24/06/2011 - 21:21

Thắt chặt tín dụng bất động sản

Doanh nghiệp có quá khó ?

Theo nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS), Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trước mắt có thể làm cho thị trường BĐS gặp khó, nhưng về lâu dài thị trường này riêng tại TP Cần Thơ vẫn có nhiều điều kiện phát triển tốt...

Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân tiếp tục đầu tư Khu phố thương mại
và chung cư cao cấp tại khu Nam Cần Thơ. 

Thị trường BĐS cả nước nói chung đang gặp khó khăn, đặc biệt là do chính sách thắt chặt tín dụng. Nguồn vốn đầu tư hạn chế, sức mua và mãi lực thị trường yếu, chi phí đầu vào tăng do giá các mặt hàng nguyên vật liệu tăng cộng với chính sách thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực BĐS đang tạo áp lực rất lớn lên các DN phát triển dự án. Điều này có thể đẩy DN yếu về tài chính dẫn tới bờ vực phá sản. Tuy nhiên, với một số DN, chủ đầu tư lớn, tài chính “khỏe” thì đây chỉ là giai đoạn khó khăn tạm thời chưa ảnh hưởng nhiều đến tiến độ các dự án, và nếu có cắt giảm đầu tư cũng chỉ cắt giảm cục bộ. Ông Ngô Quang Duy, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân, cho biết: “Thời điểm này, thị trường BĐS trên cả nước rất giống thời điểm năm 2008-2009, đây là giai đoạn khó khăn chung, công ty nào cũng bị ảnh hưởng. Nhưng đối với Hoàng Quân không bị ảnh hưởng nhiều, các dự án vẫn được tiếp tục triển khai và chưa có kế hoạch cắt giảm đầu tư”.

Nhiều người cho rằng, việc siết chặt tín dụng của Chính phủ sẽ làm cho thị trường BĐS “đóng băng”, nhưng theo ông Duy, có “đóng băng” hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cách đây 1-2 năm đã có dấu hiệu “chững” lại, tình trạng “đóng băng” đã bắt đầu xuất hiện do “cung” vượt “cầu”. Hiện nhiều DN đang bán các chung cư với giá gốc cùng các chương trình khuyến mãi khác để thu hút khách hàng... Với TP Cần Thơ tình trạng này chưa diễn ra. Nhìn một cách tổng quát, riêng lĩnh vực BĐS, TP Cần Thơ là thị trường có nhiều tiềm năng, do tốc độ tăng trưởng, cơ sở hạ tầng, mức độ đầu tư của nhiều DN trong và ngoài nước vào TP Cần Thơ trong tương lai rất lớn. So với nhiều địa phương trong vùng thì TP Cần Thơ vẫn là nơi sôi động và hấp dẫn nhà đầu tư BĐS. Trong tương lai, TP Cần Thơ sẽ là nơi hội tụ không chỉ của giới DN mà còn là nơi hội tụ của người dân khắp các tỉnh, thành trên cả nước nên nhu cầu về nhà ở sẽ rất lớn. DN làm thế nào để bán được sản phẩm, trong khó khăn luôn có những cơ hội, do đó, nên xác định rõ mục đích của từng DN và làm thế nào để có chiến lược phát triển phù hợp với từng giai đoạn của thị trường.

Ông Ngô Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thương Mại Địa ốc Hồng Loan, cho biết: “Đây là giai đoạn khó khăn chung, Nghị quyết 11 của Chính phủ làm cho thị trường BĐS biến động nhưng chỉ biến động cục bộ. Nghĩa là nó sẽ biến động theo cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội của khu vực đó. Vì vậy, TP Cần Thơ sẽ không ảnh hưởng nhiều, bởi đây là thành phố trung tâm của ĐBSCL đang mở rộng phát triển, có thể BĐS trong giai đoạn này sẽ không sôi động như thời gian trước, nhưng hướng tới sẽ phát triển tốt. Riêng với Công ty Hồng Loan không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách thắt chặt tín dụng vì công ty không phụ thuộc nhiều vào ngân hàng mà chủ yếu các cổ đông góp vốn nên không gặp quá nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và chắc chắn sẽ không cắt giảm đầu tư. Có thể giãn tiến độ thực hiện các dự án nhưng vẫn đảm bảo triển khai... “Hiện tại, công ty đang nộp tiền sử dụng đất giai đoạn 1 dự án khu đô thị Mỹ Hưng, giai đoạn 2 đang giải phóng mặt bằng và sẽ triển khai hạ tầng trong tháng 12 tới. Ngoài ra, công ty đang mời gọi đầu tư Trung tâm Chẩn đoán Công nghệ cao thuộc dự án khu đô thị Mỹ Hưng”- ông Lâm cho biết thêm.

Để vượt khó, hiện nay nhiều DN đưa ra các giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho khách hàng. Đồng thời, công ty tiết kiệm chi phí quản trị doanh nghiệp, giảm thiểu thất thoát trong xây dựng, cải tiến trong việc thiết kế để căn hộ thêm “độc đáo” hơn, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và phù hợp túi tiền khách hàng trong thời điểm này.

Theo các DN, chính sách siết chặt tín dụng của Chính phủ nhằm buộc chủ đầu tư phải hoạch định chính sách và xác định danh mục đầu tư, đầu tư trọng tâm không đầu tư dàn trải. Trước đây, việc vay vốn đơn giản hơn dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng vốn vay đó vào mục đích khác. Trong giai đoạn khó khăn này không loại trừ khả năng mua bán dự án, sáp nhập DN, chuyển quyền thương hiệu sẽ diễn ra trong thời gian tới. Theo ý kiến của giới kinh doanh BĐS, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, nhưng sẽ “mạnh hơn” bởi khi các chủ đầu tư hợp sức lại để tăng cường sức mạnh tài chính cùng nhau thực hiện dự án, như thế sẽ tập trung hơn không còn tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ...

Bài, ảnh: THU HOÀI

Chia sẻ bài viết