13/10/2019 - 14:32

Thị trường Bất Động Sản Cần Thơ

Diễn biến ra sao trong thời gian tới? 

Những tháng gần đây, giao dịch bất động sản (BĐS) trên địa bàn thành phố có dấu hiệu “chựng” lại. Tuy nhiên, theo thống kê của nhiều đơn vị môi giới BĐS, bước sang đầu quý IV-2019, lượng khách giao dịch đã khởi sắc và cải thiện tốt hơn. Vậy thị trường BĐS sẽ diễn biến ra sao trong những tháng còn lại của năm 2019 và đầu năm 2020?

Ông Đặng Văn Kiệt, Giám đốc Công ty BĐS Datiland, có trụ sở tại Khu nhà ở Nam Long, chia sẻ: Qua 10 ngày đầu của tháng 10, công ty đã môi giới giao dịch thành công 5 sản phẩm nhà, đất. Không chỉ riêng Datiland mà các đơn vị bạn cũng giao dịch tốt hơn so với những tháng trước đó. Giới kinh doanh, môi giới kỳ vọng thị trường sẽ sôi động hơn trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Cũng theo ông Đặng Văn Kiệt, thị trường BĐS ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng… các giao dịch hiện nay chủ yếu là của người mua trước bán lại cho người mua sau, chứ chưa có dự án mới (có giấy đỏ) do chủ đầu tư trực tiếp bán ra cho khách hàng. Do đó, nhiều khả năng giá BĐS sẽ còn tăng, nhu cầu mua của khách hàng cũng còn rất lớn, khi thành phố ngày càng thu hút mạnh đầu tư, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đến an cư, làm việc tại các viện, trường trên địa bàn thành phố.

Theo Tổng Công ty Đất xanh Tây Nam Bộ, thời gian qua những thông tin về Địa ốc Alibaba lừa dối khách hàng đã tác động tiêu cực đến thị trường BĐS cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng. Nhưng thực tế các dự án BĐS ở miền Tây với sản phẩm chính thống “tiền tươi, thóc thật” nên khách hàng không phải băn khoăn, nghi vấn về tính pháp lý như ở một số nơi khác. Qua sự cố của Địa ốc Alibaba càng làm cho khách hàng có nhu cầu đầu tư BĐS phải thận trọng hơn khi giao dịch, lại là điều hoàn toàn tích cực, vì có như thế thì những chủ đầu tư chân chính càng phát huy được tiềm lực, uy tín đối với những dự án mà doanh nghiệp đang đầu tư.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết về thị trường BĐS Cần Thơ quý III-2019, ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, nhận định: “ĐBSCL với quy mô dân số trên dưới 18 triệu dân, đang trở thành điểm hẹn đầu tư BĐS của những đơn vị uy tín hàng đầu cả nước, mở lối cho sự tăng trưởng lợi nhuận BĐS và bộ mặt của đô thị ngày càng chỉn chu, hiện đại”. Nhiều ý kiến của các hội viên là doanh nghiệp đều có chung nhận định về sự sôi động của thị trường BĐS tại TP Cần Thơ cũng như cả ĐBSCL trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, phân khúc BĐS nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp dưới 1 tỉ đồng/căn hộ (hoặc đất nền) hiện rất ít nhà đầu tư tham gia, trong khi đây là nhu cầu của phần lớn khách hàng là công nhân lao động, viên chức hiện nay.

Một số doanh nghiệp đã nhiều năm đầu tư dự án BĐS trên địa bàn thành phố cũng chia sẻ, 6 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS Cần Thơ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng giao dịch, giá BĐS cũng tăng khá mạnh. Nhưng sang quý III-2019, giao dịch có chiều hướng chững lại so với cùng kỳ, chủ yếu diễn ra ở thị trường thứ cấp do không có nhiều dự án mới. Tuy nhiên, giá BĐS không giảm, dự báo bước sang quý IV-2019, thị trường sẽ “ấm” trở lại, mức giá có thể sẽ tăng, đặc biệt ở phân khúc đất nền dự án và nhà phố xây sẵn.

TP Cần Thơ với những thế mạnh riêng đang là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản.

Hiện tại, TP Cần Thơ và một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư các dự án BĐS như: VinGroup, Novaland, FLC, KITA Group, LDG, Phú Cường, Hoàng Quân, T&T... tập trung phát triển các khu đô thị phục vụ nhu cầu để ở và kinh doanh tại chỗ. Thời gian tới, theo ông Dương Quốc Thủy, ĐBSCL sẽ đón nhận xu hướng đầu tư BĐS nghỉ dưỡng và resort theo mô hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng miệt vườn. Tín hiệu đầu tiên là dự án FLC La Vista Sa Đéc của FLC Homes (thuộc Tập đoàn FLC). Xu hướng đầu tư này là hệ quả tất yếu của sức phát triển và đầu tư du lịch mạnh mẽ tại BĐSCL trong thời gian qua. Riêng TP Cần Thơ, năm 2018 đã đón hơn 8,5 triệu lượt khách du lịch và năm 2019-2020, con số này được dự báo tăng hơn rất nhiều.

Ngoài ra, thời gian tới, cùng với sự quan tâm từ Trung ương và các bộ, ngành, đầu tư các dự án về hạ tầng giao thông như: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, dự án đường sắt cao tốc Sài Gòn - Cần Thơ... sẽ rút ngắn khoảng cách giữa TP Hồ Chí Minh và miền Tây. ĐBSCL chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ hội mới để nhà đầu tư trong và ngoài nước đến “đầu quân” vùng đất này để khai thác, phát triển thị trường BĐS vốn rất nhiều tiềm năng.

Ông Trịnh Quang Tiến, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Cần Thơ, nhận định: Năm 2018, TP Cần Thơ tổ chức hội nghị mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư các dự án về BĐS, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, các dự án khu công nghiệp… Qua đó, đã có rất nhiều nhà đầu tư là doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong, ngoài nước có tiềm lực, uy tín đến ký kết tham gia thực hiện dự án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, từ khi có chủ trương chấp thuận đầu tư đến khi hình thành sản phẩm bán ra thị trường (nhất là dự án BĐS) nhanh nhất cũng mất 2-3 năm. Do đó, đến năm 2021-2022, TP Cần Thơ mới có nhiều dự án BĐS, sản phẩm phong phú, đa dạng, khách hàng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn. Còn hiện nay, do nguồn cung đã “cạn” nên thị trường sẽ không quá sôi động, thiếu sự cạnh tranh về sản phẩm, giá bán, nên đến cuối năm 2019, đầu năm 2020 giá BĐS có chiều hướng tăng là khó tránh khỏi.

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết