06/02/2014 - 20:36

Xây dựng thương hiệu vùng, miền ở ĐBSCL

Doanh nghiệp phải tiên phong

Những năm qua, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý…) được các doanh nghiệp (DN) và địa phương vùng ĐBSCL quan tâm. Song, đến nay ĐBSCL vẫn chưa có được những thương hiệu mạnh cho các sản phẩm nông sản chủ lực. Mới đây, tại buổi Tọa đàm “Xây dựng, phát triển thương hiệu và bảo vệ tài sản trí tuệ của các tỉnh ĐBSCL” diễn ra tại TP Cần Thơ, chiến lược xây dựng thương hiệu vùng, miền với hệ thống chính sách, giải pháp về đầu tư, liên kết, tìm thị trường… được đúc kết rằng: DN cần đi tiên phong trong thực hiện chiến lược này.

Yêu cầu cấp thiết

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, một số sản phẩm nổi tiếng của vùng ĐBSCL đã được cấp văn bằng bảo hộ, như: chỉ dẫn địa lý (nước mắm Phú Quốc-Kiên Giang, gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân- Bạc Liêu, bưởi Năm Roi Bình Minh-Vĩnh Long…), nhãn hiệu chứng nhận (gạo thơm Sóc Trăng, chợ nổi Cái Răng…), nhãn hiệu tập thể (cá rô Hậu Giang, quýt hồng Lai Vung-Đồng Tháp; kẹo dừa, bưởi da xanh, chôm chôm nhãn, măng cụt Bến Tre…), nhưng số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở ĐBSCL tăng không đáng kể và có xu hướng giảm. Năm 2012, ĐBSCL có 1.817 đơn đăng ký (chiếm 7,3% cả nước) và 1.206 số văn bằng được cấp (chiếm 7,7%). Năm 2013, ĐBSCL có 1.837 đơn đăng ký và số văn bằng được cấp là 1.204. Nguyên nhân do một số địa phương trong vùng chưa xác định cụ thể sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ cần tập trung đầu tư dẫn đến tình trạng phát triển dàn trải, thiếu chiến lược chung. Song song đó, hoạt động của các DN có xu hướng tự phát, nhỏ lẻ, thiếu tính gắn bó để xây dựng các thương hiệu mạnh.

Hầu hết các đại biểu đều nhìn nhận xây dựng, phát triển và quản lý thương hiệu là một yêu cầu tất yếu, khách quan trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao liên kết, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Song, những khó khăn về chính sách pháp lý, quy hoạch- đầu tư, khoa học công nghệ, thị trường… là bài toán khó cho DN và địa phương trong xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu. “Khâu tổ chức quản lý thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Đơn cử, thương hiệu xoài cát Hòa Lộc có cái nôi từ tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, trên thực tế, Tiền Giang không phải là địa phương trồng “độc quyền” giống xoài này. Một số địa phương trong vùng cũng trồng thành công và khi đưa ra thị tường vẫn mang tên xoài cát Hòa Lộc của Tiền Giang. Trong khi đó, chúng tôi không đủ vai trò, chức năng để quản lý giống xoài này ở các tỉnh bạn!” - ông Ngô Kỷ, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang nói.

 Nhân viên Công ty Cổ phần Gentraco giới thiệu sản phẩm gạo thơm Ngọc Đồng đến khách hàng
tại Festival Lúa gạo lần II tại tỉnh Sóc Trăng.

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: “Các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng (lúa gạo, trái cây, thủy sản) luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng hầu hết chưa có được thương hiệu mạnh. Yêu cầu xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực với đặc thù vùng, miền, chỉ dẫn địa lý gắn với các DN mạnh, uy tín đã được đặt ra thời gian qua, song đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Hiện chúng ta vẫn chưa có một chương trình thương hiệu vùng miền trong chiến lược thương hiệu quốc gia khiến nhiều sản phẩm, lợi thế vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Vì vậy, một chiến lược thương hiệu vùng miền nói chung và các loại nông sản chủ lực của ĐBSCL nói riêng đang trở thành đòi hỏi bức bách”.

DN đóng vai trò then chốt

Theo các chuyên gia đầu ngành, việc xây dựng và phát triển thương hiệu vùng ĐBSCL cần được đặt trong một chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa. Đồng thời, xác định trách nhiệm, lợi ích của từng chủ thể tham gia; những “công đoạn” quyết định, “điểm nút” đột phá để chọn lựa giải pháp, thứ tự ưu tiên trong chiến lược xây dựng thương hiệu. Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, phân tích: “Những hục hặc giữa các thành viên giữ vai trò quyết định đã làm cho các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng phải đứng trước cảnh “cạnh tranh sân nhà” và “gồng mình” trước sự lấn lướt của các đối thủ ngoại. Xây dựng và phát triển các thương hiệu vùng ĐBSCL phải bắt đầu từ DN. Bởi DN là mắt xích cuối cùng trong chuỗi đầu ra, hơn ai hết họ “biết mình, biết ta” trong cuộc cạnh tranh trên thị trường”… Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để thương hiệu nông sản chủ lực của vùng tìm được chỗ đứng nhất thiết phải tăng cường liên kết “4 nhà” để tạo chuỗi giá trị khép kín từ khâu giống, sản xuất, thu hoạch, tồn trữ, chế biến và xuất khẩu.

Theo ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp phải gắn liền vai trò của DN. Tuy nhiên, DN hiện nay không mấy mặn mà đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vì các chính sách ưu đãi cho DN đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, do thu hồi vốn chậm và mang tính rủi ro cao, nên DN ngại đầu tư. Để DN xông xáo hơn, trước hết Chính phủ phải có những chính sách ưu đãi hợp lý cho DN. Xây dựng thương hiệu vùng, miền hiện nay còn vướng “nút thắt” ở đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu kém dẫn đến công tác điều hành mang tính tự phát, cảm tính và thiếu tầm nhìn chiến lược. Vì vậy, cần quy hoạch, phân luồng đào tạo; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, cán bộ quản lý có năng lực phục vụ cho các DN, nhà sản xuất hay khu công nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực…

Ông Bùi Văn Quyền, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ nhằm phát triển sản xuất, tăng tính cạnh tranh và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của vùng ĐBSCL cần được quan tâm hơn nữa. Vì vậy, mỗi địa phương cần chú trọng công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho DN và các đơn vị liên quan trong việc chủ động xây dựng chiến lược phát triển, quản lý thương hiệu”. Theo ông Quyền, thời gian tới, theo đề nghị của các địa phương, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tăng cường đầu tư, hỗ trợ phát triển các dịch vụ cung cấp thông tin, đại diện sở hữu trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ; đề ra cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong việc bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ mang tính đại diện khu vực. Bởi thương hiệu vùng, miền như một cơ thể sống, muốn thành công, không thể chỉ dừng lại ở việc thiết kế một logo, hệ thống nhận diện thương hiệu mà phải liên tục duy trì, nuôi dưỡng thông qua các hoạt động xây dựng và quản trị thương hiệu.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết