Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California ở Riverside (Mỹ) phối hợp với công ty thiết kế Eray Carbajo vừa tạo ra đồ bơi có khả năng lọc chất ô nhiễm trong vùng nước xung quanh người mặc (ảnh phải).
Chiếc áo nặng khoảng 54 gram và dày 2 mm này bao gồm hai cúp áo có cấu trúc dạng lưới được sản xuất bằng công nghệ in 3D (ảnh trái), với độ co giãn tốt và ôm gọn cơ thể người mặc. Nó được bao phủ bởi hai miếng bọt biển siêu kỵ nước, có độ xốp cao nên dễ dàng tách và hút các chất ô nhiễm từ môi trường nước xung quanh. Chất bẩn được lưu trữ trong các lỗ nhỏ li ti và chỉ được loại bỏ khi nung nóng cặp bọt biển ở nhiệt độ ít nhất 1.000ºC.
Ưu điểm của vật liệu này là có thể hút chất ô nhiễm nhiều gấp 25 lần khối lượng riêng (nhưng không gây khó chịu cho người mặc) và có thể tái sử dụng đến 20 lần trước khi mất đi khả năng thấm hút. Một tính năng quan trọng khác là bọt biển có thể khôi phục trạng thái lỏng ban đầu trước khi được tái chế để dùng cho các sản phẩm đồ bơi mới.
Theo các nhà phát triển, công nghệ tích hợp công cụ lọc nước trong đồ bơi có thể sản xuất hàng loạt nhờ chi phí thấp (1 gram bọt biển chỉ hơn 3.000 đồng), cũng như dễ dàng áp dụng cho các sản phẩm khác như áo tắm một mảnh, đồ lặn hay nón bơi.
ĐƯỜNG THẤT (Theo Gizmag, Hexapolis)