Bài, ảnh: MỸ HOA
Thị trường xuất khẩu hàng hóa ở khu vực ÐBSCL ngày càng tăng trưởng, kéo theo nhu cầu in nhãn hàng, bao bì chất lượng cao phục vụ xuất khẩu tăng. Song, hiện phần lớn các doanh nghiệp in ở ÐBSCL đang bị áp lực canh tranh thị trường, thiếu hụt nguồn lao động có chuyên môn kỹ thuật cao và thiếu nguồn lực đầu tư công nghệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại... Ðể vượt qua thách thức, nâng sức cạnh tranh thị trường trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp in ÐBSCL đã và đang tăng cường liên kết, xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành in khu vực ÐBSCL.
Hoạt động sản xuất tại cơ sở 2 của Công ty CP in tổng hợp Cần Thơ ở phường Phước Thới, quận Ô Môn.
Ông Trần Bình Trọng, Tổng Giám đốc Công ty CP in tổng hợp Cần Thơ, cho biết: Hiện ÐBSCL là vùng có thế mạnh về xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản. Cùng với đó, các địa phương trong vùng đã tăng cường phát triển mối liên kết vùng giữa ÐBSCL với vùng Ðông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh... Do đó, ÐBSCL chính là thị trường tiềm năng, rất hấp dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp in trong và ngoài nước đến khai thác, nhất là ở lĩnh vực in nhãn hiệu hàng hóa chất lượng cao và bao bì xuất khẩu. Ðây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với hoạt động của doanh nghiệp in ở khu vực ÐBSCL.
Theo ông Trần Bình Trọng, không chỉ chịu áp lực cạnh tranh thị trường khốc liệt, gần đây doanh nghiệp in ở ÐBSCL rất khó tuyển lao động và đang thiếu hụt nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Hiện toàn vùng có 13 doanh nghiệp in, với hơn 1.400 người lao động và trong số đó chỉ có khoảng 30 kỹ sư chuyên ngành in, còn lại là lao động bậc thợ, từ 3/7-5/7… Nguyên nhân thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao là do tiền lương và thu nhập của người lao động trong ngành in không cao, nên rất khó thu hút lao động, nhất là lao động trẻ có trình độ chuyên môn cao. Cùng với đó, trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường in bao bì, đòi hỏi các doanh nghiệp in phải tăng cường đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại để in sản phẩm bao bì chất lượng cao. Trong khi đó, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại trong ngành in quá cao, làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện chưa có chính sách ưu đãi về thuế đối với các mặt hàng in phục vụ nhiệm vụ chính trị, giáo dục, văn hóa… Ðiều này đã làm giảm năng lực cạnh tranh cũng như yêu cầu hiện đại hóa sản xuất của nhiều doanh nghiệp in ở khu vực ÐBSCL.
Ðể nâng sức cạnh tranh thị trường trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp in cần tiêu chuẩn hóa quá trình sản xuất và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, các doanh nghiệp in khu vực ÐBSCL cần liên kết với các trường, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành in, gắn với áp dụng công nghệ trong sản xuất và điều hành doanh nghiệp. Ðồng thời, tăng cường đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất để tạo ra sự đa dạng về mẫu mã và chủng loại cho sản phẩm in. Ngoài yêu cầu mẫu mã đẹp, vật liệu sử dụng cho sản phẩm in, nhất là in xuất khẩu phải đáp ứng được các tiêu chí thân thiện môi trường và an toàn cho người sử dụng, đảm bảo đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu bảo quản tốt và thể hiện được thông tin sản phẩm, quảng bá thương hiệu cho khách hàng. Cùng với việc đầu tư công nghệ theo hướng chuyên sâu, các doanh nghiệp in cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng quốc tế như ISO 9000, ISO 1400, ISO 45000, SA 8000 và các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành in như ISO 12647-2, tiêu chuẩn G7, GMI… để đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại, hướng tới việc mở rộng in gia công bao bì xuất khẩu trong xu thế mới.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, cho biết: Ðể thu hút nguồn nhân lực cho ngành in nói chung và vùng ÐBSCL nói riêng, các doanh nghiệp in cần quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, bằng cách xây dựng mối liên kết với các trường và trung tâm đào tạo nghề, để đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động chuyên ngành in, ứng dụng công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu khai thác và chuẩn hóa công việc; có chính sách tốt trong sử dụng lao động để tạo nguồn lao động ổn định; nâng cao thu nhập cho người lao động, bằng việc nâng cao năng suất lao động, áp dụng công nghệ số, nâng cao chỉ số tự động hóa quá trình sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, vận hành kể cả đối với đội ngũ lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp; tăng cường tham khảo các mô hình đào tạo nguồn nhân lực ngành in ở các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Hiện lĩnh vực in bao bì, nhãn hàng chiếm trên 50% sản lượng toàn ngành in và có xu hướng ngày càng tăng, nhất là ở lĩnh vực in xuất khẩu. Song, đa phần các doanh nghiệp in đang chịu áp lực cạnh tranh thị trường khốc liệt với doanh nghiệp in nước ngoài. Bởi doanh nghiệp nước ngoài đang rất mạnh về vốn đầu tư và công nghệ, nhất là năng lực quản lý và tiếp cận thị trường quốc tế đều chiếm ưu thế so với doanh nghiệp in trong nước. Do vậy, để doanh nghiệp ngành in hoạt động ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, các bộ, ngành và các địa phương cần xem xét, đề xuất hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp in dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư; nghiên cứu bỏ thuế nhập khẩu 2% đối với các máy móc, thiết bị hiện đại của ngành in; hỗ trợ doanh nghiệp in tham gia các chương trình chuyển đổi số tại các địa phương… Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp in tiếp cận được các nguồn đầu tư công nghệ để đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại, gia tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường in gia công bao bì xuất khẩu trong xu thế mới; đồng thời, giúp mở rộng chuỗi liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp in trong và ngoài nước, tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp in cả nước nói chung và doanh nghiệp in vùng ÐBSCL nói riêng.