Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) có xu hướng ứng dụng các giải pháp công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng nhà máy số, nhà máy thông minh. Tận dụng tốt các cơ hội phát triển nhà máy số sẽ giúp DN tăng năng suất, chất lượng, tối ưu hóa khả năng vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dây chuyền sản xuất tự động của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam, KCN Trà Nóc 1, TP Cần Thơ.
Xu thế tất yếu
Xây dựng nhà máy số, nhà máy thông minh, tức ứng dụng công nghệ số, quy trình thông minh mang tính đột phá vào sản xuất và quản trị, đang phát triển nhanh chóng trên thế giới, dần làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt, vượt trội. Theo ông Ðỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, thuật ngữ "nhà máy số" (digital factory) hay "nhà máy thông minh" (smart factory) được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Cùng với sự chuyển dịch của nền kinh tế số, với nhiều quốc gia, chuyển dịch các nhà máy sang nhà máy số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng. Ðối với Việt Nam, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, DN cần đẩy nhanh quá trình phát triển nhà máy số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của từng DN nói riêng. Theo ông Thịnh, một trong những lợi ích rõ ràng nhất của nhà máy số là vấn đề hiệu quả. Bằng cách loại bỏ các quy trình ra quyết định không hiệu quả của con người, nhà máy số sẽ giúp nâng cao năng suất, ít tốn nguyên liệu hơn, ít trục trặc hơn và khiến quy trình sản xuất "xanh" hơn.
Theo ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, Cần Thơ hiện có hơn 12.000 DN đang hoạt động ở rất nhiều ngành nghề và đóng góp trên 26% GRDP cả vùng ÐBSCL, TP Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết và Kế hoạch nhằm phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Cùng với xu hướng của CMCN 4.0, làn sóng các DN FDI đầu tư vào Việt Nam đang tăng cả về số lượng và chất lượng. Nguồn lao động giá rẻ đang mất dần lợi thế trong công nghiệp sản xuất do quy trình sản xuất được tự động hóa, robot hóa hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. DN cần phải có những biến chuyển lớn về công nghệ trong sản xuất để nhanh chóng làm giảm giá thành, thích ứng với môi trường kinh doanh bảo đảm phù hợp với bối cảnh phát triển mới. Trước yêu cầu ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, công nghệ số, áp dụng mô hình nhà máy số, nhà máy thông minh, DN cần tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh, tối ưu hóa khả năng vận hành.
Vạch lộ trình phù hợp
Theo ông Tatsuta Arata, Chuyên gia tư vấn điều hành cấp cao, Tập đoàn Dassault Systemes, trong quá trình triển khai nhà máy thông minh, không có giải pháp nào giải quyết được tất cả mọi việc, mỗi hệ thống được thiết kế cho một nhiệm vụ cụ thể với các tính năng phù hợp. Việc lạm dụng một hệ thống nào đó có thể dẫn đến tình trạng hệ thống không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, tiêu tốn chi phí cao hơn, triển khai lâu hơn hoặc trong trường hợp xấu nhất là dự án thất bại. Bên cạnh đó, các phần cứng và máy móc có nhiệm vụ rất quan trọng song chỉ là một phần trong nhà máy thông minh. Giá trị lớn mang lại thường là từ phần mềm, giải pháp công nghệ. Ðể nhận diện và triển khai mô hình nhà máy thông minh, DN cần xác định cho mình mục tiêu và đích đến, hiểu hiện trạng nhà máy để đánh giá độ chín muồi. DN cũng cần xác định tầm nhìn cũng như vị thế muốn hướng đến trong tương lai. Sau đó xác định lộ trình và chia nhỏ tầm nhìn thành các thời điểm triển khai cụ thể. Cuối cùng là xác định giá trị mang lại của việc triển khai mô hình nhà máy thông minh bằng cách lượng hóa thành các con số cụ thể về mặt thương mại.
Ðể tránh tình trạng lạc hướng trong chuyển đổi số, DN không nên theo đuổi công nghệ một cách mù quáng, phớt lờ việc kết hợp quy trình kinh doanh với vận hành nhà máy; đánh giá sai xu hướng. Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Tư vấn Công ty CP Digiwin Software, để không lạc hướng khi thực hiện chuyển đổi số, DN tránh việc thực hiện thông tin hóa trên nền tảng quản lý lạc hậu, tự động hóa trên nền tảng công nghiệp lạc hậu và không thực hiện thông minh hóa trên mạng lưới không thể số hóa.
Ðể tiến đến sản xuất thông minh, DN cần đánh giá mức độ sẵn sàng xây dựng kế hoạch chuyển đổi, đo lường mức độ thông minh hóa của DN trong ngành nghề các điểm số khác nhau lần lượt tương ứng với các mức độ gồm: thao tác thủ công, bán tự động, toàn tự động và thông minh hóa trong các mắt xích sản xuất. Việc sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ đánh giá DN đang trong giai đoạn nào của sản xuất thông minh, xem xét tính khả thi giữa việc tích hợp tự động hóa với Internet là cơ sở cho DN thực hiện kế hoạch chuyển đổi số với lộ trình cải thiện phù hợp. Từ đó, giúp DN xây dựng một nhà máy thông minh phù hợp với đặc tính ngành nghề bằng những bước đi vững vàng và hiệu quả nhất.