HUỲNH HÀ
Đình thần Vĩnh Phước là một trong những ngôi đình đang bảo quản sắc phong sớm nhất ở Nam bộ, cũng là ngôi đình hiếm hoi ở vùng đất này đang sở hữu cùng lúc đến 6 đạo sắc phong của triều đình nhà Nguyễn. Hiện đình Vĩnh Phước nằm ở đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Đình Vĩnh Phước.
Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng đến nay đình Vĩnh Phước vẫn bảo tồn được những giá trị cổ truyền và kiến trúc đặc trưng. Trước đình là cổng tam quan gồm một cổng chính và hai cổng phụ; tất cả đều có mái che lợp ngói tráng men, được trang trí hoa văn, tượng gốm. Riêng cổng chính có hai lớp mái, nhỏ dần lên trên, đỉnh mái có tượng rồng chầu. Hai cổng phụ đều có đắp nổi hoành phi với các dòng chữ: “Phong điều vũ thuận, quốc thái dân an”. Cổng chính có câu đối: “Thánh đức uy linh phù bổn xứ/ Thần ân hiển hách hộ nhân dân” (nghĩa: Đức uy linh của thánh phù hộ cho xóm ấp/ Ơn sáng rõ của thần phù hộ cho dân nhân) thể hiện ước mơ của dân làng về một cuộc sống bình yên, đủ đầy. Mỗi cổng phụ là một vế của câu đối, được chiết tự từ hai chữ Vĩnh Phước: “Vĩnh bảo hương thôn an thịnh lợi/ Phúc triêm bách tính thọ trường xuân” (nghĩa: Cuộc sống sung túc của người dân trong thôn mãi mãi được bảo vệ; Được hưởng cái phước của thần trăm họ mãi trường xuân) cũng thể hiện ước vọng của con người về một cuộc sống an lành, thịnh vượng.
Sau cổng tam quan là bức bình phong, bên ngoài có vẽ hình rồng vờn mây, mặt bên trong là bàn thờ Thần Nông. Mái đình có ba lớp, nhỏ dần lên trên, được lợp ngói âm dương, ốp men xanh. Trên nóc có trang trí tượng kỳ lân, các vị thần và nhiều hoa văn họa tiết khác.
Bên trong đình là không gian thoáng đãng, u tĩnh. Tiếp giáp với cửa chính là nhà võ ca dùng để hát bội trong mỗi dịp Kỳ Yên. Nối liền nhà võ ca là gian chính điện thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Hai bên là bàn thờ của Tả Ban và Hữu Ban, phía sau là bàn thờ của Tiền Hiền và Hậu Hiền. Phía sau nhà chánh điện là một cái sân nhỏ rồi đến nhà hậu, nối liền có hai tiểu sảnh ở hai bên. Nhà hậu được dùng làm nơi nấu nướng mỗi khi cúng đình.
***
Điểm đặc biệt của ngôi đình là đang thờ 6 sắc phong - điều rất hiếm thấy ở các đình làng Nam bộ. Đầu tiên phải kể đến là sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng do vua Tự Đức cấp năm 1852. Kế tiếp là 4 đạo sắc phong cấp cho Tống phủ quân Tống Phước Hòa được gửi ở đây.
Cụ Tống Phước Hòa là người Thanh Hóa, theo nghiệp binh từ lúc trẻ, có công giúp nhà Nguyễn, nên đầu năm Gia Long thứ 9, ông được nhà vua truy tặng là Chưởng dinh quận công và được đưa vào thờ ở miếu Trung Tiết Công Thần ở Huế. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông được sắc phong làm Trung Đẳng thần. Vì từng là Tổng binh Đông Khẩu đạo, nên khi xưa ở làng Tân Phú Đông thuộc Sa Đéc có miếu thờ ông Tống Phước Hòa. Với lòng tôn kính, miếu thờ này thường được người dân gọi là Miếu quan Thượng đẳng, mặc dù ông chỉ được sắc phong Trung Đẳng thần. Năm 1946, vì miếu bị hư hỏng nặng nên sau khi quân Pháp đánh chiếm lại Sa Đéc, đã cho phá bỏ để xây trại lính. Vì vậy, các bô lão đã đem bài vị và sắc phong của ông gửi vào đình Vĩnh Phước.
Mặc dù ông quản lý đạo Đông Khẩu chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng rất quan tâm đến các mặt kinh tế, xã hội, đời sống của nhân dân địa phương, nên nhân dân rất cảm mến. Người đời sau có thơ rằng:
Quốc công trọng tước dấy lòng trung
Tay dở thành Nam chống thế công
Đất trổ anh tài trong nước lửa
Trời treo gương Tống chói non sông
Oai danh thơm nực ngoài ba cõi
Oanh liệt còn vang thấu cửu trùng
Công đức đã đầy trong vũ trụ
Hiền thần chẳng nhọc, Đế vương phong.
Với tấm lòng tôn kính của nhân dân dành cho ông, đình Vĩnh Phước ngoài tên dân gian thường gọi là đình Gạo, còn được người dân địa phương gọi là đình Tống Phước Hòa(1).
Cuối cùng, phải nhắc đến đạo sắc có niên đại xưa nhất, vào năm Minh Mạng thứ ba, tức 1822, cấp cho Cai cơ Đông Khẩu đạo Nhân Hòa hầu. Đạo sắc này có nội dung như sau:
“Sắc Cai cơ quản Đông Khẩu đạo Đặc tiến Phụ quốc Nhân Hòa hầu kinh sự tiên triều nẫm trứ thanh tích hiện hữu xã dân phụng lễ, kim quang thiệu hồng đồ nghi long hiển hiệu khả gia phong Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Vĩnh An huyện, Vĩnh Phước thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Cố sắc.
Minh Mạng tam niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhựt.
Ấn Phong tặng chi bảo”
(Nghĩa: “Sắc cho Cai cơ đạo Đông Khẩu Đặc tiến Phụ quốc Nhân Hòa hầu, từng phụng sự triều đại trước có nhiều danh tiếng, thành tích rõ rệt, được dân làng thờ phượng. Nay ta nối tiếp làm sáng tỏ nghiệp lớn, luôn nghĩ đến công đức của Thần và để làm rạng rỡ danh hiệu, nên gia phong cho Thần là Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần, lịnh cho thôn Vĩnh Phước, huyện Vĩnh An thờ phượng như trước. Thần hãy cùng giúp đỡ, bảo vệ dân lành của ta.
Nên có sắc này!
Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng thứ ba.
Ấn Phong tặng chi bảo”).
Đây là đạo sắc rất hiếm có, được cấp cùng ngày với sắc gia phong cho Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng vào ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng thứ ba (1822), đóng ấn “Phong tặng chi bảo” và kết thúc phần chính văn bằng hai chữ “Cố sắc”, chứ không phải đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo” và chấm dứt phần chính văn bằng hai từ “Khâm tai” như các sắc thời Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sau này. Theo các nhà chuyên nghiên cứu về sắc phong, hiện nay trên toàn Nam bộ loại sắc phong này chỉ còn tìm thấy khoảng 4-5 sắc.
Gian chính điện đình Vĩnh Phước.
Nhân Hòa hầu tên Nguyễn Hữu Nhân, người Tống Sơn (Thanh Hóa) tham chính dưới triều chúa Nguyễn Phước Khoát (1714-1765), tùng sự dưới quyền Thống suất Trương Phước Du và Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh. Năm 1757, ông Nguyễn Hữu Nhân được giao trọng trách cai quản đạo Đông Khẩu. Ông thiết lập trụ sở hành chánh, quân sự quản lý đạo Đông Khẩu bên bờ rạch Cái Sơn, phía thôn Vĩnh Phước. Là vùng đất mới, chợ Sa Đéc lại đông dân phức tạp, ông áp dụng cách cai trị nghiêm minh, ổn định an ninh trật tự, tạo điều kiện cho chợ ngày càng phát triển. Chính vì vậy mà vào đầu thế kỷ XIX chợ Sa Đéc trở thành một trong số ít trung tâm thương mại sầm uất ở Nam bộ.
Ngoài ra, cụ Nguyễn Hữu Nhân còn góp phần bảo vệ biên cương phía Tây Nam. Năm Nhâm Thìn (1772) cụ Nguyễn Hữu Nhân lâm bịnh nặng, Cai cơ Tống Phước Hòa được cử thay thế làm Tổng binh Đông Khẩu đạo. Sau đó ông Nguyễn Hữu Nhân qua đời, để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân địa phương lập đền thờ ở thôn Vĩnh Phước. Sau khi lên ngôi, Vua Gia Long sắc phong ông là Quảng ân Trung Đẳng thần. Đến năm Minh Mạng thứ ba (1822) được gia phong Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần chuẩn cho thôn Vĩnh Phước thờ phụng như cũ.
Đạo sắc này giúp hậu thế biết, một trong những người đặt nền móng đầu tiên, giúp cho chợ Sa Đéc phát triển thành thành phố ngày nay chính là Nhân Hòa hầu Nguyễn Hữu Nhân và đình Vĩnh Phước là ngôi đình còn lưu giữ một trong những đạo sắc quý hiếm nhứt ở Nam bộ(2).
Hằng năm, đình có hai lễ cúng chính, đó là lễ Thượng Điền vào ngày 16, 17 tháng Giêng và lễ Kỳ Yên vào ngày 17 tháng 7 âm lịch.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử còn lưu giữ đến ngày nay, ngày 10-4-2003, đình Vĩnh Phước đã được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 415/QĐ.UBHC.
............................
(1) Nhiều tác giả (2017), Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam, Nxb Hồng Đức, tr.66-67.
(2) Theo Nguyễn Hữu Hiếu, http://baodongthap.com.vn/van-hoa/dao-sac-hiem-tim-thay-o-dinh-vinh-phuoc-thanh-pho-sa-dec-35480.aspx Ngày truy cập 22-3-2020.