Chuông reo kết thúc buổi học sáng, Quỳnh Nhu không la cà trò chuyện, láu táu cùng bạn bè như mọi hôm, mà nhanh chân ra cổng, ngồi sau xe dì Tư giúp việc, giục dì nhanh về nhà. Trong khi ăn điểm tâm sáng nay, vừa nghe nội nói, trưa nay cha đi công trình xa về, Nhu và em trai Quang Nhật mừng rỡ, reo hò. Thế nào chị em Nhu cũng đòi cha mẹ đưa cả nhà đi siêu thị mua sắm, đi chơi thỏa thích… Nhu thấy vui khi nghĩ đến cảnh hai chị em tung tăng vui đùa bên cha mẹ...
Nhớ lúc nhỏ, nhà Nhu luôn thiếu trước hụt sau. Cha Nhu phụ hồ, còn mẹ làm công nhân may, lương ba cọc ba đồng mà cả nhà sống thiệt vui. Bữa cơm đạm bạc nhưng đầm ấm, sum vầy. Dù bận mưu sinh, cha mẹ vẫn dành thời gian vấn an bà nội, hỏi han Nhu việc học tập, không quên đưa cả nhà đi chơi dịp cuối tuần. Cha mẹ tiết kiệm, dành dụm tiền cất nhà khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt cao cấp, xe máy đời mới. Sau khi mẹ Nhu sinh em Nhật, như “diều gặp gió”, công việc của cha mẹ càng thuận lợi. Trong khi cha lập hẳn công ty xây dựng, dự thầu những công trình tầm cỡ, quy mô, mẹ Nhu “không chịu thua”, đứng ra hùn hạp mở doanh nghiệp tư nhân chuyên về may mặc, khéo quan hệ, có được những hợp đồng béo bở, lợi nhuận cao.
Cũng từ đó, những dự báo đổ vỡ, rạn nứt bắt đầu xuất hiện. Cha Nhu ít ăn cơm nhà, tối về say khướt, rồi thường xuyên vắng nhà mươi bữa, nửa tháng. Mẹ Nhu hay chưng diện dự tiệc tùng, chiêu đãi những nơi sang trọng đến khuya, có xe sang đưa về tận cửa. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, kể cả chăm sóc chị em Nhu, cha mẹ phó thác cho bà nội và dì Tư. Cả hai chạm mặt nhau là cự cãi, không ai nhường ai, mặc sức tung tóe giận dữ, tị nạnh. Lúc đầu, cả hai còn ý tứ “đóng cửa bảo nhau”, ngại nội và chị em Nhu nghe thấy. Thế nhưng, càng về sau, những cuộc “khẩu chiến” của cha mẹ Nhu như “cơm bữa”, phơi bày trước mặt con cái, khiến chị em Nhu nhiều phen sợ hãi, khóc thét…
Dì Tư vừa dừng xe trước cổng, Nhu chưa kịp chạy vào nhà, đã nghe cha mẹ lớn tiếng cự cãi, xen lẫn tiếng vật dụng ném vào tường, rồi bình hoa, bộ tách từ trên bàn “bay” thẳng ra sân vỡ tan, miểng văng tung tóe. Cha Nhu hằn học, giận dữ, khoác áo đi nhanh ra cổng, em Nhật luýnh quýnh chạy theo, vừa khóc vừa gọi cha, chen lẫn tiếng la hét của mẹ đang ngồi bệt trên sàn nhà, tóc tai rũ rượi. Bỗng dưng, tiếng dì Tư thất thanh, em Nhật trượt chân, té sấp trên đống miểng chai. Cha Nhu hớt hãi chạy vào, ôm xốc Nhật ra xe, còn mẹ run rẩy, lắp bắp gọi tên Nhật. Bà nội vội ôm Nhu đang thút thít khóc, trấn an “Con đừng sợ, em không sao đâu, có nội đây”…
Hai bà cháu bàng hoàng nhìn căn nhà sang trọng, tiện nghi, giờ lộn xộn, tan hoang. Nội xoa đầu an ủi cháu gái đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Sống đến từng tuổi này, nếm trải bao biến cố thăng trầm, giờ nội mới thấm thía sức mạnh ghê gớm của đồng tiền. Nội trầm ngâm với bao câu hỏi ngổn ngang, phải làm gì để gia đình con trai trở lại như xưa tuy thiếu thốn vật chất, bạc tiền nhưng dư dả tiếng cười, hạnh phúc…?
M.T