Vĩnh Thuận là huyện thuộc vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) với 7 xã và 1 thị trấn; người dân sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, mua bán… Nhờ chuyển dịch cơ cấu hợp lý, phát huy tốt thế mạnh của địa phương, kinh tế Vĩnh Thuận tăng trưởng ổn định, thu nhập người dân không ngừng nâng lên. Từ đó, phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển rộng khắp, làm diện mạo vùng quê thay đổi, khang trang...
Người dân đồng lòng
Vĩnh Thuận đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Danh Lê (tổ 1, ấp Vĩnh Thanh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận) cho biết: “Trước đây, vùng này gặp nhiều khó khăn từ việc đi lại cho đến sản xuất. Được Nhà nước quan tâm đầu tư thủy lợi, người dân chuyển sang nuôi tôm, cua, kết hợp trồng lúa 1 vụ, thu nhập tăng lên rõ rệt. Chỉ tính riêng tổ 1, có khoảng 60 hộ thì hộ giàu đã trên 50%, mỗi hộ có nguồn thu từ 300-500 triệu đồng/năm, có hộ hơn 1 tỉ đồng/năm do con tôm mang lại. Đời sống bà con không ngừng cải thiện nên khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhà nào cũng nhiệt tình hưởng ứng”. Là người có uy tín trong đồng bào Khmer ở địa phương, ông Danh Lê tình nguyện hiến đất, hỗ trợ kinh phí mở rộng đường giao thông nông thôn đảm bảo cho xe 4 bánh lưu thông dễ dàng. Bên cạnh đó, ông còn tích cực vận động người dân đóng góp đất đai, tài sản, ngày công lao động… để chính quyền đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng ủng hộ chủ trương trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (ngụ ấp Thạnh Đông, xã Phong Đông) nói: “Khu vực này thuộc vùng sâu và là nơi giáp ranh giữa 2 huyện Vĩnh Thuận và huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu). Tuy nhiên, thiếu trường mẫu giáo, khiến các cháu đi học rất xa và nhiều gia đình không có điều kiện cho con đến trường. Trước nhu cầu bức thiết đó, tôi tình nguyện hiến 3 công đất mặt tiền, trị giá gần 2 tỉ đồng để Nhà nước xây dựng trường mẫu giáo. Năm 2019, Trường Mẫu giáo Phong Đông (điểm Chợ Vàm) hoàn thành, đưa vào hoạt động trước sự vui mừng khôn tả của người dân huyện Vĩnh Thuận và huyện Hồng Dân…”. Theo ông Lê Văn Gìn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận, tấm gương hiến đất xây trường mẫu giáo và sau đó xây nhà giúp các phụ huynh nhà xa có nơi ở trong thời gian chờ rước con của bà Phụng thật đáng quý!
Không chỉ Phong Đông mà nhiều địa phương khác cũng phát huy tốt sự đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Ông Võ Văn Kiệu, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phong, cho biết: “Toàn xã có 11 ấp đều được bê tông và nhựa hóa, 70% tỷ lệ cống đập được kiên cố hóa; các thiết chế văn hóa, trường học được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc… Sức dân đóng góp trong quá trình phát triển nông thôn là không nhỏ”.
Nâng cao đời sống người dân
Huyện Vĩnh Thuận quan tâm hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách.
Ông Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận, nhìn nhận: “Chương trình xây dựng nông thôn mới là một tất yếu khách quan phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Song, vấn đề đặt ra là cần xác định rõ chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và thực tế đã chứng minh người dân mới thực sự là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Sự tham gia của người dân vào xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại. Do đó, trong quá trình thực hiện nông thôn mới, ngành chức năng huyện Vĩnh Thuận luôn quan tâm và tạo thuận lợi để người dân tích cực tham gia, thực hiện tốt 15 phần việc của hộ gia đình. Vai trò của người dân được thể hiện qua dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi”.
Nhờ phát huy tốt vai trò của người dân cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương… đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thống kê cho thấy, những năm qua, huyện Vĩnh Thuận đã huy động hơn hơn 368 tỉ đồng đầu tư cho nông thôn mới. Đến nay tất cả 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Vĩnh Thuận cũng đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới. Có thể nói, kết quả bước đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Thuận đã tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với các cấp, các ngành, đặc biệt đã khơi dậy vai trò chủ thể của người dân, tạo niềm tin, tự giác tham gia. Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn các xã có sự thay đổi đáng kể.
Theo Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận Lê Trung Hồ, những năm qua huyện tập trung các giải pháp phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản từ 22.837ha lên 28.548ha (trong đó chuyển 3.836ha đất trồng lúa 2 vụ kém hiệu quả và 1.875ha đất cây trồng khác, sang mô hình tôm - lúa). Năng suất, sản lượng tôm hằng năm luôn vượt kế hoạch đề ra, năm 2020 đạt trên 15.500 tấn tôm, tăng 5.000 tấn so năm 2016; giá trị sản xuất theo mô hình tôm - lúa đạt 120 triệu đồng/ha/năm, tăng 2 lần so với đất trồng lúa 2 vụ. Đặc biệt mô hình 2 lúa - 1 màu (khoảng 500ha) mang lại hiệu quả cao với giá trị sản xuất trên 180 triệu đồng/ha...
Bên cạnh việc phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới, huyện cũng thành lập 14 hợp tác xã và 90 tổ hợp tác nông nghiệp, liên kết được chuỗi giá trị với các doanh nghiệp; xây dựng các mô hình có hiệu quả như “5 không 3 sạch”, tổ nhân dân tự quản không có tệ nạn xã hội, mô hình thắp sáng đường quê, xây dựng tuyến đường hoa, mô hình sản xuất “1 phải 5 giảm”, mô hình 3 giảm 3 tăng… cùng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả như: nuôi tôm thẻ thâm canh 2 giai đoạn cho năng suất từ 35-40 tấn/ha/vụ, lợi nhuận 150-200 triệu đồng/ha/vụ; mô hình trồng dưa lê, dưa hoàng kim trên ruộng lúa với diện tích 400ha, năng suất từ 18-20 tấn/ha, lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng/ha… Tất cả góp phần nâng cao đời sống người dân và là cơ sở để xây dựng nông thôn mới bền vững.
Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH