KIẾN HÒA (Tổng hợp)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 3-3. Đây là chuyến công du Mỹ đầu tiên của ông Scholz kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Tuy nhiên, cuộc gặp đã diễn ra lặng lẽ và Nhà Trắng không tổ chức lễ đón tiếp như thường lệ dành cho vị khách cấp cao.
Cuộc hội đàm lặng lẽ

Tổng thống Joe Biden (phải) thảo luận với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng hôm 3-3. Ảnh: Reuters
Cũng khác với chuyến thăm Mỹ đầu tiên vào ngày 7- 2-2022 (tức vài tuần trước khi xảy ra cuộc chiến Nga - Ukraine), lần này Thủ tướng Scholz không có đoàn báo chí tháp tùng và do đó cũng không có cuộc họp báo nào sau cuộc gặp với ông Biden. Thay vào đó, Nhà Trắng đưa ra thông cáo cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ - Đức đã thảo luận về “cam kết áp đặt cái giá phải trả cho cuộc chiến của Nga đến khi nào cần thiết và trao đổi quan điểm về các vấn đề toàn cầu khác”.
Thực ra, trước khi vào Phòng Bầu dục, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Đức cũng có đôi lời vắn tắt về nội dung thảo luận trước các nhà báo tại Nhà Trắng. Ông Biden cho biết hai bên muốn hợp tác chặt chẽ đến chừng nào còn cần thiết nhằm hỗ trợ cho Ukraine. “Là những đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, chúng tôi đang làm cho liên minh mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn”, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố. Về phần mình, Thủ tướng Scholz nói “2023 là năm rất quan trọng bởi mối đe dọa hòa bình nguy hiểm từ cuộc chiến của Nga tại Ukraine. “Vào thời điểm này, tôi nghĩ điều rất quan trọng là chúng tôi cần đưa ra thông điệp rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine đến khi nào còn cần thiết", ông Scholz bày tỏ quan điểm giống với Tổng thống Biden.
Theo tờ New York Times, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức diễn ra trong bối cảnh Nga gần như kiểm soát thị trấn chiến lược Bakhmut, đồng thời đang chuẩn bị các cuộc tấn công mới tại miền Đông và Nam Ukraine trong vài tuần tới, giữa lúc một số nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn chính phủ dừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Do đó, sự có mặt của ông Scholz thể hiện sự đoàn kết giữa Mỹ và các đồng minh trong vấn đề chia sẻ gánh nặng an ninh cho Ukraine. Trong khi đó, chỉ tính riêng tháng 1-2023, hai ông Biden và Scholz đã có vài lần điện đàm và gặp trực tiếp trong các cuộc họp đa phương ở nước ngoài. Dù cố gắng thể hiện sự thống nhất trong NATO, Mỹ và các đồng minh thường phải “e dè” khi công bố quyết định gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine vì lo ngại dư luận trong nước phản đối hành vi “châm dầu vào lửa”. Chẳng hạn, Mỹ chỉ cam kết cung cấp khoảng 30 xe tăng Abrams cho Ukraine với điều kiện Đức hứa hỗ trợ 62 xe tăng Leopard cho Kiev. Chưa rõ đến khi nào những chiếc xe tăng này của Mỹ và Đức sẽ được chuyển giao cho Ukraine.
Bí ẩn vấn đề Trung Quốc
Ngay trước khi bay sang Mỹ, Thủ tướng Scholz đã có bài phát biểu trước Quốc hội Đức hôm 2-3, trong đó ông kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép Nga rút quân khỏi Ukraine, đồng thời không được cung cấp vũ khí cho Nga. Thời gian gần đây, vấn đề khả năng Bắc Kinh hỗ trợ vũ khí cho Mát-xcơ-va được giới chức tại Washington liên tục cảnh báo, dù Trung Quốc cũng nhiều lần bác bỏ. Giới chức Mỹ cho biết thêm chính quyền ông Biden đã bắt đầu tham vấn các đồng minh về các biện pháp cấm vận Trung Quốc nếu nước này can dự vào cuộc chiến Nga - Ukraine. Vì thế, người ta tin rằng vấn đề Trung Quốc đã được hai ông Biden và Scholz thảo luận tại Nhà Trắng.
Thế nhưng, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Đức đều không công khai thừa nhận sự lo ngại tiềm ẩn của họ về sự can dự của Trung Quốc vào cuộc xung đột Nga - Ukraine. Thậm chí, Tổng thống Biden còn từ chối trả lời liệu ông và Thủ tướng Scholz có thảo luận về vấn đề này hay không. Vấn đề Trung Quốc chỉ được Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đề cập trước báo giới. Bà nói rằng Mỹ chưa thấy Trung Quốc làm bất cứ điều gì liên quan đến việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng một lần nữa cảnh báo: “Mỗi bước đi của Trung Quốc đối với Nga đều khiến Trung Quốc khó khăn hơn với châu Âu và các nước khác trên thế giới”.
Một quan chức Liên minh châu Âu (EU) hôm 3-3 cũng cảnh báo nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Mát-xcơ-va thì đó là “lằn ranh đỏ tuyệt đối” và Brussels sẽ đáp trả với các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, lập trường của Berlin trước Bắc Kinh không cứng rắn như Washington, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và một sự trừng phạt khả dĩ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Cuộc gặp giữa hai ông Biden và Scholz diễn ra tại Nhà Trắng cùng ngày Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ cung cấp bổ sung viện trợ quân sự trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, bao gồm nhiều đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động đa nòng (HIMARS) và 8 xe bọc thép bắc cầu (AVLB). Đây là lần đầu tiên Mỹ quyết định cung cấp cho Ukraine những phương tiện vận tải có thể giúp xe tăng và các phương tiện chiến đấu khác vượt sông và các chướng ngại trên nước. Đây cũng là gói viện trợ thứ 33 của Mỹ dành cho Ukraine kể từ tháng 8-2021. Tính riêng kể từ khi xảy ra xung đột, Mỹ đã cam kết khoảng 32,2 tỉ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine.