13/11/2018 - 21:14

Điều trị sớm tiền đái tháo đường, giảm nguy cơ biến chứng 

Tiền đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng đường huyết trong máu tăng hơn mức bình thường nhưng chưa vượt ngưỡng ĐTĐ. Theo Hiệp hội ĐTĐ Mỹ (ADA), nếu không có biện pháp ngăn ngừa, sau khoảng từ 3-10 năm, hầu hết những người tiền ĐTĐ sẽ bị mắc ĐTĐ tuýp 2.

Bệnh tiến triển âm thầm

Tiền ĐTĐ được xem như là rối loạn glucose (đường) máu khi đói, hay rối loạn dung nạp glucose hoặc cả hai. Lượng glucose bình thường trong máu khi đói (nhịn ăn ít nhất là 8 giờ) từ 70-100 mg/dL; bệnh ĐTĐ được chẩn đoán khi lượng glucose trong máu khi đói lớn hơn 126 mg/dL. Khi lượng glucose trong máu khi đói từ 100-125 mg/dL thì được chẩn đoán bị tiền ĐTĐ hoặc đường huyết sau ăn 2 giờ 140-199 mg/dL hoặc HbA1c là 5.7%-6.4%. Hầu hết tất cả những người bệnh ĐTĐ tuýp 2 đều trải qua giai đoạn tiền ĐTĐ.

ThS.BS Nguyễn Minh Nguyệt, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Tim mạch thành phố Cần Thơ, cho biết: Đối với người bình thường, sau khi ăn, tuyến tụy tiết ra insulin, nó hoạt động như một chìa khóa mở ra cánh cửa cho phép đường vào các tế bào, để giúp tạo năng lượng cho cơ thể và giúp làm giảm lượng đường máu. Trong khi đó, ở người tiền ĐTĐ, tuyến tụy bắt đầu không tiết đủ insulin hoặc các tế bào trở nên đề kháng với insulin, làm cho đường thay vì vào các tế bào thì tích tụ trong máu khiến đường huyết cao hơn bình thường.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi được bác sĩ chẩn đoán là đường huyết cao, nhiều bệnh nhân không quan tâm và dễ bỏ qua. Bệnh nhân Nguyễn Văn T. (ngụ tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều), đang nằm điều trị tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi chỉ bị vấp bậc cửa, chảy máu chút xíu, nghĩ là không sao nên cũng không đi khám. Tới khi nó hoại tử, đi tới bệnh viện khám thì phải cắt một ngón chân. Thời gian gần đây đôi mắt tôi bỗng dưng bị mờ, thị lực giảm hẳn, bác sĩ chẩn đoán tôi bị biến chứng của tiểu đường tuýp 2”. Kết quả này khiến ông T. vô cùng bất ngờ dù trước đó vài năm bác sĩ có cảnh báo về tình trạng tiền ĐTĐ của ông.

Theo ThS.BS Nguyễn Minh Nguyệt, tiền ĐTĐ là căn bệnh âm thầm phát triển theo thời gian và gần như không có những triệu chứng cụ thể nào, cũng không thật rõ ràng nên bệnh thường dễ bị bỏ qua. Cách duy nhất để có thể xác định là xét nghiệm máu, thử lượng glucose trong máu lúc đói, glucose trong máu bất kỳ. Nếu một người có các yếu tố nguy cơ như: thừa cân, béo phì; ít vận động thể lực; lớn hơn 45 tuổi; có mắc các bệnh tăng huyết áp hay mỡ máu; tiền căn trong gia đình có người bị ĐTĐ tuýp 2; phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang; đã từng bị ĐTĐ thai kỳ hay sinh con nặng trên 4kg, thì nên xét nghiệm đường máu định kỳ và cần sự tư vấn của bác sĩ.

ThS.BS Nguyễn Minh Nguyệt tư vấn cho bệnh nhân bị tiền ĐTĐ.

Kiểm soát tốt nguy cơ

Biện pháp điều trị chính yếu của tiền ĐTĐ là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Nếu bệnh nhân có thừa cân-béo phì thì phải giảm cân và tăng cường vận động thể lực. Mỗi bệnh nhân cần giảm khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể để ổn định được lượng glucose trong máu. Đồng thời, người mắc tiền ĐTĐ cũng cần một chương trình luyện tập thể dục hợp lý phù hợp với thể trạng. Tập thể dục giúp đẩy lùi tiền ĐTĐ nhờ sử dụng hết đường trong máu và cải thiện sự nhạy cảm insulin. Mỗi người tập thể dục trung bình mỗi lần 30 phút, 3-4 lần một tuần, với các môn nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đi xe đạp, khiêu vũ… Điều này còn giúp cải thiện các vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol, các bệnh lý xương khớp…

Ngoài ra, bệnh nhân mắc tiền ĐTĐ cần lưu ý bỏ thuốc lá, tránh bị stress, hạn chế bia rượu, ngủ đủ giấc, kiểm soát cholesterol và huyết áp cũng có thể giúp điều trị tiền ĐTĐ.

Bên cạnh việc thường xuyên tập luyện, chế độ ăn cũng rất quan trọng giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn. Người mắc tiền ĐTĐ nên ăn đa dạng các loại thức ăn, đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và cân đối các thành phần dinh dưỡng. Duy trì chế độ ăn nhiều chất xơ, nhiều nhóm vitamin và rau quả. Hạn chế các loại thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như: đường, nước ngọt, kẹo, đồ hộp đóng gói… Những người tiền ĐTĐ cũng nên ăn chừng mực, không nên ăn quá no hoặc để quá đói, phân bố bữa ăn hợp lý, không bỏ bữa sáng.

ThS.BS Nguyễn Minh Nguyệt khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần để có thể phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời. Từ đó, hạn chế hoặc kéo dài việc tiến triển thành bệnh ĐTĐ cũng như phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm.

Bài, ảnh: Tường Lam

Chia sẻ bài viết