18/11/2020 - 19:48

Định hướng đầu ra cho nông sản đồng bằng 

Các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đang được xem là chìa khóa thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, từ những hiệp định thương mại tự do mang đến cơ hội mới cho hàng hóa nông sản Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp cũng đang phải đối diện những thách thức lớn cần sớm được giải quyết.

Hoạt động kết nối cung - cầu giữa TP Cần Thơ - Lâm Đồng - Trà Vinh được tổ chức tại TP Cần Thơ tháng 10-2020.

Hoạt động kết nối cung - cầu giữa TP Cần Thơ - Lâm Đồng - Trà Vinh được tổ chức tại TP Cần Thơ tháng 10-2020.

Kết nối cung - cầu

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, thời gian qua việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch COVID-19 đang gây đứt gãy rất nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, tác động trực tiếp đến ngành Nông nghiệp. Chính vì thế nhiều hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương trên cả nước, nhất là cho vùng ÐBSCL đã được ngành Công Thương tổ chức. Thông qua đó, rất nhiều nhà phân phối, bán lẻ đã quan tâm và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, nhiều năm qua, chương trình tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng thông qua tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các hội nghị kết nối cung cầu đã đem lại kết quả khả quan, thu hút được hàng nghìn đại biểu đến từ các tỉnh, thành trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và đã có nhiều biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc kết nối cung cấp sản phẩm, hợp tác giao thương được ký kết giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối.

TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn trong vùng, là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm chủ yếu của các tỉnh, thành Nam Bộ. Liên kết nội vùng giữa các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về sản xuất và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm là hết sức bức thiết. Từ thực tế đó, TP Hồ Chí Minh đã mở rộng hoạt động kết nối cung - cầu với các địa phương trên cả nước, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của thành phố và các địa phương, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường sang các nước lân cận.

Những năm qua, tại TP Cần Thơ, nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm được tổ chức với quy mô ngày càng đa dạng, mở rộng, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm nông sản của địa phương hiện có mặt tại kênh phân phối hiện đại. Ngành Công Thương với vai trò chủ đạo, đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức, tham gia nhiều chương trình, hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua các hội nghị kết nối cung - cầu, hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các điểm bán hàng Việt... Ðây là điều kiện để các doanh nghiệp, nhà sản xuất và nhà phân phối tăng cường sợi dây liên kết, tạo mạng lưới tiêu thụ nông sản bền vững. Ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng, thông qua các hội nghị kết nối cung - cầu, các doanh nghiệp của các địa phương mạnh dạn trao đổi, tìm hiểu, liên kết và ký kết các hợp đồng mua bán, cung ứng tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng miền nhằm đa dạng chuỗi cung ứng tiêu thụ...

Bà Nguyễn Minh Thùy Trân, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản xanh Cần Thơ, cho biết, là đơn vị phân phối các sản phẩm nông sản chất lượng cao. Việc tìm kiếm sản phẩm để đưa vào phân phối mất nhiều thời gian thẩm định. Thông qua những cuộc kết nối của các sở, ngành tổ chức, do sản phẩm tham gia đều được chọn lọc kỹ nên độ tin cậy cao, từ đó giúp chúng tôi dễ dàng tìm được những sản phẩm chất lượng từ các chương trình này. Ông Nguyễn Trường Chinh, chủ Cơ sở chế biến thực phẩm Năm Thụy, cho rằng, Cơ sở phát triển được như hôm nay nhờ thông qua các cuộc kết nối đã có thêm nhiều khách hàng tại nhiều vùng, miền. 

Thúc đẩy mở rộng thị trường quốc tế

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, nông nghiệp là ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài việc tăng sức cạnh tranh nhờ được ưu đãi về thuế suất (về 0%), EVFTA còn tạo ra cú huých cho các doanh nghiệp nông nghiệp thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách đầu tư; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là khâu chế biến và bảo quản.  

Khu vực phía Nam là một khu vực nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng mắc phải những điểm yếu cố hữu chung của nông nghiệp Việt Nam đó là, đa phần xuất khẩu sản phẩm thô hoặc sơ chế, chưa sự có tập trung đất đai để làm cánh đồng lớn cũng như còn quá ít những chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp của mình. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp ÐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức như: thiếu kết nối tin cậy giữa doanh nghiệp, nhà phân phối với người nông dân; quy trình sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhỏ lẻ, sản phẩm không đồng nhất, công nghệ lạc hậu, tính tuân thủ chưa cao; tranh chấp thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ), gian lận xuất xứ và cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước; chi phí logistics hiện nay chiếm gần ½ giá thành xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam, công nghệ bảo quản chưa phát triển; ngành Nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực ÐBSCL thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và thiên tai...

Thực thi EVFTA một số sản phẩm nông sản chủ lực được hưởng ưu đãi về thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực sẽ có lợi thế khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) như sản phẩm trồng trọt, rau quả có 520/556 dòng thuế về 0%; 85,6% dòng thuế áp cho rau quả chế biến cũng về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; cà phê, hạt tiêu 93% dòng thuế về 0%...  Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Thách thức gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu và khả năng bảo hộ sản phẩm trong nước, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước, không chỉ về giá mà còn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm khiến ngành Nông nghiệp dự báo gặp bất lợi, nhất là lĩnh vực chăn nuôi. Cùng đó, một số ngành hàng hiện nay của Việt Nam có nguy cơ khó đáp ứng các quy định về xuất xứ. Ðối với thủy sản, EU vẫn đang áp "thẻ vàng" - cảnh báo việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo đối với thủy hải sản xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU. Hiện EU tăng cường kiểm soát đối với thủy sản (100% các lô hàng thủy sản) và các mặt hàng nông sản khác xuất khẩu sang thị trường EU, đã tạo ra những rào cản khó khăn trong việc tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Ðể chủ động ứng phó với áp lực cạnh tranh, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng tối đa cơ hội cũng như giảm thiểu thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định, TP Cần Thơ đã từng bước chuẩn bị xây dựng các phương án, kế hoạch triển khai hợp lý cho những vấn đề có liên quan đến EVFTA. Tăng cường các hoạt động về cung cấp thông tin cần thiết cho doanh nghiệp thông qua hội thảo chuyên sâu về các thị trường trọng điểm. Ðồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết