Với sự bùng nổ của công nghệ và nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đứng trước xu thế chuyển đổi từ mô hình bán hàng truyền thống sang trực tuyến. Đặc biệt, xu hướng bán hàng 5.0 đang định hình lại cách thức doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Mô hình này không chỉ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để tối ưu hóa quy trình mà còn đặt trải nghiệm cá nhân hóa và giá trị nhân văn làm trọng tâm, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành kinh doanh đầy cạnh tranh.
Nắm bắt xu hướng mới
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh Trinh, Viện Phó Viện Đào tạo tư vấn DN, Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), xu hướng bán hàng ngày nay đang thay đổi chóng mặt do ảnh hưởng của công nghệ. DN không chỉ cần hiểu mà còn phải nắm bắt kịp thời những xu hướng này. Từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, tất cả đều đang ảnh hưởng đến cách thức kinh doanh của DN. Từ trước năm 2020, đa phần DN triển khai mô hình bán hàng truyền thống, từ người bán đến tay người mua thông qua các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... Tuy nhiên đại dịch COVID-19 làm thay đổi mô hình bán hàng từ truyền thống sang online như bán trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok. Không chỉ dừng lại ở việc bán hàng trên các website thương mại điện tử, từ năm 2022 đến nay tiếp tục xuất hiện xu hướng bán hàng 5.0, kết hợp công nghệ tiên tiến và cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng theo AI, Chatbox thông minh, trải nghiệm mua hàng tự động và hậu mãi số.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực nội thất xây dựng giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.
Bán hàng thời kỳ 5.0 là việc ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (Al), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), tự động hóa và thực tế ảo... để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quy trình bán hàng, đồng thời vẫn giữ được tính nhân văn và giá trị cốt lõi của con người trong quá trình phục vụ khách hàng. Đối với bán hàng thời kỳ 5.0, công nghệ là trung tâm: AI, IoT, Blockchain, chatbot, phân tích dữ liệu để tối ưu hóa bán hàng, gia tăng trải nghiệm của khách hàng... Bên cạnh đó các công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường cũng giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm từ xa hoặc tại nhà một cách phong phú, sinh động thay vì phải đến trực tiếp cửa hàng…
Theo Tiến sĩ Trần Hải Ly, Giảng viên Bộ môn Marketing và Truyền thông, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, trong khi bán hàng truyền thống ít sử dụng công nghệ, chủ yếu dựa vào kỹ năng cá nhân. Về định hướng kinh doanh, bán hàng truyền thống tập trung vào sản phẩm, nhấn mạnh công năng của sản phẩm, tập trung vào lợi nhuận và chủ yếu là bán sản phẩm/dịch vụ để đáp ứng nhu cầu cơ bản. Trong khi bán hàng thời kỳ 5.0 tập trung vào trải nghiệm cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu khách hàng để đề xuất sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, các DN có sự định hướng kinh doanh kết hợp giữa lợi nhuận và giá trị xã hội, hướng đến sự bền vững và phát triển cộng đồng. Ở mô hình bán hàng truyền thống, DN tập trung vào doanh thu và lợi nhuận, nhưng hiệu quả thấp do chi phí vận hành cao (thuê mặt bằng, nhân viên). DN có ít dữ liệu để phân tích, dẫn đến quyết định kinh doanh dựa trên cảm tính. Trong thời kỳ 5.0, DN tăng hiệu quả vận hành nhờ tự động hóa, giảm chi phí. Ví dụ không cần nhiều nhân viên tư vấn nhờ chatbot dễ dàng mở rộng quy mô toàn cầu qua các nền tảng số.
Lấy khách hàng làm trung tâm
Để chuyển từ mô hình bán hàng truyền thống sang mô hình bán hàng hiện đại, vấn đề cốt lõi là DN quan tâm ứng dụng công nghệ trong bán hàng và những chiến lược hiệu quả phù hợp với ngành nghề kinh doanh của mình. Theo bà Nguyễn Thị Tố Nga, Giám đốc bán lẻ, Công ty TNHH Tanachira Việt Nam, hiện nay, các DN trong ngành mỹ phẩm Việt Nam, đang đẩy mạnh mô hình bán hàng 5.0 và thu được nhiều kết quả khả quan. Trong mô hình này kinh doanh 5.0 này, các công ty mỹ phẩm đối mặt với nhiều sự cạnh tranh nhưng vẫn đạt doanh số kinh doanh tốt. Chuyển đổi từ bán hàng truyền thống sang bán hàng 5.0 tính cạnh tranh rất cao và vì có nhiều nhãn hàng cùng tham gia nên cần tạo được sự khác biệt để thuyết phục khách hàng chọn mua, tin dùng, ưu tiên trải nghiệm thương hiệu. Khi bán online, DN thường đối mặt với hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi và nhãn hàng rất vất vả để duy trì được lòng tin của khách hàng. Bán hàng online đòi hỏi phải đầu tư công nghệ cao, hiện đại để khách hàng thử trải nghiệm sản phẩm song thách thức là cần vốn và nhân lực chất lượng để vận hành được công nghệ thông minh này.Tuy nhiên, cơ hội mang lại là giúp DN cá nhân hóa từng nhóm đối tượng khách hàng theo hồ sơ lưu trữ, nhu cầu khách hàng, khu vực sinh sống, tích hợp công nghệ AI, công nghệ thực tế ảo để phục vụ khách hàng tốt hơn và thậm chí có thể mở rộng bán hàng xuyên biên giới…
Theo Tiến sĩ Trần Hải Ly, ở góc độ tài chính, với mục tiêu tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả bán hàng, DN cần tập trung tối ưu quy trình vận hành bằng công nghệ, tự động hóa chăm sóc khách hàng và marketing để giảm chi phí nhân sự, khai thác dữ liệu để ra quyết định tài chính chính xác (nhu cầu sản phẩm, hiệu quả kênh bán hàng). Ở góc độ khách hàng, để tăng sự hài lòng và gắn bó với khách hàng DN cần tập trung vào các chiến lược chính như triển khai bán hàng đa kênh gắn với đồng nhất trải nghiệm online và offline của khách hàng, ứng dụng AI để cá nhân hóa hành trình mua sắm. Đồng thời, sử dụng chatbot, tự động hóa phản hồi nhanh để tăng tương tác tức thời, Ở góc độ quy trình nội bộ, DN có cần cải tiến quy trình, tăng tốc độ và hiệu quả hoạt động thông qua các chiến lược chính như chuyển đổi số toàn diện quy trình bán hàng và vận hành, ứng dụng công nghệ vào quản lý hàng tồn, đơn hàng… liên kết dữ liệu giữa bộ phận kinh doanh - marketing - logistics. Đặc biệt cần quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ và khả năng đổi mới, tập trung đào tạo nhân viên về công nghệ, kỹ năng số, tư duy bán hàng 5.0, xây dựng văn hóa đổi mới và chuyển đổi số trong DN.
Tiến sĩ Trần Hải Ly nhấn mạnh: Bán hàng trong thời kỳ 5.0, DN cần phát triển triết lý “công nghệ nhân văn”, ứng dụng công nghệ không chỉ để tự động hóa, mà để thấu hiểu, chăm sóc con người tốt hơn. Đồng thời hướng đến phát triển bền vững, gắn kết chuyển đổi số với các giá trị xã hội, môi trường và trách nhiệm với cộng đồng. DN cần tạo văn hóa đổi mới linh hoạt bằng cách xây dựng tổ chức linh hoạt, sáng tạo, thích nghi nhanh với thị trường và khách hàng. Cần xây dựng tầm nhìn dài hạn phù hợp thời đại 5.0, không bị cuốn theo công nghệ ngắn hạn, mà hướng đến phát triển doanh nghiệp dựa trên nền tảng con người và dữ liệu đổi mới.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN