23/07/2023 - 19:59

Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Tài chính tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN); điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân, doanh nghiệp tham khảo các chính sách thuế tại Chi cục Thuế khu vực Bình Thủy - Ô Môn.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN đạt 875.800 tỉ đồng, bằng 54% dự toán của năm. Ðồng thời, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70.300 tỉ đồng. Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn... Tổng chi NSNN 6 tháng ước đạt 804.600 tỉ đồng, bằng 38,8% dự toán của năm. Trong đó chi đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn (65.200 tỉ đồng) và tỷ lệ giải ngân đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 27,75%). Giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, bình quân 6 tháng, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Theo Bộ Tài chính, công tác quản lý, điều hành giá trong 6 tháng đầu năm đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, tạo dư địa điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm. Giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, bình quân 6 tháng, CPI tăng 3,29% so cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Nhìn chung, toàn ngành Tài chính đã tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; kiểm soát giá cả, thị trường; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, giữ ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính cũng ghi nhận một số khó khăn: thu NSNN 6 tháng giảm so cùng kỳ năm trước; tiến độ một số khoản thu, sắc thuế (tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) và thu NSNN trên địa bàn một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và cân đối ngân sách địa phương. Công tác triển khai dự toán chi NSNN, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công ở một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn chậm, kéo dài. Theo Bộ Tài chính, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5%, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng, TP Cần Thơ phấn đấu sẽ hoàn thành dự toán thu NSNN cả năm 2023 theo kế hoạch. Tuy nhiên, thành phố ước tính khả năng số thu NSNN sẽ giảm khoảng 1.500 tỉ đồng do việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế và do số doanh nghiệp dừng hoạt động. Do đó thành phố tập trung vào các giải pháp khai thác tăng thu và thu hồi nợ đọng thuế với khoảng 550 tỉ đồng và khai thác các khoản thu từ đất ước khoảng 1.000 tỉ đồng. Ðể phấn đấu hoàn thành dự toán Bộ Tài chính giao, trong 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện đầy đủ việc miễn, giảm thuế theo các chính sách đã được ban hành, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Ðồng thời, tháo gỡ khó khăn trong định giá đất để gia tăng nguồn thu từ đất, bù đắp khoảng thiếu hụt do thực hiện chính sách miễn, giảm thuế. TP Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Tài chính quan tâm hỗ trợ gỡ khó cho 2 dự án sử dụng vốn ODA là Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ và dự án Kè sông Cần Thơ - ứng phó biến đổi khí hậu sử dụng vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Ðồng thời, đề nghị Bộ xem xét phê duyệt phương án xử lý tài sản trên đất của Trạm giao dịch thuộc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ đặt tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Ðức Phớc, khi nền kinh tế phục hồi tốt, năng lực doanh nghiệp tốt sẽ có khả năng trả nợ ngân hàng, trái phiếu, trả nợ thuế, nộp bảo hiểm xã hội... nhưng nếu khó khăn sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn. Vì vậy cần tập trung thúc đẩy tăng năng lực cho doanh nghiệp, khi năng lực doanh nghiệp tăng sẽ giải quyết các nút thắt. Ðề nghị các bộ ngành, địa phương cùng tham gia với Bộ Tài chính trong vấn đề hoàn thiện pháp luật. Trong đó khâu then chốt là phải xác định giá đất để giải quyết khó khăn cho bất động sản, hoàn thiện pháp luật về thuế, Luật Ngân sách nhà nước. Cần tập trung thực hiện giải pháp tài khóa và tiền tệ, chương trình phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thu chi NSNN. Phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách. Ngành Thuế, ngành Hải quan, toàn ngành Tài chính hoàn thành dự toán thu NSNN, dùng nội lực vượt qua mọi khó khăn. Tăng cường kỷ luật tài chính, thanh tra kiểm tra, chống thất thu, ổn định phát triển thị trường tài chính và chứng khoán. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao trong quản lý tài sản công, nợ công, quản lý giá...

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2023 là 6,5%, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các mục tiêu lớn của nền kinh tế. Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách, kiểm soát bội chi. Phân bổ nguồn ODA có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục kiểm soát nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, đảm bảo khả năng trả nợ, uy tín quốc gia, an toàn tài chính quốc gia; tập trung giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp các bộ, ngành điều hành giá, quản lý giá đúng nguyên tắc thị trường, đảm bảo quy định pháp luật... Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính... Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh hoàn thuế cho doanh nghiệp, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân...

 

Chia sẻ bài viết