27/06/2010 - 09:37

Điểm tựa yêu thương

Một nhà văn đã nói: “Không gia đình, con người học yêu thương, đoàn kết và hy sinh ở đâu?”. Xây dựng một gia đình đã khó, giữ ngọn lửa nồng ấm, hạnh phúc trong gia đình lại càng khó hơn. Để gia đình thực sự là mái ấm yên bình, nuôi dưỡng, hình thành và giáo dục nhân cách con người, đòi hỏi cha mẹ - người chủ gia đình phải thật sự là điểm tựa cho con cái, mỗi thành viên phải dày công vun đắp, giữ mãi ngọn lửa yêu thương. Và từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đã xuất hiện những gương sáng về gia đình nề nếp, cha mẹ gương mẫu, con cái hiếu thảo, giỏi, ngoan, tôn vinh giá trị thiêng liêng về nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam.

Chung tay giữ mái ấm:

Vợ chồng chú Lý Lượm hạnh phúc bên con cháu. 

Trải qua 25 năm công tác, dù ở cương vị nào, chị Đặng Thị Thúy Lâm, Trưởng Phòng Quản lý lao động việc làm kiêm Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB& XH) TP Cần Thơ, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Viên chức thành phố luôn chu toàn việc cơ quan, đảm đương việc nhà, tạo dựng được một mái ấm gia đình hạnh phúc, với người chồng hết mực yêu thương, con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Chị Lâm thường nói: “Tôi có thể phấn đấu thành đạt như hôm nay là nhờ vào gia đình”. Tuy chỉ 2 tiếng gia đình đơn giản nhưng với chị, nó mang ý nghĩa thật thiêng liêng, sâu sắc.

Quê ở Hưng Yên, ba mẹ chị không nhiều của cải nhưng tình thương con thì vô bờ, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng mọi vất vả để 6 chị em của chị Lâm được học hành nên người. Năm 1978 gia đình chị vào Cần Thơ sinh sống. Sau khi học xong lớp Trung cấp lao động tiền lương tại TP Hồ Chí Minh, năm 1985, chị Lâm về Sở Lao động tỉnh Hậu Giang cũ (nay là Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ) công tác cho tới nay. Nhiệt tình, có trách nhiệm và luôn gương mẫu trong mọi công việc là nhận xét của nhiều đồng nghiệp dành cho chị. Muốn làm tốt hơn nhiệm vụ được giao, năm 1988, chị Lâm theo học ĐH Kinh tế, hệ tại chức. Trải qua nhiều công việc khác nhau, luôn đạt kết quả tốt, năm 2010 chị Lâm được đề bạt Trưởng Phòng Quản lý lao động việc làm. Công việc của chị gắn liền với bảo vệ quyền lợi cho người lao động; tham mưu cho Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm TP Cần Thơ, quản lý và điều hành các dự án trong chương trình... Năm 1997, chị Lâm được kết nạp Đảng, giờ là Phó bí thư chi bộ 2, thuộc Đảng bộ Sở LĐ-TB&XH. Trong quá trình công tác, chị nhận được nhiều bằng khen các cấp, được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Lao động Thương binh Xã hội, nhiều năm liền chị là Chiến sĩ thi đua, 5 năm liền đạt danh hiệu 2 giỏi “Giỏi việc nước đảm việc nhà” cấp thành phố... Trò chuyện với tôi, chị ít nói về thành tích của bản thân mà dành nhiều thời gian kể về gia đình. Chồng chị - anh Nguyễn Văn Trường (công tác tại Công ty Pepsico chi nhánh ở Bình Thủy) - hiền lành, ít nói, tốt bụng, sống nghĩa tình, hết mực yêu thương vợ con. Anh chị cưới nhau, hai đứa con trai lần lượt ra đời, vất vả không kể xiết nhưng anh chị luôn giữ cuộc sống hòa thuận, đầm ấm, đồng lòng vượt khó. Từ số tiền dành dụm và được người thân giúp đỡ, anh chị mua căn nhà tập thể hóa giá ở hẻm 43 đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều, sống tới nay. Tuy khá bận rộn nhưng chị Lâm cố gắng sắp xếp, dung hòa mối quan hệ gia đình - công việc. Có giai đoạn, mẹ chồng bệnh nặng, chị đã rước bà từ quê về ở chung, hết lòng phụng dưỡng. Cảm kích trước tấm lòng của vợ, anh Trường càng chu toàn vai trò trụ cột gia đình và trên tinh thần cầu tiến, anh cũng tự học tập nâng cao trình độ để làm tốt việc cơ quan, kèm cặp việc học của con cái. Cả hai thường bảo nhau tự làm mới mình để phù hợp với nhau, anh bỏ thói quen hút thuốc, hạn chế uống rượu; chị học nấu những món ngon để bồi dưỡng cho gia đình vào dịp cuối tuần, lễ, tết. Những ngày anh Trường vào ca đêm, chị Lâm và các con thấp thỏm mong chờ, chừng nào nghe tiếng xe quen thuộc ngừng trước cửa nhà, mọi người mới yên tâm an giấc. Còn chị Lâm vào các đợt cao điểm, phải đem báo cáo về nhà làm mới kịp, anh Trường dành hết phần việc nhà để chị thoải mái làm việc. Ly nước chanh, sữa nóng bồi dưỡng giữa khuya là chất keo làm tình cảm vợ chồng thêm nồng ấm. Tính chị Lâm vui vẻ, năng động, nên có chị ở nhà không khí gia đình luôn rộn ràng. Chị không đặt ra tiêu chuẩn nhưng luôn nhắc các con phải ngoan, đạt nhiều điểm 10 để mẹ cha vui. Hiện con trai lớn chị đang ôn thi đại học, con trai út sắp vào lớp 6, vừa đạt danh hiệu Học sinh Giỏi cấp quận. 19 năm sống chung, chị Lâm đúc kết: “Chúng tôi tôn trọng và tin tưởng nhau, ngoài công việc, dành hết tâm ý cho gia đình, vun vén để nó thật sự trở thành chốn bình yên của mỗi người. Tôi may mắn được làm việc cùng một tập thể đoàn kết, sẵn sàng đùm bọc, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, về nhà thì được chồng hỗ trợ hết mình. Người phụ nữ có được sự chia sẻ của gia đình là điều kiện quan trọng để làm tốt vai trò ngoài xã hội”.

19 năm qua, vợ chồng chị Đặng Thị Thúy Lâm vẫn mặn nồng như thuở ban đầu. Ảnh: K.C 

Nhắc đến bà xã, giọng anh Trường trở nên trìu mến: “Vợ chồng là duyên phận nhưng để sống đời với nhau cần có sự nỗ lực của cả hai. Chúng tôi luôn yêu thương, tôn trọng nhau và luôn tự hoàn thiện bản thân để phù hợp với người bạn đời, làm gương cho con cái, mong sau này chúng tiếp tục xây dựng được một gia đình hạnh phúc, nề nếp”. Theo anh Trường, dù có gặp chuyện gì khó khăn, buồn nản cỡ nào đi nữa, về đến nhà, nhìn nụ cười tươi tắn của vợ, bữa cơm gia đình đầm ấm với hai con ngoan, lòng anh nhẹ nhàng hẳn đi và anh biết dù phải đối mặt với bao gian nan, trở ngại trong cuộc sống, cũng sẵn sàng vượt qua để gìn giữ, bảo vệ mái ấm của mình. Và chính sự đồng cảm này mà cả anh và chị đều là điểm tựa tinh thần của nhau, của con cái, giúp nhau hoàn thành tốt công việc của mình.

Nghĩa tình sâu nặng:

Gia đình chú Lý Lượm là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của phường năm 2010. Vợ chồng chú là người dân tộc Khmer, có 9 người con, đều có công ăn việc làm ổn định, sống hòa thuận, thương yêu nhau. Vợ chồng chú Lượm sống cùng 6 người con ở số nhà 241 Nguyễn Thị Minh Khai, còn 3 người con khác đã lập gia đình, ra riêng. 4 đứa cháu nội ngoại xinh xắn, ngoan, học giỏi làm niềm vui tuổi già của vợ chồng chú như nhân đôi.

Chú Lượm hiện là Tổ trưởng tổ 3, khu vực 1, Chi hội trưởng chi hội 1 Người cao tuổi phường Xuân Khánh, thành viên đại biểu dân tộc của Mặt trận Tổ quốc phường Xuân Khánh và quận Ninh Kiều, thành viên Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ. Bà con trong khu vực quí mến chú không chỉ vì tinh thần hết lòng vì việc chung mà còn trân trọng bởi nếp nhà hạnh phúc, gương mẫu của gia đình chú. Có lẽ tính tình vui vẻ, tinh thần sảng khoái khiến chú Lượm trông quắc thước, trẻ hơn nhiều so với tuổi 72. Thiếm Lý Thị Cân tuy mái tóc bạc trắng nhưng vẫn giữ được nét xuân sắc. Nhìn cảnh cô chú quan tâm, chăm lo cho nhau từng bữa ăn, giấc ngủ, từng viên thuốc lúc trái gió trở trời, mới thấm thía tình nghĩa vợ chồng sâu nặng.

Quê chú Lượm ở An Giang, năm 1950, gia đình chú lên Cần Thơ sinh sống, rồi chú bị bắt quân dịch. Sau giải phóng, chú Lượm về khu vực 1, phường Xuân Khánh tham gia công tác bảo vệ dân phố và nhiều công tác khác ở địa phương cho đến nay. Hôm chúng tôi đến nhà, mấy người con chú Lượm đang cùng nhau gia công giày, nghe ba mẹ kể chuyện xưa, không khí rất vui vẻ, thân tình. Ngắm ngôi nhà được tu sửa khang trang từ sự chắt chiu của các thành viên trong gia đình, thiếm Cân khoe, từ trước đến nay gia đình sống rất thuận hòa, con cháu hiếu thảo, hễ ba mẹ muốn gì các con đều cố gắng thực hiện cho bằng được. Ngược lại, vợ chồng thiếm rất tâm lý, nhẹ nhàng trong việc dạy dỗ con cái nên ai cũng cảm thấy được tôn trọng. Những ngày cuối tuần, nhà chú thiếm rất vui, bởi con cháu tụ hội về đông đủ, bày biện nấu nướng. Con gái út của chú Lượm là Lý Thị Bửu Ngọc, đang học tại chức năm thứ hai khoa Dược của Trường Cao đẳng y tế Cần Thơ, kể: “Em may mắn được sinh ra trong gia đình hạnh phúc, nề nếp, mọi người hết lòng vì nhau. Ba mẹ rèn chúng em từng lời ăn tiếng nói, cách cư xử. Em rất biết ơn ba mẹ đã cho chúng em một mái ấm yên bình”.

Hồi tưởng lại quá khứ, thiếm Cân tưởng như chỉ vài năm qua. Thiếm nhớ, hồi đó cha mất sớm, thiếm phải đi làm thuê nuôi mẹ bệnh. Ở độ tuổi đôi mươi, là cô gái giỏi giang, lanh lợi với nụ cười tươi tắn, thiếm được nhiều thanh niên để ý, theo đuổi nhưng không hiểu sao thiếm lại có cảm tình với chú Lượm và quyết định gắn bó cuộc đời với người thanh niên thật thà, tốt bụng này. Chú thiếm cưới nhau vào năm 1964, sau đó sinh sống ở nhiều địa phương. Có 4 đứa con, thiếm đảm đương tốt việc chăm sóc, dạy dỗ con cái để chồng yên tâm làm việc. Sau năm 1975, chú thiếm về lại Cần Thơ, có thêm 5 người con nữa, không may có một đứa bị dị tật, không đi đứng bình thường. Đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, con đông, nào tiền ăn, tiền học, tiền thuốc thang cho con,... chú thiếm thường trải qua những đêm trằn trọc đến sáng. Thiếm Cân nói: “Lúc đó, thấy vợ chồng tôi khổ quá, má tôi cho căn nhà này để ở. Không tiền, không nghề nghiệp, nhìn đàn con nheo nhóc, tôi chỉ biết khóc. Còn nhớ những lúc tôi buồn chán, ổng thường nắm chặt tay tôi, động viên đừng nản lòng, ráng nuôi dạy con nên người”. Bước vào cuộc mưu sinh mới, thiếm Cân lo việc nội trợ, bán trái cây trước nhà, còn chú Lượm đi mua ve chai, chạy xe đạp ôm. Sống trong hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chú càng thương yêu nhau hơn. Người con lớn của cô chú chấp nhận nghỉ học sớm, phụ cha mẹ lo cho các em. Chú Lượm nói: “Các cháu thương nhau lắm, đứa lớn bảo ban đứa nhỏ học hành, nghe lời cha mẹ, không để xảy ra chuyện cự cãi trong nhà. Chúng tôi thường xuyên gần gũi, tâm sự, dạy con gìn giữ nếp nhà, không được làm điều gì sái quấy”.

Thấm thoát mà vợ chồng chú Lượm đã 46 năm gắn bó. Cũng có những lúc giận hờn, cãi vã nhưng chú thiếm luôn biết nhường nhịn và lắng nghe nhau để sửa mình, cùng nhau phân tích thiệt hơn, mỗi khi cơn buồn giận qua đi. Nhờ vậy, vợ chồng thêm hiểu và thương nhau hơn. Biết vợ cực khổ đã nhiều, chú Lượm luôn tìm cách để vợ vui như tạo điều kiện cho vợ giải trí, du lịch, gặp gỡ bạn bè. Thiếm Cân hiện bị bệnh cao huyết áp, nhức mỏi, chú Lượm luôn quan tâm chăm sóc vợ. Khi nói về nhau, ánh mắt chú Lượm và thiếm Cân luôn sáng lên niềm hạnh phúc và tôi hiểu đó là ngọn lửa yêu thương gần 50 năm qua họ đã cùng nhau nhóm lên và duy trì cho nhau, cho con cháu. Ông Nguyễn Như Hải, Trưởng khu vực 1, phường Xuân Khánh, nhận xét: “Chú Lượm là người rất nhiệt tình với công tác đoàn thể, địa phương, gia đình chú có lối sống mẫu mực, trên dưới thuận hòa. Mấy chục năm qua, cô chú vẫn giữ được nếp nhà trong ấm ngoài êm, hạnh phúc, rất đáng khen”.

* * *

Chia tay vợ chồng chị Lâm, chú Lượm, tôi càng thấu hiểu câu nói: Không nơi nào có thể sánh bằng mái ấm gia đình. Trân trọng và gìn giữ hạnh phúc gia đình chính là quà tặng vô giá của cha mẹ dành cho con cái, góp phần vun bồi nhân cách, lòng nhân ái cho thế hệ nối tiếp - những người chủ tương lai của đất nước.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết