09/06/2023 - 08:55

Dịch vụ xin nghỉ việc thay 

Vài năm trước, khi Toshiyuki Niino - sống ở Kamakura (Nhật Bản) - muốn từ bỏ công việc mà bản thân không hài lòng, anh phải lấy hết can đảm để mở lời với cấp trên. Từ sau trải nghiệm đó, Niino và người bạn thời thơ ấu Yuichiro Okazaki đã nảy ra ý tưởng thành lập Exit, một công ty chuyên xin nghỉ việc thay cho những người cảm thấy ái ngại hoặc khó khăn khi phải tự mình làm điều này.

Văn hóa “làm việc đến chết” của Nhật Bản khiến nhiều người thấy xấu hổ khi muốn xin nghỉ việc.

Theo đó, khách hàng chỉ cần đóng phí 20.000 yen (khoảng 3,3 triệu đồng), Exit sẽ thay mặt họ liên hệ với nơi làm việc để thông báo về quyết định nghỉ việc. Qua đó, công ty này giúp những người muốn nghỉ việc tránh được cuộc nói chuyện căng thẳng với cấp trên. Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, mô hình kinh doanh của Exit đã được khoảng 20 công ty khác áp dụng. Ðiều này cho thấy ngành công nghiệp xin thôi việc thay đang “nở rộ” ở Nhật Bản.

Theo Niino, hầu hết khách hàng của Exit là nam giới trong độ tuổi 20 và công ty nhận được khoảng 10.000 yêu cầu xin nghỉ việc thay mỗi năm. Niino tin rằng sự phổ biến của dịch vụ xin nghỉ việc thay có thể liên quan đến các khía cạnh của văn hóa Nhật Bản, vốn hạn chế sự bất hòa và quan niệm một người muốn thành công thì phải cam kết làm việc lâu dài.

Niino cho biết tuy Exit đón nhận thái độ lạnh nhạt từ một số doanh nghiệp, nhưng nó giúp người lao động phản hồi trung thực về điều kiện tại nơi làm việc. “Họ thường không nói lý do thực sự muốn nghỉ việc, chẳng hạn như họ không thích người chủ. Nhưng thông qua dịch vụ của chúng tôi, người sắp nghỉ việc dám đưa ra ý kiến trung thực về nguyên nhân muốn ra đi” - Niino nói thêm.

Lâu nay, Nhật Bản nổi tiếng với văn hóa làm việc khắc nghiệt, khuyến khích người lao động phải làm việc tận lực và phục vụ lâu dài đối với công ty. Tuy quan niệm “việc làm trọn đời” không còn phổ biến trong những thập kỷ gần đây, nhưng so với người lao động ở các quốc gia khác, người Nhật vẫn ít thay đổi công ty và sống chủ yếu dựa vào mức lương có tính phụ cấp thâm niên làm việc. Ðiển hình là năm 2019, thời gian làm việc trung bình tại một công ty của người lao động ở Nhật Bản là 12,4 năm, cao hơn so với mức trung bình ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 10,1 năm.

NGUYỆT CÁT (Theo Aljazeera)

Chia sẻ bài viết