20/12/2024 - 18:01

Định hướng sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện 

(CTO) - Ban Chỉ đạo (BCĐ) về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ vừa ban hành Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 về việc định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Bên cạnh định hướng, gợi ý hợp nhất đối với một số sở, ngành tương đồng với sắp xếp các bộ ở Trung ương, BCĐ đã định hướng về cơ cấu, sắp xếp đối với các sở đặc thù (được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù) và Ban Dân tộc.

Cụ thể, Sở Ngoại vụ: thực hiện sắp xếp phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương như sau:

- Đối với các địa phương đang có Sở Ngoại vụ thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án sáp nhập vào Văn phòng UBND cấp tỉnh hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

- Đối với các địa phương đã sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND cấp tỉnh thì tiếp tục thực hiện như hiện nay.

Ban Dân tộc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý về tôn giáo từ Sở Nội vụ. Trong ảnh: Người dân tìm hiểu các quy định pháp luật tại Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ TP Cần Thơ. Ảnh: Q. THÁI

Đối với Ban Dân tộc:

- Đối với các địa phương đang có Ban Dân tộc thì thực hiện sắp xếp tương đồng với Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo (ở Trung ương) theo hướng đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đối với các địa phương không thành lập Ban Dân tộc (kể cả trường hợp đáp ứng đủ tiêu chí) thì chủ động quyết định chuyển chức năng tham mưu về công tác dân tộc từ Văn phòng UBND cấp tỉnh về Sở Nội vụ và Lao động (sau hợp nhất).

Tiếp tục duy trì Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Trong ảnh: Trung tâm điều hành thông minh đặt tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: Q. THÁI

Đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

Duy trì các Phòng: Tư pháp; Tài chính - Kế hoạch; Thanh tra huyện; Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Đồng thời, định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn khác tương đồng với sắp xếp các bộ ở Trung ương và sở, ngành ở cấp tỉnh. Cụ thể:

(1) Hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ (tên gọi dự kiến là Phòng Nội vụ và Lao động); thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nội vụ và chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đăng giới từ Phòng Lao động - Thương bình và Xã hội hiện nay.

(2) Thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông, công thương trên địa bàn cấp huyện từ Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị (tại quận, thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay.

(3) Thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Văn hóa - Thông tin và chức năng, nhiệm vụ về khoa học và công nghệ từ Phòng Kinh tế (tại quận, thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay trên địa bàn cấp huyện.

(4) Thành lập Phòng Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường và chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại huyện) và chức năng, nhiệm vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn từ Phòng Kinh tế (tại thị xã, thành phố) hiện nay. Riêng ở quận, thì giữ nguyên Phòng Tài nguyên và Môi trường và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai từ Phòng Kinh tế hiện nay.

(5) Phòng Y tế: thực hiện sắp xếp phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương như sau:

- Đối với các địa phương đang có Phòng Y tế thì giao tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương bình và Xã hội hiện nay.

- Đối với các địa phương đã sáp nhập Phòng Y tế vào Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thì căn cứ tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương để quyết định giao Văn phòng tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay hoặc thành lập Phòng Y tế để thực hiện chức năng của phòng này và tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.

(6) Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.

(7) Phòng Dân tộc: thực hiện tương tự như đối với cấp tỉnh.

Sắp xếp, tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ chi thường xuyên  

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh, đề nghị các địa phương thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ chi thường xuyên trở lên theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, bảo đảm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiêt yếu gắn với cơ cấu lại, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước...

BCĐ đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị của địa phương xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, BCĐ Trung ương và định hướng, gợi ý của BCĐ Chính phủ; chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua (dự kiến Trung ương, Quốc hội sẽ họp trong tháng 2-2025).

DÂN AN

Chia sẻ bài viết