02/03/2023 - 14:45

Điều trị thành công cho bé trai bị ban xuất huyết dưới da 

TTH.VN -

(CTO) - Các bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công cho bé trai 11 tuổi bị ban xuất huyết dưới da - bệnh Henoch scholein.

Bé bị ban nổi các chấm đỏ khắp hai chân. Ảnh do BV cung cấp.

Bé T.P.T (ở TP Cần Thơ) xuất hiện nhiều chấm đỏ ngoài da rải rác khắp hai chân, được gia đình đưa đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Người thân cho biết, bé đã bị bệnh được hai tuần. Lúc đầu, đau hai chân, sau đó sốt, ăn vào bị nôn ói lẫn máu đỏ tươi, đau bụng nhiều. Tình trạng chấm đỏ ở chân ngày càng lan rộng, đau khớp cổ và khớp gối. Bé đã được theo dõi, điều trị ở một BV khác không khỏi nên gia đình chuyển bé đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bé được chẩn đoán mắc ban xuất huyết Henoch Schonlein. Bệnh nhi được các bác sĩ điều trị kháng viêm corticoid toàn thân. Sau 4 ngày, các ban xuất huyết giảm dần, không còn các triệu chứng phù, đau bụng, đau khớp cổ chân và khớp gối, không có dấu hiệu xuất huyết thêm.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi trước khi xuất viện.

BS CKII Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Ban xuất huyết Henoch Schonlein là bệnh viêm mạch máu nhỏ hệ thống thường xảy ra ở trẻ em 3-15 tuổi, gây viêm các mạch máu nhỏ ở nhiều cơ quan: da, khớp, tiêu hóa, thận… Bệnh đặc trưng bởi các ban xuất huyết nổi gồ lên trên mặt da, không kèm giảm tiểu cầu, thường tập trung ở các vùng chịu áp lực như chi dưới, mông và kèm theo một số các triệu chứng khác như đau bụng từng cơn, nôn, đi ngoài ra máu; sưng, đau các khớp; phù, tiểu ít, có máu… Ngoài ra, trẻ có thể bị viêm giác mạc mắt hay viêm màng bồ đào; tổn thương thần kinh trung ương như nhức đầu, co giật, bệnh não cao huyết áp, xuất huyết não hay tổn thương thần kinh ngoại biên; tổn thương phổi như viêm phổi mô kẽ; tổn thương bìu, tinh hoàn hiếm gặp hơn.

Bệnh ban xuất huyết được chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, không có xét nghiệm chuyên biệt. Hiện bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, bảo vệ thành mạch, chống dị ứng, kháng viêm, làm giảm ảnh hưởng tối đa đến các cơ quan. Do đó, việc theo dõi và điều trị sớm giúp giảm nhẹ và tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Khi nghi ngờ bị ban xuất huyết Henoch Schonlein, người bệnh cần nhập viện khi cần thiết, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc, nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình điều trị và gặp các biến chứng nguy hiểm.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết