. Điều này kéo theo hàng loạt hệ lụy: doanh thu sụt giảm, nguy cơ phá sản, lao động thất nghiệp, thu ngân sách nhà nước gặp khó… Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội thật sự là bài toán khó, đầy thử thách. Ngày 4-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Với tinh thần này, các bộ, ngành đã “bung phao” cứu DN bằng các chính sách cụ thể như: giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi vay, giãn thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội…  

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01 quy định về tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thông tư có hiệu lực từ ngày 13-3-2020. Bước đầu, các TCTD đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ 21.753 tỉ đồng; miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính đề xuất thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7) và tiền thuê đất cho các DN, hộ kinh doanh, cá nhân, tổ chức… bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, ước tổng hai khoản này khoảng 30.000 tỉ đồng. Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các cơ quan liên qua để hoàn trình Chính phủ; dự kiến Nghị định có hiệu lực ngay khi Chính phủ ban hành. Các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… cũng đã có các chỉ đạo cụ thể trong việc hỗ trợ DN. 

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho biết: “Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11, chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng tùy theo nhiệm vụ của mình mà có hành động cụ thể và nhanh chóng. Công khai chính sách hỗ trợ, đối tượng và điều kiện để DN được biết. Hiện nay DN đang tự cứu mình”. Theo bà Mỹ Thuận, trong một khảo sát nhanh của CBA với hội viên về sức chịu đựng của DN trong đại dịch COVID-19, đa phần trả lời là có thể chịu đựng được từ 3 tháng (số nhiều) đến 5 tháng (số ít). Các công ty thành lập nhiều năm và có hoạt động ổn định thì vẫn duy trì được hoạt động nhưng phải cơ cấu tổ chức lại. Trong tình hình khó khăn hầu hết DN đều phải tổ chức lại bộ máy, soát xét lại công tác tổ chức quản lý kinh doanh. Nhân sự là yếu tố đầu tiên: tinh gọn và chú trọng đến hiệu quả cao nhất mà người lao động có thể đóng góp cho DN. Đồng thời để bảo vệ nguồn nhân lực được an toàn, hầu hết DN đều thực hiện công tác phòng chống dịch tại nơi làm việc.

Phương án của doanh nghiệp

Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, sản xuất và kinh doanh bị tác động trực tiếp, DN nào cũng có phương án riêng của mình để tồn tại và cố gắng duy trì hoạt động. “Bản thân DN đã chuẩn bị hết mức, hết công suất, tự mình cứu mình là chính. Những hỗ trợ gì có từ Nhà nước sẽ tạo thêm thuận lợi cho DN để tồn tại và tiếp tục sứ mệnh của mình đối với nền kinh tế của địa phương và của đất nước”- bà Thuận khẳng định. Lãnh đạo NHNN cũng cho biết sẽ giảm lãi suất điều hành gồm: lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu... để giúp các ngân hàng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ DN. Vốn sản xuất là nguồn lực rất quan trọng đối với DN thời điểm này, nhiều DN đã “chạm” được chính sách của các nhà băng. Song, vẫn còn băn khoăn với các chính sách hỗ trợ khác.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty Cổ phần May Meko (Khu Công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ), cho biết: “Ngân hàng có giảm lãi suất 0,5% cho công ty. Còn xin giảm thuế, thuê đất, bảo hiểm xã hội thì thấy nhiêu khê quá. Ngành chức năng yêu cầu DN phải chứng minh cụ thể thiệt hại, chứ không nói chung chung được. Hiện công ty đã có nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động nhưng sẽ về trễ. Các cảng Sơn Đông, Thượng Hải, Hạ Môn (Trung Quốc) đã có hàng xuất cho Meko nhưng công nhân Trung Quốc đi làm trễ, dẫn đến nguyên phụ liệu về trễ”. Theo ông Gia, hiện nay công ty chỉ hoạt động 5 ngày/tuần, giảm 1 ngày so với trước khi có dịch, do nguyên phụ liệu và xuất khẩu chưa lưu thông. Thị trường của công ty Nhật Bản chiếm 70%, EU 25%, Mỹ 5%. Công ty có 1.300 công nhân nên chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ tạo động lực rất lớn cho DN thời điểm này.  

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam (Southvina), Khu Công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, cho biết: “Với DN chúng tôi, Chỉ thị 11 của Thủ tướng và ngay sau đó Bộ Tài chính có dự thảo Nghị định để gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là một tin vui. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với cộng đồng DN trong đó có DN chúng tôi trong giai đoạn khó khăn này. Đó là sự động viên lớn đối với DN để vững tay chèo trong giai đoạn khó khăn. Chúng tôi mong phía Bộ Tài chính sớm hoàn chỉnh để chính thức trình Thủ tướng Chính phủ ban hành sớm và đi ngay vào cuộc sống. Qua đó kịp thời hỗ trợ những DN đang chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19”.

Theo ông Quang, ngoài thuế và tiền thuê đất, có vấn đề mà DN mong được xem xét và có hướng gỡ ngay. Đó là vấn đề nguồn vốn và lãi suất. “Vừa qua đã có ngân hàng điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng. Tôi có trao đổi thì được biết là thực hiện theo chỉ đạo từ Hội sở. Tôi nghĩ trong giai đoạn khó khăn này, cần cân nhắc lại việc tăng lãi suất đối với DN, nhất là DN xuất khẩu bởi tình hình xuất khẩu đang gặp khó. Mặt khác, hiện DN xuất khẩu doanh số đang giảm và khả năng năm nay doanh số sụt, nhưng nếu ngân hàng vẫn theo thông lệ căn cứ vào doanh số xuất khẩu để chấm điểm. Điểm sụt thì hạn mức vay của DN sẽ giảm và điều này sẽ gây khó thêm cho DN trong bối cảnh khó khăn này”- ông Quang nói. Lẽ đó, DN rất mong sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đây là cách để hỗ trợ, giúp đỡ DN trong lúc thắt ngặt. l

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết