Gần 90 năm trước, tại căn chòi nhỏ gần lẫm lúa của đồn điền Cờ Đỏ, xã Thới Đông, quận Ô Môn (nay là thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ), Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ra đời, với 3 đảng viên. Chi bộ thành lập đã khẳng định vai trò lịch sử và sự ảnh hưởng đối với phong trào cách mạng ở Cần Thơ và các tỉnh miền Hậu Giang, đưa cuộc đấu tranh của nhân dân ta lên tầm cao mới. Từ “điểm son” với những hạt giống đỏ đầu tiên ấy, đến nay, Đảng bộ TP Cần Thơ đã phát triển lên hơn 700 tổ chức cơ sở đảng, với hơn 50.000 đảng viên!
![Điểm Son 90 năm!](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2019/20190203/images/image007(1).gif)
Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy kiểm tra xây dựng Khu di tích lịch sử Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.
Thổi bùng phong trào cách mạng
Năm 2009, đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ, Thành ủy Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của Chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng Cần Thơ và trong vùng”. Bằng những nguồn tư liệu phong phú, hội thảo đã tái hiện rõ bối cảnh ra đời và vai trò lịch sử của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.
Trong đề dẫn do đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Ban Tổ chức hội thảo trình bày, nêu rõ: Thực hiện chủ trương của Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang, đêm 10-11-1929, tại một căn chòi gần lẫm lúa của đồn điền Cờ Đỏ, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ra đời, với 3 đồng chí, gồm: Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Nhung và Bảy Núi, do đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư. Sau khi thành lập, các đồng chí trong Chi bộ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với tá điền và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của tá điền nơi đây để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tá điền đấu tranh đòi quyền lợi thiết thân và đặc biệt là gầy dựng cơ sở, phong trào cách mạng. Các đồng chí đã giúp Đặc ủy nghiên cứu tình hình nông dân trong đồn điền Tây, những thủ đoạn bóc lột của chủ điền Tây đối với tá điền và người lao động. Từ đó, rút ra phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, giác ngộ cách mạng trong nông dân để Đặc ủy lãnh đạo phong trào cách mạng các tỉnh miền Hậu Giang.
Tham luận của đồng chí Lư Văn Điền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ tại hội thảo, cho rằng: Việc Đặc ủy chọn Cờ Đỏ để xây dựng tổ chức Đảng đầu tiên của tỉnh Cần Thơ là rất phù hợp. Bởi vì, lúc bấy giờ, chủ điền Tây đã cho xây dựng một lẫm lúa lớn, các xưởng cơ khí, nhà máy xay xát... Chúng thuê mướn hàng ngàn người dân đến làm thuê- đây là điều kiện thuận lợi để cán bộ của Đảng dễ dàng thâm nhập hoạt động mà kẻ thù khó phát hiện. Mặt khác, do chủ điền Tây áp bức, bóc lột, trả tiền công lao động rẻ mạt, không đúng định kỳ đã gây mâu thuẫn sâu sắc với người lao động, đó là điều kiện thuận lợi để vận động và giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng và làm cách mạng…
Vì thế, sau khi thành lập, các đồng chí trong Chi bộ nhanh chóng tiếp cận với người lao động làm thuê để tuyên truyền giác ngộ lòng yêu nước và ý thức cách mạng; vận động đình công, đấu tranh buộc bọn chủ điền Tây phải trả tiền công lao động đúng kỳ. Các đồng chí đã tuyên truyền cho quần chúng biết vì sao bị nghèo khổ và chỉ ra con đường duy nhất là phải đoàn kết một lòng đấu tranh với bọn chủ điền Tây đòi quyền lợi thiết thực cho mình. Đặc biệt, các đồng chí đã giác ngộ cho người lao động làm thuê hiểu rằng phải đứng dưới ngọn cờ của Đảng tiền phong để đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập thì mới thoát khỏi đời nô lệ bần cùng.
Đồng chí Lư Văn Điền nhấn mạnh: “Từ hoạt động của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Cờ Đỏ đã tỏa nhanh ánh sáng của Đảng khắp nơi trong tỉnh Cần Thơ và trong vùng. Cụ thể, ở Ô Môn đã thành lập thêm Chi bộ Đảng Phong Hòa, Thới Thạnh, Thới An và Trường Thành; ở Châu Thành thành lập Chi bộ An Bình, Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái, Bình Thủy; ở thị xã Cần Thơ thành lập các chi bộ Nhà Đèn, Sở Vệ Sinh, Trường Collège de Can Tho; ở tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Chi bộ Bù Hút; ở tỉnh Trà Vinh thành lập Chi bộ Vĩnh Xuân...”.
![Điểm Son 90 năm!](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2019/20190203/images/diem--2.gif)
Thị trấn Cờ Đỏ được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Một góc trung tâm thị trấn Cờ Đỏ.
Nhiều ý kiến và tham luận tại hội thảo đều khẳng định: Sự ra đời của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ - “Hạt giống đỏ” được gieo xuống nơi đây đã lãnh đạo, chỉ đường cho người lao động đứng lên cứu nước, đấu tranh đòi quyền sống, thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở Cờ Đỏ và tỉnh Cần Thơ nói riêng, các tỉnh miền Hậu Giang nói chung. Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ thật sự là “cái nôi” không chỉ cho phong trào cách mạng của tỉnh Cần Thơ, mà còn lan tỏa ra một số địa phương trong vùng, chiếm vị trí quan trọng xuyên suốt qua các chặng đường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần vào sự nghiệp cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử
Nhằm giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử về sự ra đời của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ, năm 2017, UBND thành phố giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đầu tư xây dựng Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.
Dự án được xây dựng tại trung tâm thị trấn Cờ Đỏ, có tổng diện tích 39.710m2, trong đó tổng diện tích xây dựng 1.563m2, bao gồm: nhà lưu niệm, nhà quản lý, phù điêu thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ, quảng trường, bãi xe, quầy lưu niệm và ao sen. Tổng mức đầu tư công trình hơn 73,3 tỉ đồng. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành phần san lấp mặt bằng và đang chuẩn bị khởi công các gói thầu xây dựng, đúc tượng bê tông, mua sắm trang thiết bị...
Việc xây dựng công trình ý nghĩa này được các đồng chí lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Trong dịp đến kiểm tra công trình, đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố cần phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo huyện Cờ Đỏ quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát… nhằm thi công công trình đạt chất lượng, hoàn thành vào tháng 9-2019 để Thành ủy tổ chức Lễ Kỷ niệm 90 năm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.
![Điểm Son 90 năm!](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2019/20190203/images/image001.gif)
Phối cảnh Khu di tích lịch sử Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.
Cán bộ, đảng viên và người dân thị trấn Cờ Đỏ đều đồng tình, phấn khởi khi công trình được xây dựng, trong đó có hơn 50 gia đình trong vùng quy hoạch khu di tích đã di dời nhà, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đồng chí Hồ Quang Đại, đảng viên trẻ của thị trấn, nói: “Khu di tích hoàn thành sẽ giúp thế hệ trẻ chúng tôi và các thế hệ mai sau hiểu rõ giá trị, ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ 90 năm trước. Từ đó càng tự hào, giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Không ngừng đổi mới, phát triển...
Từ sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ thị trấn đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đồng chí Danh Thành, Bí thư Đảng ủy thị trấn, kể: “Những năm đầu giải phóng, hầu hết các gia đình đều rơi vào cảnh đói nghèo; nhà ở chủ yếu làm bằng tre lá tạm bợ; điện, đường, trường, trạm xá chưa có…”. Qua mỗi kỳ đại hội, Đảng bộ thị trấn xác định phải khai thác lợi thế địa bàn trung tâm, xem phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ là mặt trận hàng đầu. Đi đôi với việc tranh thủ sự đầu tư của huyện để xây dựng đô thị và trung tâm thương mại, Đảng ủy chỉ đạo các ngành, đoàn thể hỗ trợ nhân dân vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để doanh nghiệp và nhân dân sản xuất, kinh doanh… Đến nay thị trấn có hơn 1.500 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Chúng tôi ghé thăm Công ty TNHH một thành viên đầu tư sản xuất thương mại Khánh Đăng, Giám đốc Huỳnh Minh Vũ phấn khởi chia sẻ: “Tôi thành lập công ty từ năm 2015, kinh doanh các mặt hàng trang trí nội thất, đồ gỗ và xây dựng, thường xuyên sử dụng 15 lao động. Nhờ địa phương quan tâm hỗ trợ về mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự…, việc kinh doanh của công ty rất thuận lợi, doanh thu mỗi tháng từ 400-500 triệu đồng”. Đến tiệm tạp hóa Hồng tại nhà lồng chợ Cờ Đỏ, sáng sớm nườm nượp khách ra vào mua hàng. Chị Mai Thị Thu Hồng, chủ tiệm, bộc bạch: “Trước đây buôn bán ở khu chợ Cờ Đỏ cũ lụp xụp, ế ẩm. Năm 2017, huyện xây dựng xong chợ Cờ Đỏ mới. Về đây, chỗ rộng rãi, sạch sẽ, thuận tiện cho xe cộ ra vào, doanh số bán ra mỗi ngày gấp 2-3 lần so với trước”.
![Điểm Son 90 năm!](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2019/20190203/images/image003.gif)
Cán bộ, đảng viên thị trấn Cờ Đỏ tham quan vị trí xây dựng Khu di tích lịch sử Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.
Là thị trấn ven đô, Cờ Đỏ có gần 500ha ruộng vườn. Vì thế, trong phát triển kinh tế, Đảng bộ thị trấn rất chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp. Theo đồng chí Lê Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, nông dân đã xây dựng mô hình cánh đồng lớn với gần 100ha, trồng 5ha cây ăn trái, chuyên canh hơn 5ha rau màu. Từ đây, nhiều nông dân có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ sản xuất nông nghiệp, có cuộc sống khấm khá. Điển hình như ông Trần Văn Vuôl, ông Nguyễn Văn Liệc, ông Nguyễn Văn Sang ở ấp Thạnh Hòa… có huê lợi từ 100-300 triệu đồng/năm.
Bây giờ đường đến các ấp ở thị trấn Cờ Đỏ đều trải nhựa và bê tông sạch đẹp, dọc hai bên đường nhà tường mới mọc lên san sát, con em được học dưới những mái trường khang trang. Đồng chí Danh Thành, Bí thư Đảng ủy thị trấn, hào hứng kể: “Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt 46 triệu đồng, hầu hết các hộ gia đình đều có cuộc sống ổn định. Kinh tế phát triển, nhân dân càng tích cực đóng góp cùng Nhà nước xây dựng quê hương giàu đẹp”. Anh Thành nhẩm tính, trong vòng 20 năm tính từ khi thành lập thị trấn trên cơ sở chia tách xã Thới Đông đến nay, nhân dân thị trấn đã đóng góp gần 100 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng. Thị trấn cũng đã tranh thủ nguồn lực đầu tư của thành phố và huyện được hàng chục tỉ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến nay, 100% tuyến đường chính được tráng nhựa, bê tông; có 4 trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; người dân các ấp đều sử dụng điện an toàn, nước sạch hợp vệ sinh…
Truyền thống đoàn kết tiếp tục được cán bộ, đảng viên nuôi dưỡng và phát huy. Đảng bộ thị trấn hiện có 17 chi bộ, với 294 đảng viên, hầu hết gương mẫu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tất cả cán bộ, công chức thị trấn đạt chuẩn trình độ, tu dưỡng, giữ gìn đạo đức công vụ, nhiệt tình phục vụ nhân dân. Đây là mấu chốt để hằng năm Đảng bộ thị trấn được công nhận đạt trong sạch vững mạnh.
*
* *
Ngày cuối năm, trên công trường xây dựng di tích Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, vang tiếng nói, cười rôm rả của hàng chục kỹ sư, công nhân xen tiếng gầm gào của máy móc, thiết bị cơ giới… san lấp mặt bằng, tạo thành một khung cảnh lao động khẩn trương, để công trình hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng. Khắp các nẻo đường được trang trí cờ hoa rực rỡ, người dân đi mua sắm Tết nhộn nhịp, đông vui. Các khu chợ, ki-ốt bày bàn hàng hóa tràn ngập, đủ sắc màu… Tất cả như tiếp thêm khí thế mới, động lực mới cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng bước vào giai đoạn phát triển mới, thật sự trở thành một thị trấn phồn thịnh trong tương lai.l
Bài, ảnh: ANH DŨNG