13/12/2008 - 08:57

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ:

Điều chỉnh mật độ nuôi hợp lý, dự báo sản lượng chính xác để phát triển bền vững nghề nuôi cá da trơn

 

Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vừa phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức Hội nghị quốc tế về nuôi cá da trơn ở châu Á với chủ đề “Hiện trạng và những thách thức trong phát triển bền vững”. Nhân dịp này, phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Thủy sản, Trường ĐHCT về xu hướng nuôi cá da trơn của thế giới và thực trạng tại Việt Nam hiện nay.

* Thưa ông, nghề nuôi cá da trơn ở các nước trên thế giới đang phát triển theo xu hướng nào?

- Cá da trơn là loài nuôi phổ biến ở châu Á. Nhiều quốc gia đã chọn cá da trơn làm đối tượng quan trọng trong chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản và không chỉ tạo sản phẩm tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Ở Việt Nam, cá da trơn- tiêu biểu là cá tra, cá ba sa- đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng. Xu hướng nuôi cá da trơn trên thế giới hiện nay là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển nghề nuôi bền vững. Việt Nam cũng đang đi vào xu hướng đó. Các nước trên thế giới khi mua sản phẩm đều muốn biết rõ nguồn gốc, quá trình nuôi, nuôi trong điều kiện thế nào, vùng nuôi có làm ô nhiễm môi trường không... Do đó, để có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới, chúng ta phải phát triển những mô hình nuôi đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

* Theo ông, nghề nuôi cá da trơn ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức gì?

- Việt Nam là nước nuôi cá da trơn sớm và phát triển vượt bậc so với các nước khác. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề, chủ yếu là thiếu tính bền vững. Hiện nay, Việt Nam nuôi cá da trơn ở mức thâm canh quá cao, dẫn đến tỷ lệ hao hụt và giá thành cao, đồng thời, gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề đặt ra là sản lượng quá nhiều trong khi thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết, thị trường xuất khẩu cũng chỉ có giới hạn. Thứ hai là nếu phát triển nghề nuôi cá tra ồ ạt mà không có qui hoạch, định hướng cụ thể thì sẽ tác động rất lớn đến môi trường, làm giảm tính bền vững. Mặt khác, chất lượng cá giống sẽ không đảm bảo hoặc không đáp ứng kịp khi nhu cầu nuôi quá cao.

Do đó, ngay từ bây giờ cần tập trung nghiên cứu về tác động môi trường của nghề nuôi cá tra, tạo con giống chất lượng cao. Quan trọng là phải tạo được diện tích nuôi hợp lý để sản lượng cá sản xuất ra có thể tiêu thụ được hết. Cần giãn các vùng nuôi để tránh những bất lợi về môi trường...

* Vậy, các nhà quản lý, nhà khoa học có những nghiên cứu, giải pháp nào giúp người nuôi tháo gỡ khó khăn này?

- Để giảm mật độ nuôi, hạn chế gây tác động môi trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía để cùng xây dựng những tiêu chí phát triển bền vững nghề nuôi cá da trơn. Hiện nay, Trường ĐHCT đang phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản Châu Á- Thái Bình Dương và các cơ quan thủy sản của Úc xây dựng qui trình nuôi cá tốt hơn, tạo được sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường và có thể phát triển lâu dài.

Bên cạnh đó, nhiều viện, trường, đơn vị có những công trình nghiên cứu về cá da trơn, đặc biệt là vấn đề liên quan đến kỹ thuật nuôi. Ở khía cạnh này, Trường ĐHCT đang tập trung nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn cho cá tra, quản lý sức khỏe của cá trong ao nuôi, nghiên cứu cải thiện chất lượng giống... Vấn đề về môi trường, nguồn nước cũng có những nghiên cứu bước đầu như: nghiên cứu chu trình chuyển hóa những chất dinh dưỡng trong ao để xác định khả năng gây ô nhiễm của ao nuôi với môi trường xung quanh... Với những nghiên cứu đó, trong tương lai, chúng ta có thể đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để quản lý môi trường nước khi nuôi cá tra, cá ba sa.

* Theo ông, giải pháp nào là khả thi, an toàn để nghề nuôi cá da trơn phát triển bền vững, đặc biệt là trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay?

- Giá cá tra xuất khẩu hiện nay không tăng nhiều, thậm chí còn chựng lại trong khi giá thành sản xuất luôn tăng lên, khiến cho lợi nhuận của người nuôi ngày càng thấp đi, thậm chí là lỗ. Chúng tôi cho rằng giải pháp khả thi ngay trước mắt là phải điều chỉnh ngay sản lượng nuôi mà bắt nguồn là điều chỉnh mật độ nuôi cho hợp lý. Giải pháp xa hơn là làm thế nào để giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí thức ăn bởi mọi biến động về thức ăn sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất chung. Hiện nay, do giá nguyên liệu thức ăn tăng, nhiều công ty đã tăng giá thức ăn khiến chi phí thức ăn chiếm khoảng 70% chi phí sản xuất. Để ổn định giá thức ăn, Nhà nước phải có giải pháp ở tầm vĩ mô, chẳng hạn như giảm thuế nguyên liệu nhập khẩu...

Về lâu dài, phải tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất thức ăn- người nuôi- doanh nghiệp thu mua cá. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng mua cá với người nuôi nhưng không thực hiện. Người nuôi đành chịu thiệt thòi vì hợp đồng chỉ là bản ghi nhớ giữa hai bên chứ không nêu rõ giá cá sẽ mua, sản lượng thu mua và quan trọng là hợp đồng không có giá trị pháp lý. Cần có giải pháp giúp người nuôi hợp đồng chính thức, cụ thể về giá cá, sản lượng... với doanh nghiệp thu mua.

Một vấn đề rất quan trọng mà Việt Nam đang bỏ ngỏ là không dự báo được cho người nuôi sản lượng cá hiện có của Việt Nam, nhu cầu của thị trường và khả năng tiêu thụ trong, ngoài nước. Ở các nước khác, thông tin dự báo được làm rất kỹ. Ví dụ, Nhà nước dự báo là năm nay, hiệp hội này chỉ nên sản xuất 1 ngàn tấn cá thì người nuôi sẽ tự điều chỉnh sản lượng nuôi cho phù hợp. Do đó, Việt Nam nên thực hiện dự báo, cung cấp những thông tin cụ thể, chính xác để hỗ trợ cho người nuôi và cũng nhằm tránh tình trạng cung- cầu không gặp nhau.

* Cảm ơn ông!

LỆ THU (thực hiện)

Chia sẻ bài viết