29/03/2009 - 20:14

Gói kích cầu có dấu hiệu phát huy hiệu quả ở TP Cần Thơ

Doanh nghiệp đang dần phục hồi sản xuất

Tháng 3- 2009, tháng cao điểm của việc triển khai gói kích cầu, hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP Cần Thơ, tổng dư nợ trên địa bàn thành phố trong tháng 3 tăng mạnh so với 2 tháng trước. Theo công bố mới đây của Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2009 giảm 0,18% so với tháng 2-2009 sau khi tăng liên tiếp trong 2 tháng đầu năm. Các ngành hữu quan nhận định, gói kích cầu của Chính phủ, những chính sách về giảm thuế, giãn thuế, hỗ trợ lãi suất… bắt đầu tác động tích cực đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân…

CPI “thụt lùi”

Hiện nay, giá lúa đông xuân ở TP Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL đang có lợi cho người trồng lúa. Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, với mức giá dao động từ 4.100 – 5.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng lúa đã ở có lời khoảng 40%.

Trong khi đó, giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường được ghi nhận giảm. Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, giá các loại rau xanh trên địa bàn thành phố trong tháng ở mức 5.000 – 15.000 đồng/kg, giảm từ 500- 1.100 đồng/kg so với tháng trước. Đặc biệt, từ ngày 1-3-2009, các hãng kinh doanh gas đã đồng loạt giảm bình quân 15.000 đồng/bình/12 kg. Giá gas đến tay người tiêu dùng khoảng 205.000 – 227.000 đồng/bình. Trong nửa cuối tháng 2 và đầu tháng 3, giá bán lẻ dầu lửa trên thị trường đã giảm 2 lần (vào ngày 20 – 2 và ngày 5-3), mỗi lần giảm 500 đồng/lít. Giá nhiều loại vật liệu xây dựng (sắt, gạch ống...) trên thị trường tiếp tục giảm thêm 500- 1.000 đồng/kg...

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất in bao bì Mekong. 

Những diễn biến trên đã tác động lớn đến CPI của thành phố tháng 3-2009. Theo công bố của Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong “rổ” hàng hóa tính CPI tháng này, đáng chú ý nhất là có 3 nhóm hàng hóa giảm giá. So với tháng trước, nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm đến 0,76%), kế đến là nhóm giao thông và bưu chính viễn thông (giảm 0,56%). Hai tháng trước, mức tăng chỉ số giá của nhóm hàng lương thực luôn tăng ở vị trí đầu bảng, nhưng tháng 3 này đã “hạ nhiệt” và giảm ở mức 0,23%; trong đó, mặt hàng thực phẩm giảm ở mức 1,24%.

Trong các nhóm hàng còn lại, so với tháng 2-2009, có đến 5 nhóm hàng có chỉ số giá ổn định và 2 nhóm hàng có chỉ số giá tăng song ở mức rất thấp (nhóm hàng thiết bị đồ dùng và gia đình tăng 0,9%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khách chỉ tăng 0,03%).

Vẫn còn khó khăn, nhưng sản xuất sẽ dần hồi phục

Theo số liệu của Sở Công thương TP Cần Thơ, tổng mức bán lẻ của thành phố trong quý I/2009 ước thực hiện 5.120 tỉ đồng, đạt 20,48% kế hoạch và giảm 1,4% so cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do người dân tiếp tục tiết kiệm trong chi tiêu và các đơn vị nhà nước tiếp tục giảm chi để có thể đối phó với tình hình khó khăn như hiện nay. Theo báo cáo tổng hợp từ Cục Thống kê TP Cần Thơ: Báo cáo của Ban chấp hành Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất, hiện có khoảng 70% lao động trong các doanh nghiệp trong tình trạng sản xuất cầm chừng, trong thời gian mất việc và chờ việc họ chỉ được hưởng 70% lương nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Cần Thơ nhận định: “Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Nguồn nguyên liệu cấp cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang có dấu hiệu thiếu hụt. Vấn đề điều chỉnh mức lãi suất mới cho các doanh nghiệp phù hợp với lộ trình giảm lãi suất của ngân hàng nhà nước chưa có quy định cụ thể nên nhiều doanh nghiệp vẫn còn áp dụng mức lãi suất vay thương mại trên dưới 20%/năm. Trong khi đó tình trạng cúp điện, cách tính toán đơn giá điện sản xuất hiện còn nhiều gút mắt, ngành điện vẫn chưa có sự cải tiến đáng kể trong việc đảm bảo nguồn điện cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Cần Thơ, việc thực hiện những giải pháp của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã được một số kết quả. Ước trong quý I/2009, thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng trên địa bàn cho vay với dư nợ 7.969 tỉ đồng; đến ngày 12-3, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Cần Thơ- Hậu Giang đã triển khai thực hiện bảo lãnh vay vốn cho 42 đơn vị trên địa bàn thành phố. Ngành thuế TP Cần Thơ cũng đang triển khai việc giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... đến các doanh nghiệp. Nhờ đó, trong tình hình khó khăn chung, so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố trong quý I/2009 vẫn tăng 14,6%; thu ngân sách nhà nước tăng 13,1%; đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu như gạo, may mặc, thủ công mỹ nghệ, giày – dép... tăng từ 18,5-51,3%.

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Cần Thơ, cho biết thêm: Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thành phố đang tăng. Điều này thể hiện việc thực hiện gói kích cầu của Chính phủ, nhất là việc hỗ trợ 4% lãi suất cho doanh nghiệp đã bắt đầu có hiệu quả thiết thực. Doanh nghiệp đang tiếp cận với các nguồn vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh”. Ông Ngọc minh chứng, nếu như tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thành phố tháng 1-2009 đạt khoảng 21.300 tỉ đồng, thì con số này đạt hơn 21.800 tỉ đồng ở tháng 2 và đạt hơn 22.000 tỉ đồng trong tháng 3. Song song đó, tổng hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp được các ngân hàng giải quyết từ khoảng 80% ở những tháng cuối năm 2008 nay đã tăng lên hơn 90%.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Từ những phân tích trên cho thấy, doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng hơn trong việc đẩy mạnh sản xuất, nhiều chỉ tiêu kinh tế trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang có dấu hiệu phục hồi.

Để tiếp tục đạt được kết quả khả quan ở những tháng tiếp theo, ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết: Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, theo dõi và cập nhật những diễn biến về giá cả thị trường thế giới và trong nước của các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tiêu dùng thường tăng mạnh như: lương thực – thực phẩm, vật liệu xây dựng và một số mặt hàng thiết yếu cho đời sống nhân dân... trên cơ sở đó hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với thông tin về giá cả thị trường. Thành phố sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; đồng thời, thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội...

Theo ông Sang, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá lại môi trường kinh doanh và đầu tư trên địa bàn thành phố, xác định một số biện pháp, chính sách khẩn trương thực hiện để cải thiện môi trường đầu tư... Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động và phát triển theo cơ chế thị trường; phát triển đồng bộ các loại thị trường: hàng hóa, dịch vụ, bất động sản, công nghệ, lao động...

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết