12/02/2008 - 21:34

Đò máy, đò chèo không an toàn, quản lý ra sao?

Năm Du lịch Quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008 sắp khởi động. Đây là năm du lịch sông nước, nhưng vấn đề an toàn đường thủy, chở khách bằng đò máy, đò chèo đang diễn biến ngày càng phức tạp. Tình trạng tranh giành khách, đò “3 không” (không áo phao, không đăng ký, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn) xảy ra ngày càng phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông thủy.

DẬP DÌU TÀU, ĐÒ

Những chiếc đò máy, đò chèo chen vào Bến tàu khách Cần Thơ mỗi khi có tàu khách cập bến để kiếm khách. Ảnh: S. HÀ

Gần 8 giờ sáng tại Bến tàu khách Cần Thơ, hành khách tấp nập. Chiếc tàu khách từ phía cầu Quang Trung từ từ cập bến. Một chiếc ghe máy, lạch tạch chạy băng băng đến bến tàu cho kịp chiếc tàu đang cập bến. Chiếc tàu khách giảm dần tốc độ, điều chỉnh bánh lái cho đầu tàu tấp vào đúng vị trí, cùng lúc đó chiếc ghe máy cũng đã cặp sát chiếc tàu. Chiếc tàu rẽ nước ép sát vào chiếc tàu khách đang đậu tại bến, ép chiếc ghe máy phải tìm cách thụt lại phía sau không để va đập. Chủ chiếc ghe máy là một thanh niên, dáo dác nhìn vào chiếc tàu khách, rồi luôn miệng hỏi những hành khách bước lên bến: “Có hàng chở đi đâu không? Anh (chị) đi về đâu?”. Khi khách trên bến đã vãng, người thanh niên mới cho chiếc ghe rời bến tàu khách rồi đi thẳng về phía cầu Quang Trung, mắt không khỏi hướng vào dọc bờ Ninh Kiều.

Cạnh đó, ngay gần bến tàu du lịch, những chiếc ghe chèo, ghe máy dập dềnh đậu sát bờ kè Bến Ninh Kiều chờ đón bạn hàng, những người đi chợ về. Một phụ nữ xách chiếc giỏ đầy thức ăn, chui qua lan can bờ kè, giơ tay cho chủ đò nắm rồi tìm mọi cách bước xuống chiếc đò máy. Đón được một, hai người khách, người phụ nữ điều khiển đò, nổ máy rẽ nước sang bờ bên kia. Chỉ khoảng 5-10 phút lần lượt hết chiếc đò máy này, đến đò máy khác thi nhau chở khách qua sông. Những chiếc đò máy này cứ ngang nhiên dập dìu hoạt động chở khách qua lại con sông như được cho phép. Có chiếc ghe máy bắt được mối đi tham quan các vườn du lịch, sau khi ngã giá, cặp thanh niên đồng ý xuống ghe. Chiếc ghe chòng chành, người chủ ghe tỉnh queo: “Không té đâu, cứ ngồi yên”, rồi giật máy cho cánh quạt quay tít, thả xuống nước quay đầu ghe rời vị trí.

Khi chúng tôi hỏi một số chủ ghe đậu cặp Bến Ninh Kiều, thì được biết do đây là nguồn thu chính của gia đình nên mặc dù ghe không áo phao, không đăng ký, người lái không chứng chỉ chuyên môn, bị Nhà nước cấm hoạt động ở vùng này, ghe vẫn hoạt động. Chị Mai, một người dân ở Xóm Chài, cho biết: “Người dân ở đây sống bằng nghề sông nước quen rồi, biết chạy ghe từ hồi còn nhỏ. Tôi ngày nào cũng thuê ghe qua lại để đi chợ cho lẹ. Biết là đi phà Xóm Chài thì an toàn hơn, nhưng từ nhà ra bến phà cũng phải mất một đoạn đường, đi ghe cho tiện. Băng ngang sông chưa tới 5 phút, mặc áo phao làm gì cho mắc công”. Quay trở lại Bến tàu khách, thấy một chiếc vỏ lãi đậu ngay bến tàu, tôi hỏi: “Anh có chở người đi vô Mỹ Khánh không?”. Nhìn tôi một lát, anh này đáp: “Chở khoảng bao nhiêu người?”- “Khoảng 10 người”. Vừa khi đó, một bảo vệ bến tàu đi đến, anh này liền đáp vẻ luyến tiếc: “Tôi chỉ chở hàng thôi, ở đây chở người bị phạt chết!”. Nhìn khắp vỏ lãi tôi cũng không thấy một chiếc phao cứu sinh nào.

Đến bến tàu chở khách ở chợ Cái Răng vào dịp giáp Tết Mậu Tý, thuyền, ghe tấp nập, người lên kẻ xuống vô cùng nhộn nhịp. Một chủ ghe cho biết: “Ghe tôi chủ yếu chở trái cây cho vựa bán, nếu khách du lịch muốn đi tham quan chợ nổi thì tôi cũng nhận chở. Tôi không trang bị áo phao vì ghe tôi thường chỉ chở chừng 2-3 khách nên không sợ khẳm. Tôi cũng không đăng ký phương tiện vì đây là ghe nhà, chỉ có tàu khách du lịch mới phải đăng ký phương tiện và trang bị áo phao cho khách...” (?!).

QUẢN LÝ: BỎ NGỎ?

Trước thực trạng hoạt động tự phát không đảm bảo an toàn của lực lượng đò chèo, đò máy, các ngành chức năng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ số lượng phương tiện này. Tuy nhiên, tình trạng buông lỏng diễn ra đã nhiều năm, vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt là tình trạng hoạt động tự phát của các loại phương tiện này tại khu vực Bến Ninh Kiều thuộc trách nhiệm quản lý của phường Hưng Phú và phường Tân An.

Ông Nguyễn Anh Hoài, Chủ tịch UBND phường Tân An, cho biết: “Trước đây, phường Tân An và phường Hưng Phú đã có phối hợp quản lý bến bãi đối với các phương tiện đò máy, đò chèo. Hiện nay, do chủ trương không cho phép hoạt động bến đò ngang đối với đò máy, đò chèo nên phường Tân An và phường Hưng Phú đã cấm việc vận chuyển khách bằng phương tiện này, nhưng một số hộ vẫn cố tình hoạt động mà không ai quản lý. Do những hộ này là hộ nghèo, sống chủ yếu bằng nghề vận tải trên sông nước, nên phường Tân An và Hưng Phú thống nhất kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ để các hộ dân này chuyển đổi nghề. Nếu các ngành chức năng xem xét cho phép loại phương tiện này hoạt động thì chúng tôi sẽ phối hợp với phường Hưng Phú bàn biện pháp quản lý chặt đối với những người hoạt động bằng nghề này”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Đoạn quản lý giao thông thủy bộ - Sở Giao thông công chính TP Cần Thơ: UBND hai phường Tân An và Hưng Phú phải tăng cường kiểm tra loại phương tiện này. Những phương tiện đò máy, đò chèo hoạt động hiện nay đều tự phát, không bến bãi, không có tổ chức, không đăng ký, đăng kiểm. Đã vậy, không chỉ chở khách ngang sông mà khách bao đò đi đâu họ cũng chở, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông thủy. Nên đưa lực lượng này vào nghiệp đoàn, hướng dẫn họ đi đăng ký và có quy định cấp phép cho từng loại phương tiện hoạt động, có như vậy mới có thể sắp xếp, tổ chức lại hoạt động của loại phương tiện đò máy, đò chèo. Sắp tới TP Cần Thơ sẽ diễn ra sự kiện Năm Du lịch Quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008, lượng khách du lịch tới đây đi bằng đường thủy sẽ tăng mà tình trạng chưa đảm bảo an toàn đối với phương tiện đò chèo, đò máy sẽ rất nguy hiểm. Thêm vào đó, ngay bây giờ mà không sắp xếp, tổ chức lại loại phương tiện này thì đến năm 2009, thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ đối với việc đình chỉ hoạt động tất cả các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, sẽ gặp khó khăn giống như việc cấm xe lôi, xe ba gác. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị 2 phường Tân An, Hưng Phú quản lý chặt loại phương tiện này, nhưng tình hình đến nay vẫn không có gì tiến triển. Nếu hai phường này không giải quyết được, tôi đề nghị Ban ATGT TP có biện pháp xử lý, đặc biệt đối với người đứng đầu địa phương.

Năm Du lịch Quốc gia Mekong- Cần Thơ 2008 đã cận kề ngày khai mạc và thời hạn Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, đình chỉ hoạt động các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, không đăng kiểm an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật cũng sắp đến, nhưng đò chèo, đò máy không đảm bảo an toàn ở TP Cần Thơ, đặc biệt ở quận Ninh Kiều vẫn hoạt động nhan nhản và chưa được cơ quan chức năng nào quản lý. Các ngành chức năng cần nhanh chóng xây dựng đề án để giải quyết và khắc phục tình trạng trên, đừng để “nước đến chân mới nhảy”, khi đó nếu có thiệt hại xảy ra thì mọi việc quá muộn màng.

SƠN HÀ- N.NGA

Chia sẻ bài viết